Tình trạng vượt biên trái phép vào EU ngày càng tồi tệ
Ít nhất 380.227 người di cư vượt biên trái phép đã được ghi nhận trong năm 2023 ở biên giới ngoài Liên minh châu Âu (EU). Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) nhận định, năm 2024, tình hình sẽ không được cải thiện nhiều do môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp.
Số vụ vượt biên trái phép tăng mạnh
Theo Frontex, năm 2023, số người vượt biên trái phép vào EU tăng 17% so với năm 2022. Cụ thể, số vụ vượt biên tăng mạnh được ghi nhận ở tuyến đường Trung Địa Trung Hải (qua Italy) với 157.479 người, tăng 49% so với năm 2022. Tuyến Đông Địa Trung Hải (qua Hy Lạp) cũng có mức tăng 55% ngay cả khi số lượng ít hơn (60.073 người). Sự tăng mạnh nhất được ghi nhận qua quần đảo Canaries (Tây Ban Nha) với 40.403 người, tăng 161%...
Trong khi đó, tuyến đường qua Tây Ban Nha có số lượt người vượt biên thấp 16.915 người (tăng 12%). Chỉ tuyến đường Balkan là có mức giảm 31% nhưng lưu lượng vẫn ở mức cao với 99.068 lượt người. Ở biên giới phía Đông châu Âu (Ba Lan, các nước vùng Baltic...), tình hình người di cư bất hợp pháp cơ bản được kiểm soát với 5.608 lượt vượt biên trái phép, giảm 12% so với năm 2022.
Cũng theo số liệu của Frontex, năm 2023, hầu hết người vượt biên trái phép đến từ Syria (100.962 người, tương đương 28% tổng số người vượt biên trái phép). Tiếp đó là Guinea (19.928 người), vùng cận Sahara (18.143 người), Bờ Biển Ngà (17.165), Tunisia (17.155 người), Afghanistan (16.990 người), Morocco (14.477 người), Bangladesh (13.417 người)... Trong số đó, người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là người Afghanistan, Iraq và Syria, muốn nhập cảnh vào Anh. Frontex cũng cho biết, có 62.000 người đã vượt biên qua eo biển Manche, tăng 12% so với năm 2022.
Người di cư trái phép được tàu tuần duyên Tây Ban Nha đưa đến cảng Arguineguin trên đảo Gran Canaria ngày 20-3 vừa qua. Ảnh: Reuters |
Nguy cơ khủng bố vẫn ở mức cao
Trong phân tích của mình, Frontex bày tỏ lo ngại nguy cơ những kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người di cư. Hơn nữa, do sự phân cực của xã hội châu Âu xung quanh cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở dải Gaza, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố có thể gia tăng, các sự kiện thể thao lớn trong năm 2024 có thể bị đe dọa.
Frontex nhận định, năm 2024, tình hình di cư bất hợp pháp nhiều khả năng không được cải thiện do môi trường địa chính trị phức tạp tác động đến các tuyến di cư ở Địa Trung Hải cũng như khu vực Tây Balkan.
Dự kiến, dự luật cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn ở EU sẽ được bỏ phiếu vào tháng 4 tới. Nội dung của các cải cách chỉ ra một số tiến bộ, như: Không tiếp nhận người di cư vào châu Âu khi họ chưa đăng ký dấu vân tay và hình ảnh khuôn mặt ở biên giới (trừ trẻ em dưới 6 tuổi). Thời gian kiểm tra kéo dài tối đa 7 ngày. Nếu việc "sàng lọc" chứng minh rằng một cá nhân nguy hiểm có tiền án đang cố gắng vào khu vực Schengen, người này sẽ bị trục xuất ngay lập tức.
Luật pháp châu Âu cũng tiếp thu ý tưởng của Pháp về “quy định pháp lý đối với các trường hợp không được nhập cảnh” vào EU, như đang được áp dụng tại sân bay Roissy. Theo đó, người nhập cư trái phép sẽ bị tạm giữ ở các “trung tâm tiếp nhận” tương tự như trên đảo Samos của Hy Lạp. Một số đối tượng khác bị tạm giữ dưới hình thức quản thúc tại gia. Đối với những người xin tị nạn đến từ vùng chiến sự sẽ được áp dụng theo phương thức riêng.
Ngoài ra, EU cũng sẽ ký các thỏa thuận phát triển kinh tế với các quốc gia có số lượng người di cư cao hay quốc gia trung chuyển đến khu vực EU. Hiện nay, EU đã ký 2 thỏa thuận với Tunisia và Ai Cập, đồng thời đang trong quá trình đàm phán với một số quốc gia khác. “Tuy nhiên, để những thỏa thuận trên có hiệu lực, sẽ cần thêm hai năm nữa. Cho đến lúc đó, tình hình có thể còn xấu hơn ở biên giới bên ngoài EU”, Frontex nhận định.
BÌNH NGUYÊN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.