Vì sao một thành viên NATO muốn tham gia BRICS và SCO?
Trong số nhiều quốc gia thể hiện mong muốn trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp đáng chú ý.
Kể từ khi lần lượt ra đời vào năm 2001 và 2006, SCO (với các thành viên ban đầu là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) và BRICS (với các thành viên đầu tiên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã trải qua các đợt mở rộng thành viên. Ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm và xem xét gia nhập là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ, vị thế và tầm ảnh hưởng của SCO và BRICS. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải ngoại lệ.
Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara muốn tham gia SCO với tư cách là một thành viên đầy đủ chứ không phải là một đối tác đối thoại như hiện tại. Nhấn mạnh nhiều quốc gia đã gia nhập SCO, hãng tin BelTA dẫn lời ông Erdogan tuyên bố không có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ lại không thể làm được điều tương tự mặc dù trở thành thành viên của SCO có thể “cần một chút thời gian”.
Ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ muốn tăng cường mối quan hệ với Nga và Trung Quốc trong khuôn khổ SCO. Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6 năm nay, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng tuyên bố nước này “dĩ nhiên” muốn gia nhập BRICS.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên trái) gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Kazakhstan, ngày 3-7-2024. Ảnh: Reuters |
Trong vài năm trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ít lần đề cập tới việc trở thành thành viên của SCO và BRICS. Giữa lúc danh sách các quốc gia “xếp hàng” chờ vào SCO và BRICS tiếp tục nối dài, Thổ Nhĩ Kỳ thu hút không ít sự chú ý vì một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại muốn gia nhập hai tổ chức vốn đang được xem là đối trọng quan trọng với phương Tây.
Theo Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), việc vừa là thành viên NATO vừa tham gia các tổ chức đối trọng với phương Tây nằm trong “chính sách đối ngoại 360 độ” của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ưu tiên sự linh hoạt và tự chủ chiến lược. Nhấn mạnh tới sự tự chủ chiến lược trong mối quan hệ với phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ-một cường quốc tầm trung có sức mạnh quân sự cùng vị trí chiến lược (nối liền hai châu lục Á và Âu, nằm giữa các vùng biển lớn như Địa Trung Hải, Biển Đen), Viện Chính trị và Kinh tế Trung Đông (Romania) xem việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria, trì hoãn phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO chính là những dẫn chứng cụ thể.
Cùng chung nhận định, hãng thông tấn Anadolu cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay theo đuổi chính sách đối ngoại “đa hướng và cân bằng”, nỗ lực đa dạng hóa quan hệ với các quốc gia của cả phương Tây lẫn châu Á. Trang mạng Middle East Eye dẫn lời học giả Hayati Unlu tại Đại học Quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara muốn phát triển “một mạng lưới các mối quan hệ” nhằm bổ sung cho các mối quan hệ với phương Tây. Trả lời phỏng vấn trang mạng The New Arab, Phó giáo sư Erdi Ozturk tại Đại học London Metropolitan (Anh) cho biết, Tổng thống Erdogan tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lựa chọn quan hệ đối tác về phương diện kinh tế, quân sự và nhiều phương diện khác, do đó không nên chỉ phụ thuộc vào phương Tây. Chuyên gia Leon Rozmarin tại Đại học Northeastern (Mỹ) nhận định, bằng việc xây dựng quan hệ hợp tác với cả phương Tây lẫn các quốc gia và cấu trúc chủ chốt thuộc “phần còn lại của thế giới”, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu “nắm giữ được vai trò mà không phải quốc gia nào cũng có được”.
Cũng cần lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn tham gia SCO và BRICS trong bối cảnh nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đến nay chưa mang lại kết quả. Theo tờ Global Times, Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 và được trao quy chế ứng cử viên vào năm 1999.
Tờ Politico cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bắt đầu đàm phán gia nhập EU từ năm 2005, song tiến trình này đã bị đình trệ kể từ năm 2018. Học giả Unlu cho rằng tham gia SCO và BRICS sẽ không đồng nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ “xoay trục hoàn toàn khỏi phương Tây”. Trang mạng Middle East Eye dẫn nguồn tin Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận mặc dù tiến trình đàm phán gia nhập EU bị đình trệ đã khuyến khích nước này tìm kiếm các cơ hội khác, nhưng Ankara không xem SCO hay BRICS là “lựa chọn thay thế NATO hay EU”.
“Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng các lợi ích của mình được bảo đảm tốt hơn bằng cách cân bằng giữa các trung tâm quyền lực khác nhau là Trung Quốc, Nga và phương Tây”, nhà nghiên cứu Galip Dalay tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, một viên nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Qatar, nhận định với kênh truyền hình Al Jazeera.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.