Việt Nam là thị trường du lịch quan trọng của Busan
Nhận xét Việt Nam là đất nước xinh đẹp với con người thân thiện và tài năng, ông Lee Jong Sil, Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch Busan (Hàn Quốc) bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác, thúc đẩy hơn nữa việc trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và Busan.
Phóng viên (PV): Hàn Quốc hiện nay là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam. Ông nhận định thế nào về điều này?
Ông Lee Jong Sil: Người dân Hàn Quốc rất yêu quý Việt Nam và chúng tôi cũng muốn tìm hiểu nhiều hơn về đất nước các bạn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn người Việt Nam đến Hàn Quốc nói chung, Busan nói riêng ngày càng nhiều hơn.
Rất mừng là thời gian vừa qua, không chỉ số lượng người Hàn Quốc đến Việt Nam rất cao mà con số khách du lịch Việt Nam đến Busan cũng khá ấn tượng. Theo thống kê từ tháng 1 đến tháng 6-2023, có 190.000 du khách đến Busan, đứng thứ tư về khách du lịch đến Busan và đứng thứ hai sau Thái Lan trong các nước Đông Nam Á. Việt Nam là một thị trường quan trọng với thành phố Busan. Do đó, việc hợp tác đẩy mạnh trao đổi khách du lịch giữa Busan và các địa phương của Việt Nam là hết sức quan trọng.
Ông Lee Jong Sil. |
PV: Theo ông, Busan có điểm mạnh gì thu hút du khách Việt Nam?
Ông Lee Jong Sil: Busan là thành phố cảng lớn nhất của Hàn Quốc, nổi tiếng với các sản phẩm du lịch biển, văn hóa, điện ảnh, ẩm thực đa dạng. Busan có điểm đặc biệt là đến thăm thành phố này, du khách có thể cảm nhận được quá khứ, hiện tại và tương lai trong cùng không gian. Ở Busan có 9 bãi biển, 10 ngọn núi, 2 hai con sông lớn. Busan có những địa điểm đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới, có bảo tàng điện ảnh, những nhà hàng mà người nổi tiếng tới ăn, có văn hóa, trò chơi thể thao đa dạng và thú vị... là những điều du khách muốn trải nghiệm. Một số điểm du lịch nổi tiếng ở Busan gồm: Làng văn hóa Gamcheon, bãi biển Haeundae, đền Haedong Yonggungsa, tháp Busan, trung tâm điện ảnh Busan... Đây là những điểm nhấn thu hút khách Việt Nam, nhất là giới trẻ. Đến Busan, du khách có thể trải nghiệm rất nhiều điều hấp dẫn và tôi chắc chắn rằng, chỉ cần họ biết thì sẽ yêu thích thành phố của chúng tôi.
PV: Được biết Busan là nơi thu hút đông đảo du khách bằng hình thức du lịch MICE, du lịch hội thảo, hội nghị, chúng tôi có thể học hỏi được những kinh nghiệm gì từ Busan, thưa ông?
Ông Lee Jong Sil: Có thể nói, Busan là một thành phố của sự kiện. Hằng năm, Busan tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Busan vào tháng 10. Đây có thể coi là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật nhất châu Á. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, buổi biểu diễn âm nhạc hay lễ hội...
Đặc biệt, Busan hiện đã sẵn sàng trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai triển lãm World Expo 2030, với chủ đề chính "Thay đổi thế giới của chúng ta, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn". Thông qua việc tổ chức World Expo, Busan sẽ trở thành một thành phố mang lại cảm hứng cho toàn thế giới trong việc gác lại quá khứ chiến tranh và xây dựng tương lai tốt đẹp. Đồng thời, World Expo cũng là dịp để Busan hiện thực hóa kỳ vọng mang đến một thế vận hội kinh tế, đồng thời là thế vận hội văn hóa cho thế giới.
Busan-thành phố biển xinh đẹp của Hàn Quốc.Ảnh: NAM KHANG |
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch thành phố Busan với Việt Nam?
Ông Lee Jong Sil: Hiện nay, Busan đã có nhiều chuyến bay trực tiếp tới Việt Nam, như Đà Nẵng-Busan do hãng Jeju Air khai thác hay các đường bay từ Busan tới Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) của hãng hàng không Vietjet Air. Việc tăng cường các chuyến bay kết nối Việt Nam và Hàn Quốc cũng như các thành phố lớn của hai nước, trong đó có Busan, sẽ tạo thuận lợi cho người dân hai nước trao đổi văn hóa, khám phá vẻ đẹp của hai quốc gia.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
MINH HÀ (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.