Trước khi trở thành tập đoàn toàn cầu, Viettel đã khởi nghiệp thế nào?
35 năm trước, Viettel chỉ là một công ty nhỏ, không có tiếng tăm, vốn liếng ít ỏi. 35 năm sau, câu chuyện hoàn toàn đổi khác. Điều nuôi dưỡng Viettel lớn mạnh, vươn ra toàn cầu không gì khác chính là khát vọng chinh phục những thách thức khó nhằn nhất.
Tháng 6-1989, Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin (Sigelco) – tiền thân của Viettel - được thành lập, với vỏn vẹn 10 người lính làm việc trong một dãy nhà cấp 4 trên phố Cát Linh (Hà Nội).
Đồng chí Võ Đặng, người thuyền trưởng đầu tiên của Viettel và những thành viên Sigelco (Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin, tiền thân của Viettel) vào năm 1990. |
Thuở ban đầu, tham vọng sản xuất thiết bị điện tử phải tạm gác sang bên. Tìm cách “nuôi sống” công ty đặt lên hàng đầu. Những người lính chuyển sang làm kinh tế có công việc đầu tiên là kéo cáp, dựng cột thuê cho bưu điện, các đài truyền hình.
Nhưng vạn sự khởi đầu nan, cơ hội ít ỏi. Cứ công trình nào liên quan đến cột cao, lắp đặt tổng đài thông tin, xây dựng các tuyến viba mà không công ty nào nhận thực hiện vì khó nhằn, thì đó là cơ hội cho Sigelco. Những công trình cột cao ở nơi địa hình hiểm trở, trên đỉnh núi cao hay trong rừng rậm đã tạo nên tên tuổi cho công ty trong xây lắp viễn thông trong nước. Đây cũng là lúc ước mơ tự xây dựng được hạ tầng viễn thông hình thành, khởi nguồn cho rất nhiều mục tiêu, khát vọng sau này của Viettel.
Kỳ tích gọi tên “đường trục 1A”
Năm 1995, Viettel là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được cấp giấy phép kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông. Thế nhưng, công ty lại chẳng có hoạt động kinh doanh dịch vụ nào.
Bước ngoặt đến vào năm 1997, Viettel mạnh dạn nhận dự án lớn đầu tiên: Thiết kế và thực hiện đường trục cáp quang 1A cho Bộ tư lệnh Thông tin. Việc xây dựng đường trục này dựa trên 2 sợi cáp quang trên đường điện 500 kV Bắc Nam mà Bộ tư lệnh Thông tin xin từ Chính phủ.
Điều oái ăm là một trục cáp quang cần đến 4 sợi, gồm 1 sợi thu, 1 sợi phát và 2 sợi dự phòng. Là đường trục dành riêng cho quân đội, mang tính an ninh bảo mật cao nên Viettel phải tự làm, không được có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài.
Để thành công, Viettel cần phải tìm ra kỹ thuật mới để thu – phát trên cùng một sợi quang và phải triển khai trên quãng đường hơn 2.300km. Bài toán khi ấy bị coi là không có lời giải, bởi chưa từng có công ty nào thực hiện được điều tương tự. Với công ty còn non trẻ, ít kinh nghiệm như Viettel, độ khó càng nhân lên nhiều lần.
Thế nhưng, Viettel đã làm nên điều thần kỳ.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) thuyết trình phương án triển khai đường trục 1A. |
Để chứng minh là công nghệ này chạy được, người Viettel sang tận Anh làm việc với những nhà cung cấp dịch vụ để lập cấu hình trong phòng thí nghiệm. Dự án của quân đội, là bí mật quốc gia, nên Viettel phải tự thiết kế đi thiết kế lại, thử đi thử lại một cách không đếm xuể. Chỗ nào không có điện phải dùng pin mặt trời, chỗ nào phải dùng máy nổ chỉ là hai trong vô số vấn đề cần mày mò.
Kỳ tích đến với những người không bỏ cuộc. Năm 1999, Viettel hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Kỷ niệm đẹp nhất là khoảnh khắc chúng tôi ôm nhau khi gọi được cuộc gọi thông suốt từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Bài học lớn nhất chính là tự lực cánh sinh. Tuyến cáp đã củng cố niềm tin rằng chúng tôi hoàn toàn có đủ trí tuệ để làm những dự án lớn”, ông Lê Đăng Dũng (nguyên Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn), người tham gia trực tiếp dự án năm xưa, bày tỏ.
