Các hoạt động văn hóa và giải trí dịp Tết 2024
Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên khắp cả nước đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Qua đó, tạo điểm đến hấp dẫn để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí tăng cao cho người dân và du khách dịp nghỉ Tết.
Hà Nội
Ngày 6/2, Sở Du lịch Hà Nội thông tin về những hoạt động, sự kiện nhằm thu hút du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Trong dịp lễ Tết Nguyên đán năm nay, toàn thành phố sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện sôi động, hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, chuỗi các hoạt động, sự kiện được diễn ra từ trước Tết, trong đó những hoạt động, sự kiện được kéo dài xuyên qua Tết Nguyên đán.
Các hoạt động đang diễn ra gồm: Triển lãm tranh “Vẽ con rồng” khai mạc ngày 19/1 tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Chương trình “Tết phố năm 2024” tại không gian phố bích họa Phùng Hưng từ ngày 25/1 - 9/2 (tức ngày 15 - 30 tháng Chạp năm Quý Mão); Chương trình “Tết Làng Việt 2024” tại Làng cổ ở Đường Lâm ngày 20 và 21/1 (tức ngày 10 và ngày 11 tháng Chạp); Chương trình “Happy Tết 2024” từ ngày 24 - 28/1; các hoạt động “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”, “Xuân về bản em”, Chương trình “Đón xuân ở bản em” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hoạt động tại sự kiện Tết Làng Việt 2024. |
Từ ngày 28/1 - 28/2 sẽ có vô số hoạt động văn hóa, trưng bày giới thiệu về Tết cổ truyền tại Ngôi Nhà di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ...
Đặc biệt, nét mới hấp dẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân và du lịch tết năm nay là vào đúng đêm 30 Tết, tại khu vực hồ Tây (phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài), UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2024 máy bay không người lái (drone) với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”.
Cũng vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch như: Chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt đêm giao thừa tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm; hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống tại các phường trong khu phố cổ Hà Nội kéo dài từ ngày mồng 2 Tết đến ngày mồng 5 Tết (tại Đình Kim Ngân ngày mồng 2 Tết; Đình Đồng Lạc ngày mồng 3 Tết; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật ngày mồng 4 Tết; Hội Quán Phúc Kiến ngày mồng 5 Tết)…
Ngoài ra, tối 3/2/2024, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khai mạc Hội chữ xuân Giáp Thìn và triển lãm thư pháp “Hiếu học” tại khu vực Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là năm thứ 10, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân.
Hội chữ, triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học” trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh Hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống “Hiếu học” của dân tộc Việt Nam. Triển lãm có sử dụng ánh sáng kết hợp chữ để tạo không gian sắp đặt nghệ thuật thị giác hấp dẫn người xem.
Quảng Ninh
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao sẽ diễn ra xuyên suốt dịp Tết tại các địa phương trong tỉnh. Cùng với các hoạt động đi lễ, tham quan, vãng cảnh đền chùa, các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, tham dự các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Hội xuân Yên Tử (Uông Bí), Lễ hội Đền Cửa Ông (Cẩm Phả), Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên)…, nhân dân và du khách khi đến với Quảng Ninh dịp Tết sẽ được hòa mình vào không khí đón Tết cổ truyền đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, vừa được tham gia vào các hoạt động vui chơi sôi động, hấp dẫn.
Đặc biệt, điểm nhấn phải kể đến chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa tại 13/13 địa phương của tỉnh với 16 điểm bắn (gồm 15 điểm tầm thấp và 1 điểm tầm cao tại TP Móng Cái). Cùng với đó, các chương trình nghệ thuật chào xuân đón giao thừa được tổ chức tối 30 và mùng 2 Tết tại Quảng trường 30/10, tối 3, 4 Tết tại Khu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long) và đồng loạt tổ chức tại các trung tâm văn hoá - thể thao các huyện, thị xã, thành phố vào tối 30 Tết tại tất cả các địa phương sẽ mở đầu cho các hoạt động chào đón năm mới.
