Trên hải trình đặc biệt
“Tôi rất mong muốn lấy tuần tra lần này làm cơ hội để hai bên thúc đẩy hợp tác, giữ gìn an toàn và an ninh trên biển”, Thiếu tướng Uất Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển (CSB) Trung Quốc phát biểu trong cuộc hội đàm sáng 12-4 với Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh CSB Việt Nam trên kỳ hạm CSB 8004 thuộc Hải đoàn 11, Bộ tư lệnh Vùng CSB 1, CSB Việt Nam.
Kể từ năm 2006, CSB Việt Nam và CSB Trung Quốc đã tổ chức 24 chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định vịnh Bắc Bộ. Thế nhưng, chuyến tuần tra lần thứ 25 này, cũng là chuyến thứ nhất năm 2023 (diễn ra từ ngày 11 đến 13-4), có điểm đặc biệt khi lần đầu tiên một chuyến tuần tra liên hợp được người đứng đầu của CSB Việt Nam và Trung Quốc trực tiếp chỉ huy. Trong chuyến tuần tra này, biên đội tàu CSB 8004 và CSB 8003 của Việt Nam và biên đội tàu 4304 và 4202 của CSB Trung Quốc tham gia tuần tra trên phạm vi 13 điểm với quãng đường 255,5 hải lý, từ Đông Bắc đảo Cồn Cỏ 48 hải lý đến Đông Nam đảo Trần 14 hải lý.
Theo Thiếu tướng Uất Trung, chuyến tuần tra diễn ra vào một thời điểm rất đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng. “Chuyến tuần tra lần này do đồng chí tư lệnh và tôi đồng chủ trì là một biểu hiện sâu sắc nhằm quán triệt những nhận thức chung mà hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được, thể hiện sự tin cậy lẫn nhau giữa hai lực lượng”, Thiếu tướng Uất Trung phát biểu tại hội đàm. Cũng theo Thiếu tướng Uất Trung, mặc dù 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và hai bên đang tiến hành đàm phán về hiệp định nghề cá nhưng lực lượng CSB hai nước vẫn không ngừng hợp tác. Việc người đứng đầu CSB hai nước trực tiếp chỉ huy tuần tra liên hợp thể hiện rõ sự hợp tác chặt chẽ ở cấp cao nhất giữa hai lực lượng CSB.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Thiếu tướng Uất Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc rút kinh nghiệm chuyến tuần tra liên hợp ngày 13-4, trên tàu 4304 của Cảnh sát biển Trung Quốc. |
Trong khi đó, Thiếu tướng Lê Quang Đạo cho rằng chuyến tuần tra lần này có ý nghĩa rất thiết thực, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển giữa hai nước; đồng thời hai bên duy trì bảo đảm thực thi pháp luật trên biển. “Có thể khẳng định rằng, quan hệ hợp tác giữa CSB Việt Nam và CSB Trung Quốc là một điểm sáng đối với các nước có vùng biển liền kề với Việt Nam. Chúng tôi thường xuyên đưa ra các sáng kiến mới để cùng nhau phối hợp bảo đảm an ninh an toàn trên biển; xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển; bảo vệ môi trường sinh thái biển, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển; bảo đảm quốc phòng và an ninh của mỗi nước”, Thiếu tướng Lê Quang Đạo nhấn mạnh.
Năm 2016, CSB hai nước chính thức ký biên bản hợp tác về thực thi pháp luật trên biển. Kể từ đó, nội dung hợp tác giữa CSB hai nước ngày càng thiết thực, như: Giao lưu sĩ quan trẻ CSB; tổ chức các tàu CSB hai nước sang thăm nhau; cử cán bộ CSB hai nước sang nghiên cứu học tập những kinh nghiệm về chống cướp biển, tội phạm trên biển. Hai bên thường xuyên thông báo tình hình trên biển của mỗi nước, đặc biệt là về việc tàu cá của các nước vi phạm vùng biển để các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở giúp ngư dân thực sự tin tưởng vào lực lượng thực thi pháp luật, yên tâm đánh bắt trên vùng biển của nước mình.
Thượng tá Vũ Văn Ngọc, Phó trưởng phòng Quan hệ quốc tế, CSB Việt Nam cho biết, nhờ phối hợp chặt chẽ, năm 2018, CSB Việt Nam đã bàn giao cho CSB Trung Quốc 7 tàu chở hàng đông lạnh không giấy phép để xử lý theo pháp luật Trung Quốc, sau đó thông báo lại cho CSB Việt Nam. Cũng trong năm 2018, CSB Việt Nam bắt và bàn giao cho CSB Trung Quốc 1 tàu có người Trung Quốc điều khiển khi đang vận chuyển dầu, sang mạn tàu dầu trái phép.
Các chuyến tuần tra liên hợp của CSB hai nước luôn đổi mới theo hướng thiết thực hơn. Tại hội đàm trên tàu CSB 8004, Thiếu tướng Lê Quang Đạo thông báo với Thiếu tướng Uất Trung một điểm đặc biệt nữa trong chuyến tuần tra này khi Tư lệnh CSB Việt Nam mời đại diện các lực lượng của 9 tỉnh ven biển (từ Quảng Ninh đến Quảng Bình), bao gồm Bộ đội Biên phòng, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, hải quan, công an, kiểm ngư, báo chí... tham gia tuần tra để phối hợp với CSB Việt Nam kiểm tra, tuyên truyền giúp ngư dân đánh bắt trên vùng biển truyền thống và làm giàu trên chính vùng biển của Việt Nam, không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. “Đây là một trong những nội dung chỉ đạo rất quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhằm quyết tâm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam”, Thiếu tướng Lê Quang Đạo nói.
Trong chuyến tuần tra lần này, tàu CSB Việt Nam đã nhiều lần hạ xuồng đưa tổ kiểm tra liên ngành lên tàu cá để tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Những lỗi vi phạm của tàu cá sẽ được lập biên bản để bàn giao cho các lực lượng chức năng các tỉnh để xử lý. Nhấn mạnh ý nghĩa của việc được tham gia tuần tra cùng CSB Việt Nam, Thượng tá Hoàng Thanh Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng cho biết, ngoài việc tham gia phối hợp cùng CSB xử lý các vi phạm nếu có, chuyến tuần tra còn giúp tăng cường hiểu biết, trao đổi thông tin, phối hợp giữa các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an ninh hàng hải; kiểm tra, kiểm chứng các trạm kiểm soát biên phòng khi làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện của địa phương ra biển hoạt động.
Tại buổi họp tổng kết trên tàu 4304 của CSB Trung Quốc ngày 13-4, Thiếu tướng Lê Quang Đạo và Thiếu tướng Uất Trung đều khẳng định đây là chuyến tuần tra mẫu mực, đạt mọi mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào việc xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Bài và ảnh: NGỌC HƯNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.