• Click để copy

Xuất khẩu gạo - Nếu giá tốt, thị trường tốt có thể mở rộng diện tích trồng lúa

Nếu tăng thêm 50.000ha lúa Thu Đông để tăng cơ hội xuất khẩu gạo, Việt Nam có thể thu thêm hơn 100 triệu USD, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam và cho thế giới, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hoàng Trung đã có cuộc trò chuyện với phóng viên các cơ quan báo chí về vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, vừa qua, đã có nhiều nước điều chỉnh chính sách liên quan đến xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab (UAE) thống nhất ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, Bộ NN-PTNT đánh giá cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam như thế nào trong bối cảnh này?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung: Phải khẳng định, trong thời gian qua có nhiều biến động liên quan đến việc điều chỉnh chính sách của một số nước xuất khẩu lúa gạo, như Nga rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, UAE, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT cân nhắc, đánh giá kỹ lý do tại sao các nước điều chỉnh chính sách này. Thứ hai, một số nước chịu ảnh hưởng bởi El Nino, việc giảm năng suất, khó khăn trong sản xuất nên việc điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo của họ là rất bình thường, nhưng với những điều chỉnh như vậy sẽ có tác động đến thị trường gạo thế giới.

Quan điểm của Bộ NN-PTNT là nắm chắc tình hình thị trường cũng như sản xuất lúa gạo của Việt Nam để tận dụng tốt cơ hội chưa từng có này nâng cao uy tín, mở rộng thị trường cho gạo Việt. Rất mừng là đến thời điểm này tổng diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm 2023 vẫn đảm bảo đạt 7,1 triệu ha, sản lượng 43-43,5 triệu tấn lúa, đạt được sản lượng theo kế hoạch, giúp cân đối tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Cụ thể, tiêu thụ trong nước ta khoảng 30 triệu tấn, trong đó 15 triệu tấn phục vụ tiêu dùng của gần 100 triệu dân nước ta, 9,5 triệu tấn dành để chế biến, 1 triệu tấn làm giống, 2,5 triệu tấn dự trữ quốc gia. Sau khi cân đối như vậy thì chúng ta yên tâm vẫn còn 14-15 triệu tấn lúa, khoảng 7-7,5 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.

Từ sản lượng, cách thức sản xuất như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm ngoài đảm bảo đủ sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo, tận dụng cơ hội của thị trường.

Với tình hình mới như hiện nay thì phải khẳng định các doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong thương thảo, ký hợp đồng với giá có lợi nhất. Khi giá gạo xuất khẩu tăng thì giá thu mua lúa của nông dân cũng tăng theo. Qua đó, nông dân cũng có cơ hội nâng cao thu nhập. Chúng ta có cơ hội mở rộng thị phần gạo Việt Nam ở thị trường truyền thống và những thị trường mới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung.

PV: Trước những diễn biến mới của thị trường xuất khẩu gạo, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có những giải pháp, quan điểm chỉ đạo, điều hành như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung: Trước hết, Bộ NN-PTNT xác định tuân thủ thực hiện đúng theo Công điện 610 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 3-7-2023 về tăng cường sản xuất, xuất khẩu gạo. Trong công điện này, Thủ tướng đã có chỉ đạo rất rõ cho từng bộ, ngành.

Theo đó, Bộ NN-PTNT tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo cung ứng sản lượng bởi đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu, giúp doanh nghiệp có lợi thế trên bàn đàm phán, ký kết hợp đồng. Bộ NN-PTNT cũng đã có Tờ trình tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị mới tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.

Trong đó, Bộ NN-PTNT sẽ bám sát tình hình thực tế, thời tiết, thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn, nhất là tình hình mưa, hạn, mặn để từ đó điều chỉnh khung thời vụ, cơ cấu giống hợp lý nhất. Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát, không để dịch bệnh xảy ra, đảm bảo năng suất, chất lượng lúa, gạo.

