Xuân sang rộn tiếng hát chèo
Không khí Tết Giáp Thìn 2024 rộn ràng muôn nơi. Đây cũng là mùa diễn của nghệ thuật chèo. Tiếng trống chèo thúc giục bước chân người dân hướng về các lễ hội, di tích lịch sử văn hóa. Còn trên các sân khấu chuyên nghiệp, nhiều vở diễn mới đa phong cách, đa sắc màu, vui tươi, ý nghĩa đã sẵn sàng cùng khán giả đón xuân.
Hơi thở mới trong các vở cũ
Trước thềm Tết Giáp Thìn chưa đầy một tháng, Đoàn Chèo Hải Phòng bắt tay dàn dựng và ra mắt vở diễn “Xuân Hương nữ sĩ”. Vở diễn mở màn cho kế hoạch sáng đèn Nhà hát thành phố năm 2024, được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đặt hàng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đạo diễn.
Cách đây 37 năm, trên sân khấu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng được nhiều nhà hát dựng vở. Tiêu biểu hơn cả là vở chèo “Hồ Xuân Hương” được Nhà hát Chèo Việt Nam dựng năm 1987, do NSND Bùi Đắc Sừ đạo diễn, Thùy Linh-Bùi Đức Hạnh viết kịch bản.
![]() |
Cảnh trong vở chèo “Xuân Hương nữ sĩ” của Đoàn Chèo Hải Phòng. Ảnh: ĐÌNH CHUNG |
“Việc dựng lại theo kịch bản năm 1987 sẽ khiến bản chèo không còn gì hấp dẫn nữa nên tôi cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đã quyết định đặt hàng tác giả Nguyễn Đức Minh viết một kịch bản hoàn toàn mới, lấy tên là “Xuân Hương nữ sĩ”. Nguyễn Đức Minh sinh năm 1980, rất am hiểu về chữ Hán và chữ Nôm. Trong kịch bản này, Đức Minh đã chọn lọc từ di sản thơ đồ sộ của Hồ Xuân Hương với những bài thơ mang dấu ấn của bà, lại có thể kết hợp với chèo để tái hiện rõ chân dung “bà chúa thơ Nôm”. Bên cạnh đó, sự am hiểu lối văn biền ngẫu của tác giả kịch bản đã mang đến nhiều đoạn diễn linh hoạt”, NSND Thúy Mùi chia sẻ.
Vở chèo “Xuân Hương nữ sĩ” được đạo diễn dàn dựng 5 cảnh ứng với 5 giai đoạn mang tính bước ngoặt trong cuộc đời của bà Hồ Xuân Hương. Việc chuyển thể kịch bản thành các làn điệu chèo của NSND Minh Thu cũng vừa quen, vừa độc đáo. Diễn viên Thùy Dương vào vai chính Hồ Xuân Hương bày tỏ, cả ê kíp nghệ sĩ biểu diễn rất vất vả khi tập luyện vở vì phải học thuộc nhiều bài thơ, câu thoại khó. Thùy Dương cho biết thêm, chị cũng chịu sức ép tâm lý vì ngợp trước vai Hồ Xuân Hương do NSND Vân Quyền của Nhà hát Chèo Việt Nam từng đảm nhận trước đây. Tuy nhiên, NSND Thúy Mùi hài lòng với vai diễn này của học trò Thùy Dương trong vở “Xuân Hương nữ sĩ”.
Ở sân khấu của các nghệ sĩ-chiến sĩ Nhà hát Chèo Quân đội trình làng vở diễn “Tấm lòng vàng”. Tác phẩm được NSND Trương Hải Thọ đạo diễn. “Tấm lòng vàng” xoay quanh một câu chuyện rất cũ, chuyện của muôn đời, đó là vấn đề đạo đức và sự suy thoái. Phát huy “thương hiệu” chiếu chèo Quân đội, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đã làm sống lại câu chuyện mang đậm giá trị “nhân”, “nghĩa” mà nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cách đây gần 90 năm (năm 1937), những vấn đề về đạo trò, tôn sư trọng đạo; vấn đề mua quan bán chức, sự thao túng đồng tiền; hay việc cho vay nặng lãi ở xã hội đương đại vẫn còn nóng hổi. Người xem hôm nay vẫn thấy rõ không khí thời đại trong vở diễn.
