Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt doanh nghiệp Ireland
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland, sáng 3-10 (giờ địa phương), tại thủ đô Dublin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã gặp mặt các doanh nghiệp Ireland.
Hoạt động này do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, kiêm nhiệm Ireland, Tổ chức Doanh nghiệp Ireland trực thuộc Chính phủ Ireland và Phòng Thương mại thành phố Dublin tổ chức.
Chủ tịch, Tổng giám đốc, lãnh đạo 15 tập đoàn lớn nhất Ireland đã tham dự, bày tỏ quan tâm đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào 4 lĩnh vực hợp tác mũi nhọn, đầy tiềm năng, bao gồm: Công nghệ cao, nông nghiệp, công nghiệp - năng lượng, y tế.
Trong không khí cởi mở, thân thiện, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp của Ireland đã chia sẻ thông tin về các dự án đầu tư, kinh doanh đã và đang được triển khai, cũng như các ý tưởng mong muốn được triển khai trong thời gian tới tại Việt Nam; kiến nghị về cách thức nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, kiêm nhiệm Ireland đã phối hợp tổ chức cuộc gặp.
Qua phần trao đổi của các doanh nghiệp Ireland, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vui mừng nhận thấy, nhiều doanh nghiệp Ireland đã có các dự án đầu tư hiệu quả, gặt hái thành công nhất định trong nhiều lĩnh vực, tại một số địa phương của Việt Nam.
Các nhóm liên quan đến lĩnh vực: Nông nghiệp, y tế, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp phát thải thấp và nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học hay bán dẫn… là những ngành mà Việt Nam định hướng tập trung ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
![]() |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự gặp mặt doanh nghiệp Ireland. Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm nhận được năng lượng, nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp Ireland, trong quyết tâm đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại và đầu tư với Việt Nam trong thời gian tới; thấy rằng, con số 41 dự án đầu tư FDI, với số vốn 60,82 triệu USD của Ireland tại Việt Nam như hiện nay, là còn khiêm tốn so với tiềm năng hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trong suốt 4 thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã liên tục nỗ lực đổi mới, mở cửa và hội nhập. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 thế giới, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế với 16 Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mà Ireland là một thành viên.
Việt Nam là số ít trong các nền kinh tế có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao qua nhiều năm, kể cả trong thời gian kinh tế thế giới khó khăn vì dịch bệnh hay xung đột thương mại, địa chính trị. Thực tế, GDP của Việt Nam năm 2023 đạt trên 430 tỷ USD, tăng trưởng 5,05% và dự kiến năm 2024 đạt 6,0 - 6,5%.
Môi trường đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện, tiếp tục được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng và môi trường kinh doanh.
Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, có sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 40.500 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 484,7 tỷ USD. Việt Nam đã được đưa vào danh sách Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
![]() |
Lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Ireland dự gặp mặt. Ảnh: TTXVN |
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Ireland đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngày càng được củng cố và tăng cường trên mọi lĩnh vực. Riêng về kinh tế, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 2,5 lần chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, bất chấp những biến động từ nền kinh tế toàn cầu trong thời gian qua.
Ireland là đối tác thương mại lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu. Hai nước cùng hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD theo hướng công bằng và bền vững hơn vào năm 2026, khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việt Nam chủ trương tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững, dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Với tầm nhìn dài hạn trên, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Theo đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, y tế, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển...
Trước bối cảnh và cơ hội mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất phong phú, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa, bởi nội lực dồi dào của mỗi bên cũng như sức sống của thời đại mới, thời đại của cách mạng khoa học công nghệ, của sự liên kết, hội nhập sâu rộng trên toàn thế giới.
Gợi mở một số định hướng hợp tác trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Ireland, với năng lực, nguồn lực của mình, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp đã triển khai dự án tại Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng dự án hợp tác. Đối với các công ty đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam, mong muốn các công ty ưu tiên, chọn lựa Việt Nam làm điểm đến chiến lược để đầu tư, xây dựng cơ sở, một mặt, cung cấp sản phẩm sản xuất cho thị trường trong nước, mặt khác, có thể tận dụng ưu đãi từ hệ thống các Hiệp định Thương mại tự do hiện có của Việt Nam, để xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn chào đón và hoan nghênh các doanh nghiệp Ireland mở rộng hợp tác.
Đối với cụ thể các kiến nghị của doanh nghiệp Ireland, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, các cơ quan phía Việt Nam luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Ireland đầu tư kinh doanh có hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn doanh nghiệp Ireland quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh với tinh thần hiệu quả, bền vững, trách nhiệm xã hội cao, bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu của Việt Nam. Cùng với sự chung tay và nỗ lực của hai phía, sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trong tương lai, cùng hướng tới một tương lai phát triển ổn định, thịnh vượng và bền vững giữa hai nước.
HỒNG ĐIỆP
Tin mới
Nhiều cửa hàng công khai bán hàng thời trang giả tại các tuyến phố du lịch ở Đà Nẵng
Chiều 20/5, dưới sự giám sát của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại các tuyến phố du lịch trung tâm Thành phố.
Ninh Thuận: Phát hiện gần 1.000 sản phầm quần áo không rõ nguồn gốc bán qua ZALO, FACEBOOK.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận vừa tiến hành xác minh và tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở bán hàng online qua các kênh zalo, Facebook, phát hiện lượng lớn quần áo vi phạm.
Nghệ An: Tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn huyện Thanh Chương
Ngày 19/5/2025, Đội QLTT số 8, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh B.V.P có địa chỉ tại Khối 11, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương với mức phạt tiền 10 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.
Lào Cai: Tạm giữ lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 19/5/2025 của UBND tỉnh Lào Cai mở cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai mở đợt cao điểm đấu tranh, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuốc, sữa, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2025.
Trên 5.000 đồ chơi trẻ em có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ
Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra và xử lý cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu và kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lạng Sơn: Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến khai báo sai lệch về hàng hóa quá cảnh
Trong thời gian từ ngày 14 đến 21/5/2025, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 1 và Hải quan khu vực VI liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến khai báo sai lệch về hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn).