World Bank: Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương không đạt tốc độ tăng trưởng như mong đợi
CNBC đưa tin ngày 1-4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) nửa đầu năm 2024. Báo cáo cho thấy tăng trưởng ở các nước đang phát triển khu vực EAP đang vượt xa phần còn lại của thế giới, nhưng khu vực này có thể sẽ chứng kiến mức tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024.
Nợ công, các rào cản thương mại và sự không chắc chắn về chính sách là những yếu tố khiến các nền kinh tế EAP không đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan như mong đợi. Từ mức 5,1% vào năm 2023, tăng trưởng khu vực này năm nay dự báo giảm còn 4,5%, chậm hơn so với trước đại dịch nhưng vẫn nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Aaditya Mattoo, chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB chia sẻ với CNBC: “Đây là một khu vực vẫn vượt trội so với phần còn lại của thế giới, nhưng lại kém hiệu quả so với tiềm năng của chính mình”.
Theo báo cáo của WB, 3 yếu tố kể trên sẽ làm suy yếu sự năng động kinh tế của khu vực này và các chính phủ cần đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa để giải quyết những vấn đề dài hạn, trong đó có mạng lưới an sinh xã hội yếu kém và thiếu hụt đầu tư vào giáo dục. Báo cáo chỉ rõ sự phục hồi trong thương mại toàn cầu và việc nới lỏng những điều kiện tài chính khi các ngân hàng Trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất sẽ giúp bù đắp cho tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, WB dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, thấp hơn so với mức 5,2% của năm ngoái.
Khách du lịch tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asia |
Báo cáo của WB cũng chỉ rõ một số rủi ro ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế khu vực, trong đó phải kể đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và một số ngân hàng Trung ương lớn khác có thể duy trì lãi suất cao hơn so với mức trước đại dịch, cũng như gần 3.000 rào cản thương mại như thuế quan hay trợ cấp cao hơn được ban hành trong năm 2023. Bên cạnh đó, sự suy thoái lớn hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng cũng tác động đến tăng trưởng khu vực EAP.
Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela Ferro cho biết: “Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế thế giới, ngay cả khi khu vực này phải đối mặt với môi trường toàn cầu đầy thách thức và bất ổn gia tăng, xu hướng già hóa dân số và tác động của biến đổi khí hậu”. Theo bà Manuela Ferro, các quốc gia trong khu vực có thể duy trì đà tăng trưởng bằng cách tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của khu vực tư nhân, giải quyết các thách thức trong lĩnh vực tài chính và tăng năng suất.
Động lực tăng trưởng chính của các nước khu vực EAP tiếp tục là doanh nghiệp. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có năng suất cao nhất khu vực lại chưa tận dụng được hết lợi thế của công nghệ mới, theo WB. Kỹ năng lao động không đồng đều, quản lý yếu kém làm chậm tăng trưởng năng suất của các doanh nghiệp. Báo cáo cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đầu tư vào giáo dục-đào tạo để giúp tăng năng suất.
Cũng trong báo cáo mới nhất, WB đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,5% cho năm 2024 và 6% cho năm 2025, không thay đổi so với dự báo đưa ra vào tháng 10 năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình của khu vực EAP.
Hồi tuần trước, Standard Chartered đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam ở mức 6,7%. Các nhà nghiên cứu của HSBC hồi tháng 1 cũng cho rằng Việt Nam đang trên đà phục hồi, có khả năng quay trở lại mức tăng trưởng 6% vào năm 2024.
NGỌC HÂN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.