Vở cải lương “San hô đỏ” - đậm chất hào hùng người chiến sĩ Hải quân
Lần đầu tiên ra mắt khán giả TP Hồ Chí Minh tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, vở cải lương “San hô đỏ” công diễn ngày 2-11, đã tạo dấu ấn đặc biệt, góp phần vun đắp tình yêu biển, đảo đối với công chúng. Những câu chuyện có thật đến các tình tiết cao trào, sâu lắng giúp “San hô đỏ” chiếm được tình cảm của người xem, phản ánh chất hào hùng, sự hy sinh của người chiến sĩ Hải quân.
San hô đỏ là biểu tượng đẹp mang đậm chất nghệ thuật về đời sống gian khó, vất vả nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng của những chiến sĩ Hải quân ngày đêm bám trụ trên nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc đầy sóng gió. Kịch bản “San hô đỏ” được nhà văn Trịnh Bích Ngân viết cách đây hơn 10 năm khi chị có chuyến công tác cùng đoàn văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đến với một số đảo, điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa và khu vực Nhà giàn DK1. Tác giả cảm tác kịch bản từ những câu chuyện có thật về người chiến sĩ hải quân đã kiên cường bám trụ, anh dũng hy sinh trong một trận bão kinh hoàng càn quét qua Nhà giàn DK1 năm 1990.
Vở cải lương “San hô đỏ” có sự tham gia của các nghệ sĩ tiêu biểu. Ảnh: THANH HIỆP |
Vở cải lương “San hô đỏ” có sự tham gia của các nghệ sĩ như: NSND Mỹ Hằng, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Minh Hoàng, NSƯT Võ Thành Phê, các nghệ sĩ Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Văn Khởi, Phùng Ngọc Bảy, Tô Tấn Loan, Kim Luận, Mỹ Linh… Lần đầu tiên, “San hô đỏ” được dàn dựng trên sân khấu cải lương. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “San hô đỏ” đang được ê-kíp tiếp tục hoàn chỉnh để mang đến Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 trong tối 13-11 tại TP Cần Thơ. Ông Kiệt cũng cho biết thêm, “San hô đỏ” với nhiều sáng tạo trong dàn dựng, biểu diễn cũng là tác phẩm nhà hát đầu tư hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tình tiết vở cải lương xoay quanh 3 nhân vật chính: Đại úy Chương, chiến sĩ An và chiến sĩ Hồng với phẩm chất kiên cường, lấy thân mình chống chọi với thiên tai bão tố ngoài khơi cho đến hơi thở cuối cùng. Sự hy sinh của các anh rất cao đẹp nhưng mang lại nhiều nỗi đau cho cha mẹ, người thân và đặc biệt là những biến cố xảy ra sau đó đối với gia đình. Với tinh thần vì nghĩa cả và tấm lòng thương nhớ người đã khuất, mỗi người đã tự gánh lấy những thiệt thòi về phần mình để mang lại hạnh phúc cho người khác.
Các tình tiết trong vở cải lương được xây dựng độc đáo thể hiện vẻ đẹp, sự hy sinh của người chiến sĩ Hải quân ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ảnh: THANH HIỆP |
Có thể nói, ở vở cải lương này, NSND Trần Ngọc Giàu đã tìm được một lối đi mới khi tạo ra nhiều tình huống kịch ngay trên cột mốc thời gian. Không theo trình tự thời gian truyền thống, vở kịch đưa khán giả đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ trở ngược về hiện tại, thời gian cứ vậy đan xen nhau. Thế giới ảo trong vở cũng đậm màu sắc huyền bí, người sống như đang “nói chuyện” với người đã khuất, hiện thực giao thoa tâm tưởng. Chính thủ pháp nghệ thuật độc đáo về thời gian này khiến vở diễn có thêm không gian mở để cho người xem chạm đến những cảm xúc lắng đọng và sâu sắc nhất.
