Truyện ngắn về những cuộc đời dài
Tập truyện ngắn “Vết nứt” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023) của Trung Thực Lê đến với tôi vào một buổi cuối chiều mùa thu, sau khi đã sắp xếp lại công việc của một ngày bề bộn. Ban đầu tôi chỉ lướt qua, theo thói quen khi gặp một tác phẩm mới. Thế nhưng, tôi đã dừng lại để đọc những câu chuyện như là cuộc đời, đã bước vào trang sách.
Truyện ngắn là thể loại tự sự cỡ nhỏ, tập trung vào một khoảnh khắc của đời sống-như là một lát cắt, với những câu chuyện-sự kiện-chi tiết có tính phát hiện, độc đáo, ôm chứa được các vấn đề phổ biến của đời sống hoặc đủ sức chuyển tải các dự thảo tinh thần, tư tưởng của người viết (thông qua đó gợi lên ở người đọc trong quá trình tiếp nhận, diễn giải).
Với 14 truyện ngắn, tập “Vết nứt” là một dành dụm của Trung Thực Lê. Bởi tôi hình dung, anh cũng không phải là người viết nhanh, viết nhiều được. Đúng ra, Trung Thực Lê là người kể chuyện hơn là người viết văn. Điều đó chứng thực bằng vốn sống, trải nghiệm, những gì nung nấu trong lòng người, qua năm tháng và nhọc nhằn đi vào trang văn. Câu chuyện tình yêu tuổi già của ông Thành-bà Thư trong "Đó là tình yêu" mở ra câu chuyện của hai người, nhưng cũng là hai gia đình, hai thế hệ. Rất có thể đó là hình bóng của bất cứ gia đình nào hiện nay, khi con cái lớn khôn dần xa gia đình, để lại cha mẹ già cô đơn vò võ. "Con chăm cha không bằng bà chăm ông", cái lẽ thường ngày ấy trở nên thấm thía. Ông Thành góa vợ, bà Thư góa chồng, là bạn học cũ, họ đến với nhau, nương tựa vào nhau lúc chiều tà bóng xế. Ý nghĩa nhân văn từ câu chuyện đã được Trung Thực Lê nhìn ra bằng đôi mắt nghĩa tình, bao dung của mình.
![]() |
Tập truyện ngắn “Vết nứt” của Trung Thực Lê. |
Làng quê với những gì bền vững và những gì đang náo động đổi thay, qua những câu chuyện của Trung Thực Lê hiện lên đầy day dứt. Những day dứt vì biết đấy, hiểu đấy mà không làm sao thay đổi được vòng quay của số phận, của thời cuộc. Sự chấp nhận trong tủi cực, uất ức làm nên khía cạnh bi đát của khá nhiều câu chuyện trong tập “Vết nứt”. Chuyện lòng người đổi thay khi đứng trước lợi ích vật chất, chuyện yêu đương thề bồi-phản bội, chuyện vượt khó để đi lên bằng nỗ lực thoát nghèo, chuyện ứng xử giữa con người với con người trong hoàn cảnh thị trường... Trung Thực Lê cứ kể ra những điều mắt thấy, tai nghe khiến lương tâm con người không thể thờ ơ, bàng quan. Những vết nứt của đời sống, trong lòng người, hẳn là điều chúng ta có thể cảm nhận được. Thông qua những câu chuyện của Trung Thực Lê, người đọc vẫn nhận ra ánh sáng thấp thoáng dọc đường đi, sau những quãng tối; ánh sáng le lói mà bền bỉ trong lòng người sau bao gian khó của cuộc đời. Đó là ánh sáng của niềm tin vào chân lý của sự lương thiện gắn với tư tưởng nhân quả vốn là điểm tựa tinh thần dân gian ("Chẳng giống hôm qua", "Đợi chờ", "Lưỡi kéo", "Mẹ ơi", "Xóm Lều ngày cuối năm", "Điều không hoàn hảo", "Vết nứt"...).
Ở đầu, tôi đã có ý nói về việc kể chuyện hay viết văn. Quan niệm này thường được phát biểu khi ta nghĩ về hai lối thực hành tự sự. Có người chỉ kể lại chuyện mà đã hay, đã hấp dẫn. Bởi họ phát hiện ra sự kiện-tình huống-chi tiết đắt giá, độc đáo, trong một câu chuyện lôi cuốn ("kể cái gì?"). Nhưng cũng có người, chuyện chỉ là cái cớ cho họ thực hành lối viết, lối kể của mình ("kể như thế nào?"). Sâu xa hơn, có lẽ hai động thái này thuộc về hai kiểu tự sự: Kinh điển và hậu kinh điển. Trở lại với Trung Thực Lê và “Vết nứt”, người đọc nhận ra anh nghiêng về hướng kể chuyện hơn là chú trọng đến lối viết. Truyện của Trung Thực Lê cũng không cầu kỳ tô vẽ gì, bởi nó chân thực như chính nhịp thở của cuộc đời.
Tuy nhiên, không phải cứ kể chuyện là có truyện ngắn. Nhà văn viết truyện ngắn cần phải biết lựa chọn câu chuyện, sự kiện, tình huống, chi tiết sao cho độc đáo, đắt giá nhất, có đủ sức để “gồng gánh” cấu trúc tự sự, tư tưởng thẩm mỹ. Truyện ngắn, vì ngắn nên phải tinh lọc. Lẽ ấy, các nhà văn luôn ý thức một cách sống còn, như là sinh mệnh của thể loại. Trung Thực Lê, trong tập truyện ngắn của mình, có lẽ cần tiết chế những câu chuyện hơn nữa, để mỗi văn bản thực sự là một lựa chọn tiêu biểu, thể hiện được thái độ, tư tưởng của người viết khi nhìn về cuộc đời.
Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.