Thương nhớ sông quê
Sông Tiêm quê tôi như một dải lụa mềm bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, len lỏi qua bao ghềnh thác, chảy giữa bao làng quê, rồi xuôi dòng đổ ra Biển Đông.
Dòng sông là nhân chứng lịch sử ghi dấu chiến công của quê hương tôi trong những năm chiến tranh ác liệt. Ngày ấy, máy bay Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại phà Địa Lợi. Chúng thực hiện âm mưu ngăn chặn con đường huyết mạch từ Hà Tĩnh vào tuyến lửa Quảng Trị. Vì vậy, khúc sông quê ngày ấy phải gồng mình hứng chịu hàng trăm quả bom tấn. Thế nhưng mỗi lần “thần sấm”, “con ma” xuất hiện trên bầu trời là bị đơn vị pháo cao xạ và lưới lửa phòng không nhân dân huyện Hương Khê bắn cho tơi tả...
Minh họa: LÊ HẢI |
Ngày ấy, nhà tôi cạnh bến sông nên tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm về sông nước. Mùa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về chảy cuồn cuộn kéo theo cơ man nào là gỗ, củi mục và rều rác. Thấy vậy, người lớn tranh nhau vớt gỗ, củi, còn lũ trẻ tụi tôi chạy dọc bờ sông hò la inh ỏi. Mùa hạ, gió Lào quạt lửa, thời tiết nóng bức, chúng tôi thường rủ nhau ra sông mặc sức vùng vẫy. Thuở ấy còn nhỏ dại nên đứa nào cũng vô tư, con trai, con gái tắm chung mà chẳng biết ngượng là gì.
Lũ trẻ chúng tôi sau những trưa hè đánh trận giả đến mệt nhoài, vạt áo ướt đầm mồ hôi chạy ào ra bến sông vùng vẫy giữa dòng nước mát lạnh. Tuổi thơ với bao kỷ niệm đong đầy, chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả, đứa trở thành kỹ sư, bác sĩ, đứa dạy học ở quê nhà. Chỉ có tôi và Thái đi bộ đội. Đêm trước ngày lên đường nhập ngũ, sau khi tiễn bạn bè ra về, tôi thơ thẩn một mình ra bến sông. Đêm tháng ba, trời se lạnh, ánh trăng thượng tuần bàng bạc tỏa bóng xuống dòng sông lấp lánh. Đang miên man với ký ức tuổi học trò, bất chợt tôi nghe tiếng gọi phía sau lưng: “Anh đấy à? Sao lại ngồi một mình ở đây?”. Nhận ra em, tôi ngập ngừng trả lời ra vẻ không mặn mà cho lắm: “Tớ ngồi chơi vậy thôi!”. Em hỏi: “Anh có thể cho em ngồi cùng được không?”. Tôi trả lời cộc lốc: “Tùy em thôi”. Mặc dầu trả lời vậy nhưng thực ra tôi cũng cảm thấy bồi hồi, trống ngực đập thình thịch. Được một cô gái xinh đẹp như em ngồi bên cạnh là ước mơ của bất kỳ trai làng chúng tôi.
“Ngày mai đi xa, anh có nhớ bến Phú Hòa quê mình và nhớ em không?”.
“Có chứ! Nhớ bạn bè, nhớ cả em nữa!”-Tôi trả lời vẻ ngập ngừng.
Bất chợt em dúi vào tay tôi cuốn sổ nhỏ và chiếc khăn mùi xoa, giọng nhỏ nhẹ: “Tặng anh trước ngày nhập ngũ. Chúc anh thượng lộ bình an, nhớ đừng quên cô bé quê mùa này nhé!”.
Đón nhận món quà em trao, tôi bối rối chẳng nói nên lời. Và đêm ấy, chúng tôi ngồi trên bến sông vằng vặc trăng nghiêng. Em tựa vào vai tôi, suối tóc mượt mà thơm nồng mùi hương bồ kết khiến tôi ngây ngất. Chao ôi, cảm giác của một người con trai khi lần đầu tiên dám đặt một nụ hôn lên mái tóc của một người con gái sao mà lóng ngóng, vụng về đến thế.
Nhớ những ngày ra đảo nhận nhiệm vụ, giữa Trường Sa mênh mông trời nước, ngửa mặt lên bầu trời đầy sao, tôi bồi hồi nhớ bến sông quê mùa hạ, nhớ dáng mẹ hao gầy đổ bóng xuống chiều nghiêng, nhớ cô hàng xóm có “đồng xu” trên má với ánh mắt đen, tròn, tinh nghịch. Tôi thèm được ăn bát canh hến ngọt lự từ tay mẹ nấu, ước ao được ngồi trên bến Phú Hòa nghe em hát điệu ví giặm quê nhà... Ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng tôi không thấy đơn độc, bởi trước mặt là biển trời Tổ quốc, phía sau là đất mẹ, là quê hương với bao kỷ niệm đong đầy. Những cánh thư của em và bè bạn luôn là nguồn động viên vô bến, vô bờ, là cầu nối giữa đất liền với đảo.
Bây giờ về quê đúng vào mùa gặt hái, đi giữa cánh đồng bát ngát, tôi cảm nhận rơm rạ thân thương, quấn quýt chân người. Những lúc ấy lòng mình sâu lắng lại... Phải rồi! Từ ngàn đời nay vẫn vậy, cho dù đi đâu, về đâu; cho dù sướng, khổ, vui, buồn, thì những người xa quê vẫn tìm về với tổ tiên, nguồn cội; tìm về với bụi chuối, bờ tre, gốc lúa. Về quê nghe tiếng cúc cu từ xa vọng lại, nghe tiếng cá quẫy trên dòng sông Tiêm, tôi thấy lòng mình dịu lại. Bao phiền muộn, toan tính giữa đời thường tan biến. Chỉ có tình quê mộc mạc đến vô cùng.
PHAN TIẾN DŨNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.