Đại tướng Phạm Văn Trà sau đó đã đích thân lên xin ý kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các lãnh đạo Chính phủ khác nhận xét về chất lượng. Tất cả đều đánh giá tốt, nghe rõ và bảo đảm bí mật.
Phá vỡ thế độc quyền viễn thông ở Việt Nam
Một năm sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực ký quyết định cho phép Viettel là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam triển khai thử nghiệm dịch vụ gọi điện thoại đường dài VoIP, đánh dấu mốc tiếp theo trên con đường phát triển của Viettel.
Nhớ lại thời khắc đó, ông Mai Liêm Trực không khỏi xúc động: “Khi gặp những lãnh đạo của Viettel lúc bấy giờ tôi nhìn rất rõ cái khát vọng của những người lính, cái tính xả thân và đặc biệt là tầm nhìn - Cái điều đấy tạo cho Tổng cục Bưu điện một niềm tin rất rõ ràng, niềm tin cao là hãy nhờ đến Viettel để đột phá, thay đổi ngành viễn thông Việt Nam. Và đó cũng là lý do mà Tổng cục Bưu điện cấp phép cho Viettel làm điện thoại qua Internet VoIP, cũng như là cấp tần số di động GSM để Viettel làm di động".
VoIP là loại hình dịch vụ viễn thông mới, được đầu tư với vốn rất thấp, nhưng có thể cung cấp dịch vụ gọi điện thoại đường dài cho người dân với chi phí hợp lý.
Thách thức lớn nhất là dịch vụ phải dựa vào mạng điện thoại cố định của đối tác và toàn bộ khách hàng của họ. Khó khăn chưa dừng lại, sau khi đàm phán mua thiết bị xong, Viettel lại bị hủy hợp đồng ngay sát thời điểm dự kiến khai trương. Không muốn bị trì hoãn thêm, Viettel phải mượn thiết bị cũ của một công ty Singapore.
Một lần nữa, tinh thần tự lực và quyết tâm của những người lính đã giúp các kỹ sư Viettel cung cấp dịch vụ đúng dự kiến.
“Tôi biết rằng đó sẽ là một đêm lịch sử. Khi đó, không mấy người hiểu được điều này”, ông Mai Liêm Trực nhớ lại.
Đúng như vậy, sự xuất hiện của VoIP đã tạo nên một cuộc cách mạng về giá cước điện thoại. “Sân chơi” ngành viễn thông trong nước dần có tính cạnh tranh, thay vì một công ty chiếm thế độc quyền và trên hết là người dân có thêm lựa chọn khi cần liên lạc.
“VoIP 178 - Mã số tiết kiệm của bạn” nhanh chóng phổ biến nhờ giá cước cuộc gọi đường dài giảm mạnh, với cước cố định đường dài trong nước ở Việt Nam giảm hơn 2,65 lần và quốc tế giảm gần 6 lần.
Với VoIP 178, Viettel là công ty khởi đầu cho nhiều chương trình khuyến mại, trúng thưởng lớn trên thị trường viễn thông. |
Doanh thu từ VoIP đã giúp Viettel có số vốn 10 triệu USD (con số rất lớn với Viettel khi ấy) để đầu tư cho mạng di động, và trở thành bàn đạp cho bước nhảy vọt thần kỳ của Viettel sau này. Quan trọng hơn, bước tiến Viettel đã truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp khác, mở ra kỷ nguyên viễn thông giá rẻ ở Việt Nam, sau khi các nhà mạng khác cũng học theo đầu tư cho hạ tầng và công nghệ mới.
Sự kiện này cũng đánh dấu Viettel từ “thân phận” công ty làm thuê sang địa vị một công ty “làm chủ”. “Muốn làm giàu thì phải làm chủ, và từ VoIP, Viettel đã chính thức làm chủ, tạo nên kỳ tích”, nguyên Chánh Văn phòng Tập đoàn Viettel Phan Hữu Vinh, nói.
Một cột mốc đã chinh phục, người Viettel không mải tận hưởng mà nhanh chóng bắt tay vào phổ cập dịch vụ di động cho người dân Việt Nam, rồi từng bước xây dựng hệ thống mạng 3G, 4G, 5G – những xu hướng công nghệ hiện đại nhất ứng với mỗi thời kỳ.
Câu chuyện khó quên về thời khởi nghiệp gian khó, đường trục 1A hay dịch vụ VoIP cũng như một bản lề, mở ra nhiều lớp người Viettel về sau luôn biết cách đi lên bằng tinh thần tự lực và sáng tạo không ngừng.
Bài và ảnh: THU THẢO
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.