Vì sức khỏe người dân Điện Biên
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những năm qua, ngành y tế tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực đổi mới, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, ngành y tế tỉnh Điện Biên đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về tổ chức bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng hoạt động.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là biểu tượng của ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nỗ lực không ngừng nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Tinh thần đó hôm nay tiếp tục được thể hiện thông qua việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là chăm sóc cho cộng đồng dân tộc còn nhiều khó khăn, thể hiện sự quan tâm, cam kết của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp an sinh xã hội.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành y tế tỉnh Điện Biên đã cứu chữa hơn 10.000 thương binh, gần 5.000 bệnh binh, hàng nghìn thương binh nhẹ đã trở lại chiến đấu. Đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã cải thiện rõ rệt, nhiều thành tựu y học hiện đại được ứng dụng.
Bác sĩ Bệnh viện E tặng quà, hướng dẫn sử dụng thuốc các cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên. Ảnh: THANH XUÂN |
Đồng chí Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Ngày đầu thành lập (1-5-1953), hệ thống y tế của tỉnh còn sơ khai; số lượng nhân viên tính trên đầu ngón tay; chưa có bác sĩ; thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế... Chỉ có hai bộ phận lúc đó là Đội y tế lưu động (thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chăm sóc sức khỏe, phục vụ chiến đấu, xây dựng nơi cấp cứu cho chiến sĩ ở hậu phương thuộc vùng cao Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên) và Đội cấp cứu-đào tạo cứu thương để chuẩn bị phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các loại bệnh dịch như: Sốt rét, đậu mùa, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bệnh đường tiêu hóa, mắt và bệnh phong... vẫn còn lưu hành phổ biến.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, nhân viên y tế các cấp tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ, tận tụy, quên mình, chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh, lao động sáng tạo không quản ngày đêm để ngành ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, ngành y tế tỉnh Điện Biên đã có hệ thống điều trị gồm 4 bệnh viện tuyến tỉnh với 840 giường bệnh; 10/10 huyện, thị xã, thành phố có trung tâm y tế tuyến huyện với 1.180 giường bệnh, 7 phòng khám đa khoa khu vực với 80 giường bệnh. Hệ thống y tế dự phòng có 4 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện thực hiện đa chức năng; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 81,09% số bản có nhân viên y tế thôn, bản. Y tế ngoài công lập phát triển mạnh mẽ.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Giang Nam, những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của nhiều bệnh viện Trung ương trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đến nay, ngành y tế Điện Biên đã có 3 tiến sĩ chuyên ngành, nhiều bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I...; nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật hiện đại đã được các y, bác sĩ tỉnh Điện Biên làm chủ thực hiện. Qua đó giúp nhân dân Điện Biên và người dân các tỉnh phía Bắc nước bạn Lào được chăm sóc, chữa trị kịp thời các bệnh hiểm nghèo ngay tại tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, đối với một số ca bệnh nặng, bệnh khó, người dân không phải chuyển tuyến đến các bệnh viện Trung ương để điều trị. Người bệnh đến khám được chẩn đoán, tư vấn, điều trị nhanh chóng, thuận tiện, uy tín của các thầy thuốc ngày càng được nâng cao. Năm 2024, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo đảm, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập của tỉnh Điện Biên.
HẢI ANH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.