Rộn vang mùa xuân hát chèo
Sân khấu của Nhà hát Chèo Hà Nội rộn vang với vở diễn “Vòng đời duyên nợ” được NSND Thuý Mùi dàn dựng. "Vòng đời duyên nợ" là kịch bản của tác giả Nguyễn Đức Minh, kể về mối tình ngang trái của chàng Ngô Đức và nàng Diệu Hương. Khi cả hai học hành đỗ đạt, bén duyên nhau và nguyện kết tóc se tơ đến răng long đầu bạc thì trong ngày vinh quy bái tổ, câu chuyện về gia đình Ngô Đức được hé lộ. Cha của Diệu Hương chính là kẻ ác đã đẩy cha của Ngô Đức đến con đường tù tội. Một bên là tình sâu, bên kia là mối thâm thù, vở chèo dân gian “Vòng đời duyên nợ” với đề tài tình yêu, cùng một câu chuyện tình trắc trở của cả hai thế hệ nên có nhiều nút thắt, kịch tính.
Những mảng miếng, trò diễn được NSND Thuý Mùi đưa vào vở diễn khéo léo, đan xen giữa tiếng cười mỉa mai lũ quan tham với giọt nước mắt thương cảm số phận người yếu thế trong xã hội xưa. Tạo sức hấp dẫn cho vở diễn, NSND Trịnh Thuý Mùi rất tỉ mỉ và trau chuốt từ trang phục, đạo cụ, thiết kế sân khấu, mỹ thuật đến âm nhạc, hát và cả phần múa minh họa.
Dàn diễn viên tham gia vở diễn đều là những gương mặt sáng giá hàng đầu của Nhà hát Chèo Hà Nội hiện nay, như: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Quốc Phòng, NSƯT Hồng Nam, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Ngọc Phú, NSƯT Phương Mây, nghệ sĩ Quang Biên, Xuân Huynh, Thế Hoan và các tài năng trẻ Thuý Nga, Thanh Huyền, Xuân Trường.
Những vở chèo kể trên đều được hội đồng nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật thẩm định, đánh giá cao. Các vở diễn đều đã được các cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép biểu diễn. Theo kế hoạch của Đoàn Chèo Hải Phòng, vở “Xuân Hương nữ sĩ” sẽ được biểu diễn phục vụ nhân dân tại Nhà hát TP Hải Phòng trong suốt dịp Tết Nguyên đán; sau đó vở sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Vở chèo “Vòng đời duyên nợ” được Nhà hát Chèo Hà Nội diễn phục vụ khán giả Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận suốt dịp Tết Nguyên đán, trong các lễ hội. Theo Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, vở “Tấm lòng vàng” sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả tại sân khấu của Nhà hát (ngõ 126 đường Xuân Đỉnh, Tây Hồ, Hà Nội); biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân dịp lễ hội đầu xuân và ra quân huấn luyện năm 2024.
CHÂU XUYÊN
Tin mới
Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới (Thông báo số 81-TB/TW ngày 18-7-2025). Sau đây là toàn văn Thông báo số 81-TB/TW.
Bão Wipha vào Biển Đông: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng có mưa lớn diện rộng
Bão Wipha đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 21 đến 24-7, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng có đợt mưa lớn diện rộng.
13 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3
Ngày 19-7, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành văn bản số 780/ĐĐ-QLĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3.
EVN yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó bão số 3 (WIPHA)
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành Công điện số 4665/CĐ-EVN gửi các đơn vị thành viên, yêu cầu khẩn trương triển khai việc ứng phó với bão số 3 (WIPHA).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định giao Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Ngày 19-7, thực hiện Công văn số 16105-CV/VPTW ngày 17-7-2025 của Bộ Chính trị về công tác nhân sự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 17-7-2025 về việc điều động đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ, về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường và giao Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Quản lý thị trường thành phố Hà Nội: Đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025
Từ đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch công tác, đặc biệt chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.