Bộ cũng đã giao các cục: Trồng trọt, Thủy lợi, Bảo vệ thực vật xem xét tình hình hạn mặn, xem có khả năng tăng diện tích vụ Thu Đông, tăng bao nhiêu là hợp lý? Theo tính toán, nếu chúng ta tăng thêm diện tích 50.000ha lúa Thu Đông thì Việt Nam có thể thu thêm khoảng 100 triệu USD, vừa góp phần cung ứng lương thực cho thế giới và mang lại thu nhập cho nông dân.

Đối với vụ Đông Xuân sắp tới, Bộ NN-PTNT rất quan tâm, ngay sau vụ Thu Đông kết thúc đã chỉ đạo rõ về kỹ thuật, bám sát tình hình hạn mặn, khung thời vụ xuống giống từ tháng 10, thu hoạch càng sớm càng tốt, kết thúc khung thời vụ là ngày 31-12-2023. Như vậy, chúng ta vừa tránh được mặn, hạn, rầy, sâu bệnh, đảm bảo năng suất lúa.

Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các cơ quan chuyên ngành của bộ tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu càng sớm càng tốt, mở rộng các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường.

PV: Trước diễn biến mới của thị trường lúa, gạo, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo là chưa từng có, theo Thứ trưởng làm thế nào để đảm bảo sự ổn định trong sản xuất, xuất khẩu, hài hòa lợi ích các bên?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung: Hiện nay, tổng diện tích sản xuất lúa vẫn đạt 100% theo kế hoạch và tiếp tục duy trì cho các năm tiếp theo, nếu giá tốt, thị trường tốt thì chúng ta có thể mở rộng diện tích. Ngoài diện tích lúa Thu Đông thì những diện tích cây trồng đã được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây khác có thể quay lại sản xuất lúa khi giá thị trường đang tốt. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất để chi phí đầu vào giảm mà năng suất, chất lượng vẫn tăng.

Đặc biệt, để giữ vững sự ổn định phải tạo liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác để đảm bảo doanh nghiệp và nông dân tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, bền vững. Ví dụ, Tập đoàn Lộc Trời, khi liên kết với các hợp tác xã, họ đã tính được bao nhiêu sản lượng, cứ gối nhau vào kho bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu, chủ động sản lượng thì chủ động ký hợp đồng, người dân yên tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định. Với mô hình liên kết hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân chia sẻ lợi ích hài hòa, chủ động về sản lượng, kế hoạch xuất khẩu, có ưu thế trên bàn đàm phán ký kết hợp đồng mới.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa.

PV: Về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính, Bộ NN-PTNT sẽ có những giải pháp như thế nào?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung: Trước hết phải tập trung bám sát tình hình thực tế về kế hoạch sản xuất của từng địa phương, điều kiện thời tiết, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo hợp lý nhất; đảm bảo hằng năm diện tích gieo cấy lúa thường xuyên của nước ta khoảng 3,5 triệu ha; vừa đáp ứng phục vụ nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh lương thực đồng thời phục vụ xuất khẩu.

Hiện Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan cố gắng tập trung hoàn thiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Đây là đề án được Chính phủ và Bộ NN-PTNT rất quan tâm. Nếu làm tốt thì đề án có thể nhân rộng ra các khu vực chuyên canh lúa như ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng. Lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu mà chúng ta phải làm. Nó sẽ giúp lúa có giá bán tốt hơn, hiệu quả kinh tế hơn, đồng thời chứng minh với thế giới rằng Việt Nam đang thực hiện đúng cam kết COP 26 (Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050); đảm bảo lúa, gạo Việt Nam vừa có chất lượng thơm, ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm vừa góp phần đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu những giống lúa mới có khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; nhằm đảm bảo trong mọi điều kiện thời tiết bất lợi, chúng ta vẫn duy trì được diện tích, sản lượng, như vậy, mới có thể có nguồn cung, đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo dựng niềm tin của ngành hàng lúa, gạo Việt Nam với thế giới.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.