• Click để copy

Tinh túy văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa

Thời Minh Mạng, tỉnh Bắc Ninh được thành lập bao gồm cả tỉnh Bắc Giang và một phần đất Hà Nội cùng Vĩnh Phúc ngày nay. Đây là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, gắn liền với nền văn minh sông Hồng và cũng là vùng nổi tiếng bởi văn hóa giao tiếp với nhiều tinh túy.

Trong lịch sử, Bắc Ninh là tỉnh có nhiều Trạng nguyên nhất Việt Nam. Thống kê cho thấy vùng quê Kinh Bắc đã có tới 17 trạng nguyên và 622 tiến sĩ. Có câu vè rằng: "Một giỏ ông Đồ/ Một bồ ông Cống/Một đống ông Nghè/ Một bè Tiến sĩ/Một bị Trạng nguyên/Một thuyền Bảng nhãn".

Theo GS, TS Nguyễn Chí Bền, chủ biên bản chuyên khảo “Dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa là sự tích hợp và được hình thành do nhiều nguồn: Văn hóa truyền thống của làng xã, văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo… từ đó tạo nên đặc điểm của di sản văn hóa giao tiếp mà trải qua hàng ngàn năm, được các tầng lớp nhân dân trân trọng và phát huy.

Theo GS,TS Nguyễn Chí Bền, nét độc đáo trong văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa thể hiện ở cử chỉ, lời nói và hành động.

Về cử chỉ giao tiếp của người Bắc Ninh xưa có giá trị biểu cảm rất cao, cả khi gặp nhau và khi tiễn biệt. Khi gặp nhau, người ta không bắt tay mà chắp hai tay trước ngực vái nhau. Cách vái thường thấy là hai người cùng vái nhau, đầu hơi cúi xuống. Người bề dưới (về chức vụ, vai vế, tuổi tác trong làng, trong họ) vái dài người bề trên và gập mình cúi đầu. Người bề trên chắp hai tay trước ngực, đầu không cúi để tỏ sự đáp lễ. Trong câu chuyện, thông thường, người dưới không nói nhiều, không nói to, khi nói không khoa chân múa tay hoặc vừa cười vừa nói, không khoe khoang, khoác lác.

Tinh túy văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa
Nghi thức mời trầu tại chương trình “Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội” năm 2024 tổ chức ngày 31-8. Ảnh: HỮU THẮNG 

Nếu khi gặp nhau, hai bên thường chỉ vái nhau một lần thì khi chia tay, có thể động tác vái nhau diễn ra hai, ba lần. Đó là một lần khi chủ khách đều bước xuống sân, lần thứ hai là chủ tiễn khách ra đến đường cái quan hay bến đò. Ngày xưa, khi khách đã lên ngựa hoặc xuống đò… đôi bên cũng không dơ tay vẫy nhau như ngày nay mà cúi gập mình, vái nhau lần cuối (ngày xưa gọi là bái biệt).

GS, TS Nguyễn Chí Bền cho rằng, cũng như người Việt ở các vùng miền khác Đồng bằng Bắc Bộ rất trọng giao tiếp. Với người Bắc Ninh xưa, tính đặc sắc trong giao tiếp thể hiện ở từ ngữ, nhất là từ ở đầu và cuối câu.

Cụ thể, với người trên hoặc người có địa vị ngang hàng, các cụ đều dùng những từ mở đầu, như: “Bẩm”, “thưa”, “con (cháu, em) xin phép”,… để tỏ sự trân trọng, tôn kính người đối thoại. Đi liền với những từ đó là cử chỉ chắp hai tay, đầu cúi xuống với âm lượng của câu nói vừa đủ nghe, rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn, có lượng thông tin cao mà không ề à, dài dòng, tối nghĩa.

Còn ở cuối câu, người dưới nói với người trên bao giờ cũng có chữ “ạ” chứ không dùng chữ “nhé”. Chữ “nhé” chỉ có người bề trên nói với người dưới mang sắc thái ngữ nghĩa khuyên bảo, răn dạy.

