Tránh bị lừa trong giao dịch thương mại quốc tế
Vụ việc 5 container gồm hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi trị giá hơn 500.000USD (hơn 12 tỷ đồng) của 4 doanh nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ mất trắng tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) do gian lận thương mại một lần nữa cho thấy những rủi ro trong thương mại quốc tế.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp xuất khẩu đã phải đối diện với nguy cơ bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa khi chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác của mình trong các giao dịch xuyên biên giới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất 5 container gồm hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi tới cảng Jebel Ali (Dubai, UAE). Đến thời điểm này, có 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều, tổng trị giá khoảng 400.000USD. Một lô hàng hoa hồi đã cập cảng Jebel Ali trị giá 126,3 nghìn USD nhưng bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo quy định trong hợp đồng, tất cả các lô hàng nêu trên được thanh toán theo điều khoản thanh toán nhờ thu (D/P). Với quy trình thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ gốc đến ngân hàng của người bán tại Việt Nam. Ngân hàng tại Việt Nam có trách nhiệm chuyển bộ chứng từ này cho ngân hàng của bên mua. Sau đó bên mua sẽ thanh toán cho ngân hàng của bên mua. Sau khi ngân hàng bên mua nhận đủ số tiền sẽ đồng thời chuyển tiền sang ngân hàng bên bán. Khi đó, ngân hàng của bên mua mới được phép giao bộ chứng từ gốc cho bên mua để nhận hàng. Nhưng vấn đề xảy ra là khi bộ chứng từ gốc tại Việt Nam chuyển qua UAE đã "không cánh mà bay", hàng đã lấy ra khỏi cảng mà chưa được thanh toán.
Ngay sau khi nhận được thông báo về vụ việc, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương sớm xử lý vụ việc nêu trên. Trước mắt, đề nghị phía UAE áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ 1 container hoa hồi của doanh nghiệp Việt Nam tại cảng Jebel Ali.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại một số thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất. Cụ thể, với thanh toán TT trả sau, bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán.
Với phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố, theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3. Phương thức thanh toán D/P có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc, nhưng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải bảo đảm an toàn. Tránh trường hợp sai sót trong khâu giao chứng từ và nhận chứng từ (nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận.
Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, từ vụ việc này, Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường...
KHÁNH AN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.