Vượt sóng dữ cứu ngư dân
15 giờ 30 phút ngày 7-9, khi những đợt gió giật mạnh nhất của cơn bão số 3 vừa đi qua, một người phụ nữ tìm đến Đồn Biên phòng Hạ Long (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) báo tin trên biển có hai người trên tàu của gia đình bị đắm, khẩn thiết mong cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng giúp tìm kiếm cứu nạn.
Rất khẩn trương, chỉ ít phút sau, đơn vị đã lập đội tìm kiếm cứu nạn gồm: Trung tá Nguyễn Thế Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hạ Long; Thiếu tá Vũ Giang Nam, Đội trưởng kiêm thuyền trưởng, Đồn Biên phòng Hạ Long; Thiếu tá Lê Văn Mạnh, nhân viên trinh sát Trạm Kiểm soát Biên phòng Cái Rồng.
Lúc này, gió chuyển hướng Nam và tiếp tục giật mạnh. Sóng biển vẫn rất cao, xuồng ra biển đứng trước rủi ro khá lớn. Sau khi hội ý, nhận định tình thế và khả năng thực thi nhiệm vụ, các anh quả quyết xuống xuồng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Hạ Long động viên hai ngư dân. |
Theo lời kể của Thiếu tá Vũ Giang Nam, bấy giờ là hơn 16 giờ, trên mặt biển, sóng vẫn chồm hết lớp này đến lớp khác. Gió vẫn tiếp tục quần thảo, rít gào. Mây đen vần vũ, cuồn cuộn cuốn theo vòng xoáy mắt bão vừa đi qua. Mưa tiếp tục giội xuống ào ào.
"Những con sóng cao lừng lững từ phía trước giội lại, chồm qua cả xuồng. Gió liên tục đổi hướng. Anh em chúng tôi vừa bị sóng chồm qua, vừa bị mưa giội xuống, ai cũng ướt sũng", Thiếu tá Vũ Giang Nam hồi tưởng.
Với nhiều năm kinh nghiệm vượt sóng gió trên biển, Thiếu tá Vũ Giang Nam ghì chặt tay lái, cắt sóng dữ, nương theo hướng gió để xuồng không bị lật. Trung tá Nguyễn Thế Cường và Thiếu tá Lê Văn Mạnh thực hiện nhiệm vụ quan sát, cảnh báo nguy hiểm để Thiếu tá Vũ Giang Nam vòng tránh.
"Rất nhiều lồng bè cá, nhà bè, dây thả hàu của ngư dân trên biển bị bão đánh tan. Vật thể nguy hiểm trôi nổi khắp biển. Những thanh gỗ lớn, những cây tre đầu nhọn hoắt có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nên nếu không quan sát, phát hiện sớm thì xuồng sẽ bị va đập rất mạnh và bị đâm thủng. Dây chão, dây thừng cũng trôi theo từng mảng lớn trên biển, chỉ cần bị cuốn vào chân vịt là xuồng sẽ chết máy, rất khó tránh hậu quả bị đánh lật", Thiếu tá Lê Văn Mạnh kể.
Quãng đường biển 10 hải lý (tương đương với gần 19km) đi xuồng máy khi trời yên biển lặng chỉ mất khoảng 20 phút. Nhưng các anh đã phải vật lộn khoảng 2 tiếng đồng hồ mới ra được điểm tàu bị đắm để tìm người. Khi xuồng đi qua vách đá gần Cái Xuôi (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), đội tìm kiếm cứu nạn chùng hẳn xuống khi nhìn thấy xác tàu bị đánh dạt vào đó, nửa chìm nửa nổi và không thấy dấu hiệu của người nào trên xác tàu.
"Dù lúc đó chúng tôi đã nghĩ tới những tình huống xấu, nhưng vẫn còn khả năng hai người trên tàu bị sóng đánh dạt đi chỗ khác, nên dù còn một tia hy vọng, anh em tôi cũng vẫn tiếp tục tìm kiếm", Trung tá Nguyễn Thế Cường cho biết.
Đi sâu hơn vào khu vực phía trong, đội tìm kiếm cùng reo lên mừng rỡ khi nhìn thấy hai người đang vẫy gọi trên khu vực bãi cát. Vậy là các anh đã tìm thấy người bị nạn đang còn sống!
Hai ngư dân gặp nạn là Tạ Văn Tấn (sinh năm 1990, trú tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) và Bùi Văn Tình (sinh năm 1981, trú tại xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Nói chuyện với chúng tôi, anh Bùi Văn Tình hồi tưởng lại giây phút sinh tử: "Đây là vùng nước nằm trong hõm đảo hình chữ U, quay về phía Tây nên rất ít khi bị bão ảnh hưởng lớn. Vì thế, hai anh em tôi quyết định ở lại đây để trông giữ lồng bè cá. Khi bão quét qua đây, thấy tàu sắt chuẩn bị đắm, chúng tôi vội nhảy sang tàu composit, rồi chặt đứt dây neo giữa hai tàu. Chúng tôi điều khiển tàu composit chạy vào bãi cát, nhảy xuống biển rồi bơi vào. Đang lúc hoang mang tột độ, thật may mắn, chúng tôi đã được các anh bộ đội tìm thấy. Chúng tôi rất khâm phục và cảm ơn các anh bộ đội đã vượt gió to sóng cả ra đây cứu chúng tôi!".
Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.