Vẹn tròn tin yêu!
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội hân hoan trong niềm vui kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024). Càng phấn khởi, tự hào hơn khi suốt 7 thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ đô Hà Nội không ngừng lớn mạnh, trở thành Thủ đô văn minh, giàu đẹp, "Thành phố vì hòa bình", xứng đáng với sự tin tưởng của Bác Hồ, của Trung ương và niềm tin yêu của đồng bào cả nước.
Cách đây 65 năm, ngày 25-4-1959, dự Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt quyết tâm xây dựng “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Để làm được điều đó, Người căn dặn: “Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”. Từ đó đến nay, lời Bác dạy luôn là ngọn đèn soi sáng trong quá trình đổi mới và phát triển của Hà Nội, trở thành mệnh lệnh trong trái tim mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
Nhân dân Hà Nội tham gia các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: VIỆT TRUNG |
70 năm kể từ ngày “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” và 65 năm sau lời căn dặn của Bác, dáng dấp, hình hài của một “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” đang dần hiện hữu. Thật tự hào khi cách đây 25 năm, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Tiếp đó, tháng 10-2019, UNESCO tiếp tục ghi danh Hà Nội là thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo” toàn cầu.
Từ đầu năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đáng mừng khi kinh tế Thủ đô luôn duy trì mức tăng trưởng cao, trong đó từ năm 2021 đến 2023 đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Riêng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với năm 2022. 8 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước là 343,6 nghìn tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán, tăng 18,2% so với cùng kỳ; thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 71% so với cùng kỳ...
Kinh tế phát triển là tiền đề, nền tảng để cả hệ thống chính trị TP Hà Nội tập trung nguồn lực chăm lo cho nhân dân ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn cả về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... Trong đó, văn hóa, giáo dục được xác định là động lực mới, nguồn lực mới để Thủ đô phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16-11-2023 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 19-2-2024 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh... Những nghị quyết, chỉ thị quan trọng này nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thủ đô; từng bước thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người Thủ đô trong thời kỳ mới.
Các cấp trong hệ thống chính trị Thủ đô luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội được chú trọng. Ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Chương trình được chỉ đạo triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả và có tác động lan tỏa. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng. Đến hết năm 2023, có 20/27 chỉ tiêu (chiếm 74% tổng số chỉ tiêu) hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố còn 0,03%; 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, có 5 quận không còn hộ cận nghèo... Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tích cực. Thành phố Hà Nội về đích trước một năm về xây dựng huyện nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực là minh chứng khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang ra sức thi đua, nỗ lực hết mình để xây dựng Hà Nội mau chóng trở thành “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” như Bác Hồ hằng mong muốn. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Hà Nội luôn đề cao trách nhiệm nêu gương và làm gương. Trong đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, quyết liệt, khẩn trương, sâu sát cơ sở, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Đặc biệt, liên tục trong 4 năm qua (2021-2024), Hà Nội đều lấy chủ đề công tác năm của toàn thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Nhờ đó, kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố không ngừng được tăng cường, tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của mỗi cấp ủy, chính quyền và từng cán bộ, đảng viên.
MINH MẠNH - TRANG OANH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.