Trước, trong và sau dịp Tết sẽ tiếp tục diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: Triển lãm chuyên đề “Sắc xuân qua sưu tập tranh dân gian Việt Nam” từ ngày 25/1-25/2 tại Bảo tàng Quảng Ninh; Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 từ ngày 30/1-24/2 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Hội chợ, không gian văn hóa Tết các dân tộc tỉnh Quảng Ninh từ ngày 1-14/2 tại Sân Cột cờ, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Hội sách, báo Xuân Giáp Thìn 2024 gắn với trưng bày ảnh về thành tựu nổi bật tỉnh Quảng Ninh năm 2023 tại 13/13 địa phương cấp huyện. Riêng cấp tỉnh từ ngày 3/2-1/3 tại Thư viện tỉnh…
Không chỉ có các chương trình do các đơn vị, sở, ngành, địa phương tổ chức, trong dịp Tết này, tại các khu, điểm du lịch lớn như: Công viên Sun World Hạ Long Complex, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Sân bay quốc tế Vân Đồn, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Điểm du lịch mũi Sa Vĩ, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái… sẽ tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, tổ chức không gian chợ quê, phiên chợ ẩm thực trưng bày đặc sản, món ăn truyền thống để phục vụ nhân dân và du khách trong suốt dịp Tết. Qua đó, quảng bá, giới thiệu văn hóa, ẩm thực của Quảng Ninh tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Đà Nẵng
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, thành phố chào đón du khách đến du xuân bắt đầu từ ngày 26/1 đến khoảng giữa tháng 2/2024 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc cùng các lễ hội truyền thống với quy mô khác nhau.
Trong đó, từ ngày 2 - 17/2 (23 tháng Chạp đến 8 tháng Giêng), tại bờ Đông chân cầu sông Hàn (phía quận Sơn Trà, Đà Nẵng) diễn ra Lễ hội văn hóa ẩm thực Tết Quảng Đà với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Tại đây, người dân và du khách du xuân có cơ hội thưởng thức, trải nghiệm các món ăn ngày Tết và tham gia vào các hoạt động nấu bánh chưng, bánh tét để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Không những vậy, liên tục 10 ngày (từ ngày 8 đến hết 18/2/2024), TP Đà Nẵng sẽ tổ chức Lễ hội hoa Xuân 2024 tại Công viên 29/3 với khoảng 20 chương trình nghệ thuật biểu diễn liên tục và các hội thi nhảy dân vũ, vẽ tranh thiếu nhi, biểu diễn cờ người, trò chơi dân gian…
Ngoài ra, từ ngày 9 - 11/2 (29 tháng Chạp - mùng 2 tháng Giêng), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố sẽ biểu diễn âm nhạc dân tộc, hô hát bài chòi phục vụ người dân xuyên Tết tại khu vực phía Nam bờ Đông cầu Rồng bờ sông Hàn.
Bên cạnh đó, vào ngày 11 và 25/2 (mùng 2 Tết và 16 tháng Giêng), Trung tâm sẽ tổ chức chương trình “Vũ điệu sông Hàn” năm 2024.
Đặc biệt, thu hút sự quan tâm nhất của người dân và du khách dịp Tết Giáp Thìn 2024, vào lúc 0 giờ ngày 10/2/2024 (Giao thừa Tết Giáp Thìn), TP Đà Nẵng sẽ tổ chức bắn pháo hoa trong vòng 15 phút tại 3 điểm, gồm: Ngã ba Bạch Đằng - Bình Minh 6 (quận Hải Châu), trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu và tại khu Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang.
Để chào đón năm mới, năm nay TP Đà Nẵng sẽ bắn gần 2.000 quả pháo tầm cao, 120 giàn pháo tầm thấp; bắn theo phương pháp trình diễn pháo hoa nghệ thuật (không nhạc nền). Pháo hoa sẽ được sử dụng hệ thống bắn pháo hoa FireOne và hệ thống bán tự động bắn pháo hoa L100S.
Trước giờ bắn pháo hoa đêm giao thừa, tại công viên bờ Đông cầu Rồng (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà), các nghệ sĩ của Nhà hát Trưng Vương và Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà cũng sẽ mang đến cho người dân và du khách chương trình nghệ thuật đặc biệt “Xuân hoan ca” mừng Tết Nguyên đán.
Dịp này, đến với TP Đà Nẵng, du khách còn có cơ hội xem cầu Rồng phun lửa, phun nước, xem cầu quay sông Hàn.
