Tìm hướng giải “cơn khát” vốn vay cho hợp tác xã
Nguồn vốn của hợp tác xã được coi là “dòng máu” để lưu thông các hoạt động cũng như phát triển, mở rộng các dịch vụ sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn về vốn lại đang là điểm nghẽn tại nhiều hợp tác xã hiện nay. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhằm giúp hợp tác xã tận dụng được các cơ hội để phát triển bền vững.
Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng số lượng hợp tác xã được tiếp cận với ưu đãi rất ít, đa số vẫn phải tự lực cánh sinh với nguồn vốn hạn hẹp. Vì thế, Nghị quyết 20-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giải đoạn mới đã đề ra một loạt giải pháp nhằm giải quyết bài toán về vốn và tín dụng để hợp tác xã cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Loay hoay tiếp cận vốn
Thực tế cho thấy hiện nay các hợp tác xã đang rơi vào cảnh thiếu vốn trầm trọng nhưng lại vô cùng chật vật khi tiếp cận với chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, thay vì vay vốn ngân hàng, hầu hết hợp tác xã phải xoay qua tự huy động vốn từ các thành viên, thậm chí phải thế chấp hết tài sản của gia đình để tăng vốn hoạt động.
Ảnh minh họa, nguồn internet.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, thời gian qua Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã dù đã hỗ trợ không ít hợp tác xã nhưng chưa phân bổ đủ; thậm chí có tỉnh đến nay vẫn chưa thành lập Quỹ.
Một kênh nữa giúp hợp tác xã tiếp cận là qua tổ chức, đoàn thể nhưng thường là vay tín chấp và chỉ được chấp nhận khi đã hết dư nợ. Đây cũng là rào cản khiến hợp tác xã không thể thoả mãn điều kiện này do hầu hết đều có dư nợ tại ngân hàng.
Ngoài ra, nếu vay vốn tại ngân hàng thương mại, hợp tác xã phải có tài sản thế chấp, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, đa số hợp tác xã đều có tài sản rất ít, giá trị thấp hoặc không có tài sản, tài sản không bảo đảm các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng.
Hơn nữa, rất hiếm hợp tác xã đáp ứng được điều kiện về phương án sản xuất kinh doanh do mới thành lập hoặc chưa liên kết được với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị.
Các chuyên gia lý giải rằng, đây là lý do khiến hợp tác xã chật vật trong tiếp cận vốn hoặc có thì cũng chỉ dừng lại ở nguồn vốn ngắn hạn. Hơn nữa, nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại thường có lãi suất cao cũng tạo thêm gánh nặng cho khu vực kinh tế này.
Với mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã sản xuất dịch vụ và thương mại Kim Chòi (Lạng Sơn) đã tìm đến nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, tài sản thế chấp của hợp tác xã không đảm bảo, chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục vay vốn nên không tiếp cận được và phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài với lãi suất cao gấp đôi.
Cùng khó khăn trong tiếp cận vốn, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (Đồng Nai) chia sẻ, lãi suất hợp tác xã vay ngân hàng hiện nay từ 10-11%/năm với khoản vay hàng tỷ đồng. Vì vậy, riêng tiền lãi cũng đã khiến hợp tác xã đau đầu, nhất là khi chăn nuôi đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, giá thức ăn tăng liên tục nên hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đã khó càng thêm khó.
Còn tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (Quảng Trị), để tồn tại, phát triển và thích ứng với thị trường, hợp tác xã đã phải đẩy mạnh đa dạng các dịch vụ nhằm hỗ trợ các thành viên sản xuất kinh doanh theo chuỗi.
Theo ông Nguyễn Thể, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng, trung bình mỗi năm hợp tác xã huy động khoảng 50-100 thành viên có nguồn vốn nhàn rỗi gửi tiền vào quỹ tín dụng nội bộ, sau đó cho các thành viên khác có nhu cầu được tạo điều kiện vay vốn.
Chính vì vậy, hiện tại hợp tác xã đã có nguồn vốn tín dụng nội bộ khoảng 15 tỷ đồng, hỗ trợ cho 100 hộ thành viên xây dựng trang trại, 30 hộ đầu tư các loại xe để hoạt động, vận chuyển nông sản. Mặt khác, hợp tác xã còn mua các loại máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch.
Chờ đợi chính sách mới
Câu chuyện hợp tác xã muốn ứng dụng công nghệ vào sản xuất hay làm đường bê tông ra ruộng chở nông sản nhưng thiếu vốn do không có tài sản thế chấp đã không còn là vấn đề mới với khu vực kinh tế này.
Nhiều hợp tác xã đang có nhu cầu rất lớn về vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh vì trong giai đoạn thị trường cạnh tranh gay gắt buộc khu vực kinh tế này phải có sự chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi và bắt nhịp thị trường. Do đó, rất cần sự chung tay hỗ trợ của cơ quan quản lý để hợp tác xã tận dụng cơ hội phát triển.
Ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh, Hà Nội) mong các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ hợp tác xã được vay tín chấp phục vụ phát triển sản xuất, vì đa số không có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng.
Nghị quyết 20-NQ/TW ra đời đã đề ra 6 phương hướng xử lý vấn đề tín dụng cho hợp tác xã như vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh đầu tư; vay vốn trung dài hạn; khuyến khích tăng vốn và huy động vốn các thành viên...đang là động lực thôi thúc với khu vực kinh tế này.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bày tỏ, hợp tác xã đang tiếp cận các nguồn vốn tín dụng qua kênh tín dụng thương mại. Đây là kênh tương đối khó khăn, vì điều kiện để tiếp cận tín dụng thương mại và lòng tin của các tổ chức tín dụng với hợp tác xã còn hạn chế.
Ngoài ra còn có Ngân hàng Hợp tác xã, là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã nhưng chủ yếu làm đầu mối để điều tiết, hỗ trợ cho các Quỹ tín dụng nhân dân. Còn lại thị phần tín dụng và các dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã còn ít.
Bởi vậy, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định nếu Nghị quyết 20-NQ/TW được thực hiện kịp thời sẽ giúp thay đổi diện mạo cho hợp tác xã và tạo đột phá về nhận thức, vai trò của kinh tế tập thể, góp phần đưa khu vực kinh tế này phát triển mạnh và bền vững.
Lê Pháp (t/h)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.