Việt Nam đa sắc: Điểm đến lý tưởng tìm hiểu văn hóa cà phê tại Đắk Lắk
Nếu như trên thế giới có nhiều bảo tàng cà phê tại các quốc gia như Brazil, Colombia, Anh hay Nhật Bản thì tại Việt Nam, Bảo tàng thế giới cà phê ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một điểm đến ưa thích của những người “sành” cà phê
Tây Nguyên, vùng đất của những con người hào sảng và núi rừng bát ngát, nhắc đến Tây Nguyên, không thể không nhắc đến đặc sản mang đậm phong vị núi rừng, đó là cà phê.
Nếu như trên thế giới có nhiều bảo tàng cà phê tại các quốc gia như Brazil, Colombia, Anh hay Nhật Bản thì tại Việt Nam, Bảo tàng thế giới cà phê ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một điểm đến ưa thích của những người “sành” cà phê.
Hãng thông tấn hàng đầu Hoa Kỳ AP từng đánh giá đây là “Bảo tàng sống lớn nhất, sống động và độc đáo nhất!”. Tạp chí du lịch hàng đầu của Anh Wanderlust bình chọn Bảo tàng thế giới cà phê là “một trong 17 điểm đến tốt nhất phải đến khi tới Việt Nam”. Đây cũng là “nơi du khách có thể đắm chìm hoàn toàn trong văn hóa cà phê”, theo National Geographic.
Bảo tàng thế giới cà phê được mô phỏng theo kiến trúc nhà dài, nhà rông của các dân tộc ở Tây Nguyên. Đây là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu những điều thú vị về cà phê, về nguồn gốc của nhiều nền văn minh cà phê trên thế giới cũng như tìm hiểu về quy trình thu hái và chế biến cà phê. Từ những tư liệu trong bảo tàng sẽ giúp du khách hiểu thêm nhiều về các loại cà phê và công dụng của chúng.
Bảo tàng thế giới cà phê được lấy cảm hứng từ nhà dài, nhà rông của các dân tộc ở Tây Nguyên. |
Cà phê là một tặng phẩm tự nhiên cho loài người, nhưng không phải đều khắp nơi nào cũng có. Cà phê là đặc sản của một dải đất nằm song song bên đường xích đạo, dải đất này được hướng ánh nắng mặt trời nhiều nhất trên thế giới nên cây cỏ và loài vật cũng sung túc và đa phức nhất. Nơi được hưởng tính dương của ánh nắng mặt trời, nhiều cơn mưa rào của vùng nhiệt đới, có những khu rừng nguyên sinh là lá phổi của hành tinh chúng ta. Tất cả những vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng trên thế giới đều nằm trong vùng này, nơi có những loại đất đỏ bazan của những vùng đồi núi cao nguyên phù hợp với sự sinh trưởng của cây cà phê. Tây Nguyên là vùng đất được thiên nhiên ban tặng những món quà đó để mang đến cho đời những hương vị cà phê trứ danh.
Không gian bên trong Bảo tàng thế giới cà phê. |
Khách du lịch lưu giữ kỷ niệm bên Bảo tàng thế giới cà phê. |
Để có được những ly cà phê tuyệt hảo chiết xuất từ những hạt cà phê tốt nhất, các nhà vườn sẽ chọn cách thu hoạch bằng tay, hái chọn nhiều lần từng quả cà phê chín theo cách chọn lọc thay cho hình thức tuốt nhiều lần, chỉ hái ở những cành mang nhiều quả chín hoặc tuốt một lần tất cả các cành có quả.
Khi thu hoạch bằng tay, việc chọn hái các quả chín thực hiện bằng cách nhìn các màu sắc. Việc thu hoạch chọn lọc bằng tay sẽ giúp cho cành, lá và nụ của cây cà phê mới không bị ảnh hưởng cho những mùa vụ tiếp theo.
Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng thế giới cà phê. |
Điểm chung ở những vùng trồng cà phê có tên tuổi về chất lượng và giá trị cao trên thế giới là đều trồng cà phê một cách truyền thống và thu hái hoàn toàn thủ công không hề dùng tới máy móc. Việc hái chọn lọc tuy tốn rất nhiều nhân công nhưng ngược lại cho chất lượng cà phê rất tuyệt vời. Do đó người ta hay sử dụng phương pháp này để thu hoạch cà phê Arabica. Hạt cà phê Arabica mà dân gian thường gọi là cà phê chè thường sống ở độ cao từ 1000m trở lên so với mực nước biển, phù hợp với khí hậu mát, có nhiều bóng râm. Hạt Arabica có hình dáng oval, hàm lượng cafein 1,5%. Hạt Arabica thường tạo mùi thơm, kết hợp khi uống với sữa rất ngon. Còn đối với hạt cà phê Robusta mà dân gian thường gọi là cà phê vối, sinh trưởng ở độ cao từ 800m đến 1000m so với mực nước biển, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, nhiều ánh nắng. Hạt Robusta có hình tròn, hàm lượng cafein 2,5%. Hạt Robusta thường tạo vị, uống cà phê đá và cà phê đen rất phù hợp.
Cà phê sau khi được hái về thường được chế biến thô bằng hai phương pháp đó là chế biến khô và chế biến ướt.
Với phương pháp chế biến khô, sau khi được phân loại, quả cà phê được sàng lọc để loại bỏ các chất bẩn. Sau đó quả cà phê được trải ra phơi nắng trong suốt 4 tuần. Tiếp theo quả cà phê được chuyển tới nhà máy để đưa vào máy xát tróc vỏ cứng và lớp da mỏng bao quanh nhân. Cà phê nhân thành phẩm được phân loại, đóng bao và bán cho các nhà máy sản xuất cà phê. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện. Sử dụng phương pháp này mang lại vị cà phê mật ngọt, chua ít, giảm thiểu được sự hao hụt của hương vị cà phê.
Khách du lịch tìm hiểu về quy trình pha cà phê. |
Với phương pháp chế biến ướt, người trồng cà phê sẽ thu hoạch cà phê chín, loại bỏ tạp chất, phân loại quả khô, quả non, xanh ra khỏi khối quả chín trước khi đưa vào nhà máy để rửa, sau đó những trái cà phê sạch được chà xát tách nhân, chất nhờn, thịt. Những hạt cà phê nhân được ủ lên men, cho vào máy sấy với nhiệt độ thích hợp. Sau đó cà phê được đưa vào máy sàng để chia ra các hạt có kích thước lớn, nhỏ, hạt vỡ, hạt sâu để đảm bảo chất lượng đầu ra đồng đều. Ưu điểm của phương pháp này là hạt cà phê sạch hơn, sáng hơn và ngọt ngào hơn, hương vị thuần đồng nhất, thời gian phơi nhanh hơn và chất lượng cà phê vượt trội.
Du khách có thể thưởng thức những ly cà phê nóng hổi ngay trong không gian kiến trúc độc đáo của Bảo tàng thế giới cà phê. |
Thủa ban đầu, cà phê đã được nghiền bằng phương pháp thủ công trong cối với chày. Sau này con người dùng các máy xay cà phê bằng tay, tuy nhiên phương pháp này mang hiệu quả không cao, chỉ phù hợp cho gia đình và quán nhỏ, càng về sau con người đã phát minh ra nhiều loại máy xay bằng điện công suất lớn chuyên cho các công ty chế biến cà phê và đặc biệt nó giúp cho bột cà phê trở nên mềm, mịn và đều hơn. Để tạo ra một sản phẩm cà phê tuyệt hảo, ngoài công đoạn trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch ra, công đoạn rang cà phê cũng rất quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng của cà phê thành phẩm.
Nhâm nhi ly cà phê đậm đà, tìm hiểu những kiến thức về cà phê trong không gian kiến trúc độc đáo của Bảo tàng thế giới cà phê, điểm đến tuyệt vời của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió sẽ là trải nghiệm thật khó quên trong lòng du khách.
Bài, ảnh: LAM CHIỀU
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.