• Click để copy

Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Sáng nay (11/7/2023) Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn thành phố.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: T.Hằng

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy,  tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới khó lường nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng như không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.

Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại hàng hóa có giá trị cao qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Qua một số vụ việc về ma túy được cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ nhận thấy các đối tượng thường ngụy trang ma túy tinh vi lẫn trong các hàng hóa khác như: hộp kem dưỡng da, hộp sốt mayonnaise, máy hút bụi, túi kẹo, vỏ lon bia... Điển hình, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 20 đối tượng vận chuyển ma túy; tang vật thu giữ lên đến 642 kg ma túy.

Trong thị trường nội địa: Tình trạng kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không có hoá đơn chứng từ vẫn còn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như: thuốc lá, pháo nổ, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại... Điển hình, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Công an quận Long Biên đã khám phá thành công vụ vận chuyển trên 100 kg pháo nổ là hàng cấm thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh; các vụ việc về kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu cũng được Công an thành phố Hà Nội triệt phá thành công, tang vật thu giữ lên đến 90.000 bao thuốc lá điếu, trên 10.000 điếu xì gà các loại.

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra, phổ biến ở các mặt hàng như quần áo, đồ thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ tùng ô tô... Điển hình, Công an thành phố Hà Nội đã khám phá thành công các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả là 1.083 sản phẩm hóa chất (keo) cấy thép giả nhãn hiệu sử dụng trong ngành xây dựng; phát hiện các đối tượng kinh doanh 5.136 sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu HONDA có giá trị hàng tỷ đồng.

Các vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đã được các lực lượng chức năng phát hiện kịp thời. Điển hình, ngày 13/04/2023, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với Công an huyện Mê Linh phát hiện lô hàng gồm 52 tấn móng giò lợn đông lạnh đã hết hạn sử dụng, chuẩn bị được mang ra thị trường tiêu thụ có trị giá trên 1,2 tỷ đồng; ngày 25/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Công an huyện Thanh Trì kiểm tra Công ty cổ phần đầu tư thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 phát hiện có 9.360 lon kem sữa đặc có đường quá hạn sử dụng và 29.600 que kem sữa dừa thành phẩm không đảm bảo chất lượng; ngày 12/06/2023, Đội quản lý thị trường số 9 phối hợp với Công an quận Tây Hồ phát hiện gần 1 tấn cánh gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, mua sắm trên trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng diễn biến phức tạp như: Ngày 15/02/2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện một cơ sở kinh doanh đang bày bán 2.020 tuýp thuốc giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ đang được chào bán, giới thiệu trên các trang mạng xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 12.052 vụ (tăng 14,17% so với cùng kỳ), xử lý hành chính: 11.136 vụ vi phạm (tăng 18,12% so với cùng kỳ). Trong đó: phát hiện, bắt giữ 1.801 vụ vi phạm về buôn lậu, 769 vụ vi phạm về hàng giả, 8.566 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Khởi tố 111 vụ (tăng 52% so với cùng kỳ) đối với 122 đối tượng (tăng 15% so với cùng kỳ). Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước: 1.558 tỷ 807 triệu đồng (tăng 36,06% so với cùng kỳ). Trong đó: Phạt hành chính 541 tỷ 312 triệu đồng (tăng 41,34% so với cùng kỳ), truy thu thuế 1.014 tỷ 758 triệu đồng (tăng 33,09% so với cùng kỳ). Tiền bán hàng thanh lý 2 tỷ 737 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 141 tỷ 764 triệu đồng.

Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ghi nhận những kết quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của BCĐ 389 TP Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: TH

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ghi nhận những kết quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các sở, ngành, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, qua báo cáo, tham luận của đại diện các sở, ngành của thành phố cho thấy, hoạt động kinh doanh hàng hoá qua thương mại điện tử còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Do vậy, thời gian tới, đề nghị các sở, ngành, lực lượng chức năng thuộc ban Chỉ đạo 389 thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Đề án số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 và Kế hoạch số 399 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử,

"Vừa qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ: Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cho các lực lượng chức năng tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tới đây Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn cho các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng", đồng chí Đặng Văn Dũng thông tin.

Đồng chí Đặng Văn Dũng cũng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo 389 thành phố cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các nội dung liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền, vận “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố....

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội kết luận Hội nghị. Ảnh: TH

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội khẳng định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 12.052 vụ; xử lý: 11.136 vụ, khởi tố hình sự 111 vụ đối với 122 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1.558 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là trên môi trường thương mại điện tử; công tác trao đổi thông tin của một số đơn vị đôi lúc còn thiếu chủ động, nhạy bén; kho bảo quản tang vật, kinh phí giám định hàng hóa còn thiếu; một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Trong 6 tháng cuối năm, lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai  công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tkhu vực cảng hàng không quốc tế, địa bàn nội địa... Tập hợp các  khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để báo cáo các cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời... 

Đặng Thu Hằng

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.