Theo đó, cầu Rồng sẽ phun lửa, phun nước vào lúc 21h các đêm từ 9/2 - 13/2. Cầu sông Hàn cũng sẽ quay vào lúc 23 giờ các đêm 10 - 11/2 (tức mùng 1 và 2 tháng Giêng).
Ngay sau Tết Nguyên đán, hàng loạt các lễ hội đình làng được tổ chức, như: Lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) diễn ra ngày 18 và 19/2 (mùng 9, 10 tháng Giêng); lễ hội đình làng Hòa Mỹ và Hòa Phú (quận Liên Chiểu); lễ hội cầu ngư tại quận Thanh Khê và quận Sơn Trà...
TP. Hồ Chí Minh
TPHCM đang triển khai loạt sự kiện du lịch đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn như chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền (Quận 8), Lễ hội Tết Việt (Quận 1)... nhằm thu hút người dân cũng như du khách. Từ đó, quảng bá du lịch TPHCM, kích cầu thị trường dịp Tết.
Là một trong những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại TPHCM, chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền năm 2024 góp phần tạo không gian văn hóa hấp dẫn vừa truyền thống, vừa hiện đại, đặc biệt mang nét đặc trưng của miền sông nước.
Chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền là một trong những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại TPHCM. Ảnh: Nguyên Chân |
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 cho biết, chợ hoa xuân năm 2024 có hơn 660 nhà vườn từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An và TP Đà Lạt tham gia trưng bày, bán các loại cây phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Điểm nổi bật của sự kiện năm nay là con đường nghệ thuật gốm đỏ của tỉnh Vĩnh Long.
Sở VHTT cũng cho biết, vào đêm Giao thừa, Thành phố tổ chức 2 điểm bắn pháo hoa tầm cao tại Thủ Thiêm- TP. Thủ Đức và Bến Dược- Củ Chi; 6 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Đền Tưởng niệm di tích Bến Nọc - TP. Thủ Đức, Đầm Sen - Quận 11, Quảng trường Rừng Sác - Cần Giờ, Khu di tích Láng Le Bàu Cò - Bình Chánh, Công viên Văn hóa - Gò Vấp, Khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng - Hóc Môn.
Song song đó, ngành du lịch thành phố cũng đang phối hợp với các đơn vị gấp rút chuẩn bị các công đoạn cuối để khai mạc nhiều hoạt động vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024 (khoảng từ 27 tháng Chạp) như Hội hoa xuân Tao Đàn, Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường Sách (Quận 1)... Đây là những hoạt động được nhiều người dân và du khách mong đợi.
Tết năm nay, Lễ hội Đường sách sẽ diễn ra từ ngày 7/2 (28 tháng Chạp) và kéo dài đến ngày 14/2 (mùng 5 Tết), tại tuyến đường Lê Lợi, trục từ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, Quận 1.
Lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn sẽ có thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn, mang biểu tượng của tinh hoa văn hóa truyền thống và lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, kết hợp cùng tiểu cảnh linh vật hình rồng ấn tượng.
Quy mô được mở rộng hơn so với năm 2023, với tổng diện tích lên đến hơn 11 nghìn m2, với 3 khu vực chính gồm khu trưng bày, triển lãm, khu dành cho công nghệ trong ngành sách và khu vực dành cho thiếu nhi vui chơi, người dân nghỉ ngơi. Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024 cũng sẽ nhiều chương trình giao lưu, nghệ thuật và hoạt động đặc sắc mới mẻ như: lì xì sách vào mùng 1 Tết, sách và tình yêu vào ngày Lễ tình nhân 14/2.
Bên cạnh những lễ hội xuân, các khu vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức), Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11)... cũng tung ra các chương trình, ưu đãi dành cho người dân vui xuân đón Tết.
Tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, đơn vị áp dụng giảm giá vé vào cổng. Các chương trình nghệ thuật đặc sắc, mới lạ tại đây như EDM nhạc nước, nông trại nho mẫu đơn hứa hẹn thu hút người dân và du khách.
Theo bà Bùi Thị Tố Trinh, Phó Tổng Giám đốc Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, lễ hội mùa xuân diễn ra từ ngày 10.2 đến ngày 18.2 (nhằm mùng 1 Tết đến mùng 9 Tết). Hơn 150 công trình vui chơi, giải trí được cải tạo, nâng cấp chất lượng, đầu tư xây mới để đáp ứng nhu cầu của du khách dịp Tết.
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.