NSND Trần Ngọc Giàu còn sử dụng tài tình màn hình led và màn gauze cho các hiệu ứng không chỉ làm cho người xem ở hàng ghế khán giả thấy được vẻ đẹp của vùng biển Tổ quốc mà còn tái hiện cơn bão khủng khiếp năm xưa. Có thể coi đây là cao trào cũng là trường đoạn ấn tượng và xúc động nhất của vở cải lương. Màn gauze giữ vai trò chủ đạo trong việc thay đổi bối cảnh từ hiện thực sang tâm tưởng, giữa quá khứ và hiện tại. Vì thế, dù kể câu chuyện về những người đã ra đi nhưng “San hô đỏ” không gợi lên sự mất mát mà gần gũi, sẻ chia khi những người đã nằm lại vùng biển quê hương nhưng vẫn hiện diện trong từng con sóng dõi theo đồng đội. Tinh thần họ để lại vẫn vỗ về những người thân yêu nơi quê nhà.
Đảm nhận vai trò chuyển thể cải lương là tác giả trẻ Phạm Văn Đằng. Anh cho biết, đây mới là lần thứ hai thử sức ở đề tài biển đảo, cũng là một thách thức không nhỏ. Như các tác phẩm trước, anh tập trung khai thác “cái tình” trong mạch truyện. “Ở đây lại có nhiều cái tình, có tình đồng chí, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, cả tình hậu phương - tiền tuyến, rất thuận lợi cho các làn điệu cải lương”, anh Đằng chia sẻ thêm.
Vở cải lương “San hô đỏ” chia sẻ thông điệp dù các anh không còn nhưng tinh thần người lính giữa trùng khơi vẫn luôn hướng về gia đình, làm điểm tựa tinh thần cho những người thân yêu. Kịch bản có thắt nút, cao trào và mở nút hợp lý. Tuy nhiên, nếu tâm lý một vài nhân vật của vở diễn biến chuyển theo một logic tâm lý chặt chẽ hơn thì mạch cảm xúc sẽ đầy đặn hơn, sẽ không làm cho người xem có cảm giác sự giải quyết xung đột theo ý đồ chủ quan của tác giả. Dù mang âm hưởng lạc quan nhưng trong vở vẫn còn ít tiếng cười, những tình huống vui nhộn làm nhẹ sự căng thẳng. Ngôn ngữ kịch trau chuốt và mang tính chính luận, biểu cảm như câu nói: “Muốn có cuộc sống bình yên, chúng ta phải lao vào những nơi sóng gió” vẫn chưa nhiều trong vở diễn.
Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, đây là tác phẩm khó viết, khó dựng không chỉ trên sân khấu mà ở cả các thể loại văn học nghệ thuật khác nói chung. Nhất là tác phẩm viết về sự hy sinh lớn lao mà thầm lặng của những người chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo và cả những hy sinh lặng lẽ của những người thân của họ ở đất liền.
Vở cải lương đã mang lại những cảm xúc khó quên đối với khán giả. Ảnh: THANH HIỆP |
Dù là vở chính kịch, nhưng bộ ba tác giả kịch bản Trịnh Bích Ngân, tác giả chuyển thể Phạm Văn Đằng và đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã biết lựa chọn chi tiết, lớp lang bài bản đặc sắc và riêng biệt nhất để có món ăn tinh thần gắn bó với nhịp sống thời đại và để “chiều lòng” phù hợp với các khán giả khó tính hiện nay. Vượt qua thử thách không hề dễ đối với tay nghề cả ê-kíp dựng vở, vở cải lương “San hô đỏ” xứng đáng bản anh hùng ca hào hùng.
Vở “San hô đỏ” đã thổi bùng ngọn lửa tự hào và thấm đẫm lòng biết ơn với các chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã hy sinh trong cơn bão số 10 năm 1990. Đồng thời, vở diễn ca ngợi sự hy sinh cao đẹp của những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo và cả người ở đất liền cũng chịu nhiều thiệt thòi, cũng phải biết hy sinh quyền lợi bản thân dù cách này hay cách khác.
PHAN NGỌC QUANG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.