Về Trung du nhớ vị ốc quê
Ai sinh ra và lớn lên nơi đồng quê Trung du Đất tổ Phú Thọ mà chẳng ít nhiều nhớ về những dư vị ẩm thực quê mình vốn đã đi vào câu ca, điệu hát, trở thành ký ức tuổi thơ trong sâu thẳm tâm hồn con người. Trong những dư vị ấy, món ốc quê còn ngọt lành đến hôm nay.
Vùng quê Trung du Đất Tổ, nơi nhiều ao ngòi, đầm nước xen những đồi cọ trập trùng. Không gian ấy đã mang đến cho con người nơi đây những sản vật như cá tôm cua ốc, nguồn nguyên liệu để làm nên những món ăn dân dã mà đậm đà khó quên.
Con ốc dưới ao đầm, lặn dưới bùn nâu từ bao đời nay đã gắn bó với người trung du ngay từ khi còn thơ ấu. Để rồi khi lớn lên, đi lập nghiệp nơi xa, vẫn không sao quên được những ký ức tuổi thơ êm đềm, những dư vị còn lắng đọng nơi tâm hồn.
Nhớ về nơi đồng quê là nhớ về mỗi buổi chiều, hình dáng những bà mẹ quê lam lũ, tảo tần rủ nhau ra ven đầm, ra ruộng nước sâu lấp loáng để mò ốc, những con ốc đá, ốc vẳn, ốc nứa béo mẫm chúi đầu xuống bùn.
Người dân vùng Trung du bắt ốc dưới ao đầm. |
Chân lội sâu xuống bùn, mình, mặt cúi sát mặt nước, hai tay mò trong đám rong rêu, trong gốc rạ, gốc bèo tây những chú ốc đang giấu mình. Chẳng mấy chốc là được đầy chậu, những con ốc bóng mượt, đều chằn chặn.
Người dân vùng Trung du còn có cách bắt ốc bằng cách thả những cọc bối trong đó đúc những gốc cây sắn. Bối được thả xuống sâu, ốc ngửi mùi sắn mà bò tới, bậu đen vào cọc bối. Sáng hôm sau, ra nhấc bối lên được vô vàn ốc con và được cả ốc nhồi.
Bọn trẻ trong làng còn dùng lá sắn tươi, cuộn lại rồi thả xuống ven đầm, bờ ngòi để bắt ốc nhồi. Cuộn lá được cắm vào cọc, thả xuống nước, đến đêm, ốc nhồi bò tới ăn lá sắn. Sáng tinh mơ phải trở dậy để nhấc lá và bắt ốc, nếu muộn, nắng lên, ốc sẽ ăn no mà nhả bó lá bò đi.
Nhớ những chiều chăn trâu, chăn bò bên bờ ngòi, cả bọn rủ nhau xuống tắm rồi thi lặn xuống sâu để bắt ốc nhồi và những con trai nằm sâu dưới bùn. Ốc nhồi bắt được, rửa sạch, nhóm lửa nướng ăn ngay tại bờ đầm. Vị ốc nướng thơm hòa vào tiếng nói cười vang trong nắng chiều.
Ốc mang về, dù là loại ốc gì, mẹ ngâm với nước vo gạo chừng hai ngày để ốc nhả bùn cho sạch ruột rồi mới chế biến món ăn. Ở quê, ốc chế biến thành nhiều món, chủ yếu là để dùng trong bữa ăn hằng ngày.
Những con ốc đá, ốc nứa luộc qua lửa, dùng gai bưởi khêu lấy ruột rồi xào với rau răm, cà chua và lá lốt được món ốc xào thơm ngon. Rồi những bà mẹ còn dùng ốc để xào với quả chuối xanh, vài miếng đậu phụ rán vàng kèm với các loại rau thơm trong vườn nhà làm nên món đặc sản ốc xào chuối đậu chỉ có ở vùng trung du đất Tổ.
Có khi ốc bắt về, luộc cùng với củ sả, lá bưởi rồi cả nhà quây quần quanh rổ ốc luộc vừa khêu vừa xì xụp chấm với nước mắm ớt mà xuýt xoa biết mấy. Ốc nhồi hấp sả cùng lá chanh thơm nức, có vị ngọt bùi của thịt ốc hòa vào vị thơm của củ sả và lá chanh làm dậy lên cả dư vị đồng quê. Ăn ốc xong, mọi người không quên thưởng thức bát nước ốc nóng hổi, đậm đà để hưởng trọn vị thơm ngon của ốc.
Những con ốc làm nên dư vị miền Trung du Phú Thọ. |
Cầu kỳ hơn, mẹ còn băm ốc trộn với nấm hương, mộc nhĩ và rau thơm để làm món chả ốc vừa béo, vừa thơm ngon. Ốc nhỏ được khêu ra, nấu với cà chua và dấm bỗng để chan vào bát bún riêu ngọt lành.
Người Trung du quý con ốc bởi nó gắn bó với đời sống lam lũ của họ từ bao đời, gắn với bữa ăn hằng ngày và làm nên dư vị ẩm thực nơi đây.
Cứ nghĩ, con ốc ngày xưa chỉ dành cho người nghèo, khi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Nhưng không hẳn thế, ngày nay, cuộc sống đã đổi thay từng ngày, những giá trị vật chất ngày càng đáp ứng nhu cầu của con người, kể cả nơi thôn quê vậy mà người dân miền trung du hay nơi phố thị vẫn không quên được những món ăn chế biến từ ốc.
Chiều hè, những bà mẹ quê vẫn lặn ngụp dưới đầm nước để mò những con ốc tươi ngon, kịp mang bán tại chợ chiều. Bên gốc đa quê, phiên chợ chiều đông vui tấp nập, bên những dãy hàng rau là những chậu ốc nhồi, ốc vặn vừa được bắt từ dưới đầm bày bán.
Người dân xúm xít mua những túi ốc về chế biến món ăn, về luộc ăn chơi cho thỏa nỗi nhớ vị ốc quê. Người dân nơi phố thị có việc đi ngang qua chợ làng cũng ghé lại mua vài cân ốc về thưởng thức. Người xa quê bao tháng, bao năm, về thăm quê vẫn ước ao được ăn món ốc quê mình.
Trong bữa cơm đón khách phương xa, người dân vùng Đất Tổ không quên chế biến những món ăn từ ốc như để thể hiện tấm lòng thảo thơm, mến khách của mình.
Hình như món ốc và dư vị ngọt lành của nó tự bao giờ vẫn lặng lẽ lấp khoảng trống của những bữa ăn trong thời đại công nghệ 4.0. Bởi trước dòng chảy hối hả của cuộc sống, những món ăn đầy hấp dẫn có thể dễ khiến con người quên đi những món ăn dân dã, đời thường.
Con ốc nơi thôn quê ngày nào đã làm nên những bữa cơm gia đình ấm áp, sum vầy, làm nên những ký ức tuổi thơ trong veo, êm đềm của những người sinh ra và lớn lên ở nơi vùng quê thanh bình, yên ả. Để rồi, dù có đi xa, đến phương trời nào, vẫn không quên dư vị ngọt lành ấy.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.