Người Bắc Ninh xưa trọng mang theo quà để thay lời chào khi đến thăm nhau. Trước khi đi, người Bắc Ninh xưa thường chuẩn bị vật phẩm làm quà tặng để thể hiện tình cảm. Dựa vào sự hiểu biết cá tính của người bạn, của người thân mà lựa chọn vật phẩm cho để tặng cho phù hợp. Vật phẩm hoàn toàn không có giá trị vật chất cao sang gì, không có ý nghĩa hối lộ mà chỉ là thể hiện tấm thịnh tình với nhau. Chẳng hạn, nếu biết ông bạn chủ nhà thích đánh cờ mà chưa có bộ quân cờ ưng ý, người bạn đến chơi sẽ mang theo bộ quân cờ bằng sừng hoặc bằng gỗ để tặng bạn. Nếu biết ông bạn có thú thưởng trà mà trong nhà chưa có bộ đồ trà như ý muốn, ông bạn tri kỷ sẽ tìm mua tặng ông bạn bộ đồ trà tuy không đắt tiền nhưng độc đáo.

Người Bắc Ninh xưa rất thận trọng trong việc dùng từ ngữ giao tiếp. Tùy từng đối tượng giao tiếp mà dùng các từ “biếu”, “tặng”, “đãi” cho phù hợp. Từ “biếu” thường chỉ người bề dưới trao tặng vật lên người bề trên. Từ “tặng” thường được dùng cho những người bạn, bằng vai. Còn từ “đãi” được dùng khi ai đó mời một hoặc một nhóm người…

Tinh túy văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa
GS, TS Nguyễn Chí Bền. Ảnh: HỮU THẮNG

Văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa có nhiều nét rất đáng trân trọng. Nó không những phản ảnh một khía cạnh của truyền thống văn hóa của vùng quan họ mà còn thể hiện nét thanh lịch của vùng quê đã sinh ra rất nhiều nhà khoa bảng lừng danh, rất nhiều nhà ngoại giao có tài cho đất nước.

Ngày nay, lớp trẻ thực hành giao tiếp, ứng xử trong giao tiếp không còn lễ nghĩa, tôn ti trật tự mà thay vào đó là sự đơn giản và tiện lợi, phù hợp với xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc này đã kéo theo nhiều vấn đề. Hiện tượng nói tục, chửi thề khi giao tiếp của giới trẻ xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi thậm chí với tần suất rất lớn. Đây cũng chính là những hạt sạn khiến cho sự phát triển văn hóa bị ảnh hưởng, thậm chí có phần lệch lạc.  

Để giải quyết vấn đề này, các bậc phụ huynh cần gương mẫu, tích cực thực hành ứng xử văn hóa, làm gương cho con trẻ. Nhà trường cũng cần tăng cường các biện pháp giáo dục, tạo sân chơi bổ ích để học sinh tìm về nét văn hóa xưa mà thực hành.

LOAN THANH

Tin mới

Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone

Sáng 4-4, tại Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã viếng và ghi sổ tang tưởng niệm đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Burundi
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Burundi

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4.

Tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về Sở Công Thương
Tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về Sở Công Thương

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định về việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức của Sở Công thương, trong đó tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk (thuộc Bộ Công thương) và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trực thuộc Sở Công Thương.

Thu giữ 1.500 điếu cigar nhập lậu tại Hà Nội
Thu giữ 1.500 điếu cigar nhập lậu tại Hà Nội

Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại quận Long Biên, qua đó phát hiện khoảng 1.500 điếu cigar cùng thuốc lá ngoại nhập lậu, có dấu hiệu tiêu thụ trái phép.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra
Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra

Tại Toạ đàm với chủ đề "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/4/2025 đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cho rằng thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, mặc dù lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15.