• Click để copy

Tiếp tục triển khai thật tốt chương trình giáo dục phổ thông mới

Bước qua năm 2022 với nhiều khó khăn, toàn ngành giáo dục xác định năm 2023 khối lượng công việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất lớn và thách thức sẽ nhân lên.

Chia sẻ với báo chí nhân dịp đầu xuân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh quyết tâm triển khai chương trình phải đúng tiến độ; đồng thời ngành cũng làm tốt công tác giải trình với các đoàn thanh tra, kiểm tra, với tinh thần xử lý dứt điểm, không né tránh.

Tiếp tục triển khai thật tốt chương trình giáo dục phổ thông mới

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: THẾ ĐẠI 

Phóng viên (PV): Nhìn lại các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Bộ trưởng có thể tóm lược ngắn gọn vào những từ khóa nào?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2022 đối với ngành giáo dục, có thể tóm lược ngắn gọn trong mấy từ khóa sau đây: Thách thức-nỗ lực-kết quả khả quan.

Thách thức ở đây là những thách thức nảy sinh trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục và đào tạo. Cùng tiến độ của công việc đổi mới, thời điểm năm 2022 là năm triển khai rất nhiều việc đối với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Đặc biệt, một thách thức lớn, đáng chú ý trong năm qua với ngành giáo dục là sau thời gian dịch bệnh, có một bộ phận giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, nhiều trường mầm non tư thục đóng cửa... Điều này đã gây ra sự thiếu hụt đối với giáo viên. Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có những môn mới; có những yêu cầu mới đạt chuẩn về lớp học, số lượng học sinh và giáo viên. Điều đó đặt ra cho ngành thách thức làm thế nào đủ số lượng và bảo đảm chất lượng của giáo viên.

Tuy nhiên, hơn một triệu giáo viên trong năm qua đã nỗ lực hết mình để đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Những kết quả đó khiến các kế hoạch lớn của năm 2022 đặt ra đều được hoàn thành đúng kế hoạch, đúng tiến độ dạy và học.

PV: Đâu sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm 2023, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một trong những thách thức lớn trong năm 2023 là thực hiện thành công năm trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Cụ thể là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra. Để thực hiện công cuộc đổi mới thành công cần rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực về mặt tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn lực này giúp các địa phương có sự chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở vật chất: Trường học, lớp học, trang thiết bị phòng học, thực hành, dụng cụ học tập... Chúng tôi coi đó là những thách thức và đã có những kiến nghị đối với các bộ, ngành, đồng thời đề nghị cũng như phối hợp với nhiều địa phương để cố gắng xử lý tốt những việc này. Bên cạnh đó, những vấn đề như bảo đảm giáo viên cho đổi mới, đặc biệt bảo đảm đội ngũ giáo viên cho nhiều môn học mới trong chương trình cũng được xem là những thách thức trong quá trình đổi mới.

Năm 2023 là năm quan trọng, tập trung nhiều việc của ngành trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, vì đây là điểm giữa kỳ cho việc đổi mới của chương trình. Những thay đổi lớn đều tập trung vào năm này và chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo, trao đổi, phối hợp với các địa phương để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho việc tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Với một năm có nhiều lớp cùng thay đổi chương trình thì các điều kiện cần chuẩn bị cũng đặt ra yêu cầu cao và nhiều hơn các giai đoạn trước.

Trong năm 2023, chúng tôi dự kiến hoàn tất việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới, đây cũng là bậc học quan trọng mang tính nền tảng. Đây là một năm mà các điều kiện bảo đảm chất lượng được tăng cường, củng cố. Trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo, đó là nhiệm vụ quan trọng.

Cùng với đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, giáo dục đại học sẽ có một vài điều chỉnh chính sách để làm cho tự chủ đại học trong thời gian sắp tới đi vào chiều sâu, đầy đủ hơn và tạo thêm điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là năm phải hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường đại học sư phạm trọng điểm, quy hoạch các trường chuyên biệt trong cả nước... Luật Nhà giáo là một bộ luật rất quan trọng và đang trong thời kỳ đề xuất. Chúng tôi sẽ trình, thuyết minh sự cần thiết, định hướng của Bộ luật này trước Chính phủ.

Tiếp tục triển khai thật tốt chương trình giáo dục phổ thông mới

 Học sinh Hà Nội tại Triển lãm Sách giáo khoa Việt Nam và các nước. Ảnh: THẾ ĐẠI

PV: Năm nay, ngành giáo dục sẽ thực hiện những công tác giải trình gì?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2023, ngành giáo dục thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm giải trình trước Đảng, nhân dân, Quốc hội. Chúng tôi sẽ cần phải đánh giá xem quá trình sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đây là dịp mà ngành sẽ nhìn lại những công việc đã, đang và sẽ làm xem còn gì cần điều chỉnh trong những năm tiếp theo để tiếp nối tinh thần đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành.

PV: Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng gửi gắm gì tới toàn xã hội cũng như các phụ huynh, học sinh và đội ngũ nhà giáo?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đối với năm 2023-năm mà nhiệm vụ và thách thức cũng không nhỏ hơn năm 2022, trong quá trình đổi mới sẽ có nhiều vấn đề mới mẻ, bỡ ngỡ, không chỉ đối với người học mà còn đối với phụ huynh. Tôi mong rằng, toàn thể xã hội, các bậc phụ huynh, các năm vừa qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ với ngành giáo dục, với các nhà giáo trong mọi hoạt động thì trong quá trình đổi mới sẽ có sự chia sẻ, đồng hành với ngành. Sự đồng hành này không chỉ đem lại những điều tốt đẹp cho các bạn học sinh, cho các thầy cô giáo mà còn cho cả ngành giáo dục.

Năm 2023 là một năm mà tôi mong muốn toàn ngành, tất cả nhà giáo, đứng trước những thách thức trong thời gian vừa qua đã hết sức nỗ lực, đã hết sức cố gắng thì tiếp tục ra sức nỗ lực, cố gắng để hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh, nhiệm vụ rất lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong nhiệm vụ lớn của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể nói Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã và đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nhà giáo. Những cố gắng và nỗ lực của nhà giáo đang được ghi nhận, hỗ trợ, những khó khăn đang từng bước được giải quyết. Mong rằng đội ngũ nhà giáo sẽ tiếp tục vững tin, nỗ lực, cố gắng và chắc chắn thành công sẽ đến với tất cả chúng ta.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

VIỆT HÀ (ghi)

Bài liên quan

Tin mới

Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan

Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.

Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.

Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.