Bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta qua hơn 9 thập kỷ
Năm 2022 đi qua với nhiều thành công và dấu ấn nổi bật. Bước vào năm mới 2023 - “Năm bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2023), chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hơn chín thập kỷ lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng, từ đó củng cố, tăng cường sự tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, cùng nhau nỗ lực phấn đấu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời!
Đảng Cộng sản Việt Nam là đời là một tất yếu của lịch sử
Thực tiễn lịch sử đã minh chứng, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu của lịch sử. Bởi dân tộc ta có truyền thống yêu nước, anh dũng bất khuất, đã từng chiến thắng nhiều đế quốc phong kiến hung hãn. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào yêu nước dấy lên hết sức mạnh mẽ, các cuộc nổi dậy trên khắp mọi miền đất nước liên tiếp nổ ra, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các bậc sĩ phu, kể cả một bộ phận quan lại phong kiến: các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du; các cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Yên Bái và hàng chục cuộc đấu tranh khác nữa đều bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp và bị dìm trong biển máu.
Điều đó chứng tỏ rằng, vốn là nhân dân ta giàu lòng yêu nước, có truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm, sẵn sàng tham gia quên mình vào các phong trào yêu nước; còn các bậc sĩ phu, các nhà lãnh đạo các phong trào chống thực dân Pháp đều có trí, dũng, tài cao, không thiếu mưu lược, nhưng cả giai cấp phong kiến và đại diện cho lực lượng tư sản lúc đó đều không giải quyết được vấn đề dân tộc, không chọn đúng con đường giải phóng dân tộc và hướng đi cho đất nước. Nhưng rồi chính lịch sử đã có lời giải đáp. Chủ nghĩa Mác ra đời đã vạch ra điều tất yếu từng bị che lấp bởi màn sương mù trong lịch sử. Chủ nghĩa Mác khẳng định, chủ nghĩa tư bản nhất định bị thay thế bằng một chế độ tốt đẹp hơn - chế độ cộng sản chủ nghĩa không có người bóc lột người, và người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản chính là giai cấp những người cần lao. Rồi chính vào lúc chủ nghĩa tư bản thế giới đang cực thịnh thì Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra. Sự đột phá của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở đầu cho một xu thế mới của lịch sử thế giới, xu thế chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa tư bản và tạo ra làn sóng giải phóng dân tộc với quy mô to lớn và chiều sâu cách mạng chưa từng có; tạo ra hướng đi mà các dân tộc bị áp bức có thể lựa chọn con đường giải phóng dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Toàn bộ tình hình đó của thế giới, bằng nhiều con đường, đã dội vào và thấm sâu trong mảnh đất Việt Nam - nơi mà chính sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản thực dân đã chuẩn bị đất rồi, chủ nghĩa cộng sản chỉ còn phải làm một việc là gieo hạt của công cuộc giải phóng mà thôi. Hơn ai hết, chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người gieo hạt, gây mầm cách mạng Việt Nam. Với kỳ công và bản lĩnh thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam chuyển hóa thành một tất yếu và đưa tới một sự kiện trọng đại: Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Về lý do đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Cái từ Đông Dương rất rộng, và theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, vì An Nam chỉ là miền Trung của nước Việt Nam mà thôi, và nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó từ Việt Nam hợp với cả ba miền và không trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”.
Trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương công bố năm 1933, tác giả Hồng Thế Công (tức Hà Huy Tập) đã trân trọng đánh giá cống liến to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Đông Dương được thể hiện trong sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “… công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn chín thập kỷ đã qua.
Ảnh minh họa / dangcongsan.vn |
Bản lĩnh và trí tuệ của Đảng qua các chặng đường lịch sử
Chỉ mới thành lập được 15 năm, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945) - mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”, toàn thể dân tộc Việt Nam một lần nữa bước vào cuộc kháng chiến với niềm tin tất thắng. Trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, với phương châm: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng; vừa kháng chiến, vừa củng cố hậu phương và với phương pháp tác chiến thích hợp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã anh dũng chiến đấu, lần lượt làm phá sản các chiến lược quân sự của kẻ thù. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến (1945-1954), với nhiều hy sinh, gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng và tự hào, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên một Điện Biên lịch sử - “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với thắng lợi này, “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược. Trước tình hình đó, nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện nhiệm vụ cao cả này, nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến nhân dân đầy khó khăn, gian khổ nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và với niềm tin sắt đá”... dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn”, dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình thực tiễn của cách mạng, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, Đảng đã hoạch định đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn chiến trường. Trong chỉ đạo thực tiễn, Đảng chủ trương khởi đầu chiến tranh bằng phương thức thích hợp với hình thức khởi nghĩa từng phần, thông qua phong trào “Đồng khởi”, tập trung đánh vào chỗ yếu nhất, sơ hở của địch. Tiếp đó, bằng hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị song song, tiến hành ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược trong chiến tranh cách mạng, tập trung đánh bại quốc sách ấp chiến lược, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Động viên và tổ chức cả nước đánh Mỹ, kiên quyết giữ vững chiến lược tiến công, phát huy mạnh mẽ thế tiến công và quyền chủ động chiến trường, đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu, đợt đầu, hiệp đầu, liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược khi Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
Đặc biệt, trên cơ sở phân tích thực tiễn chiến trường, so sánh lực lượng giữa ta và địch, Đảng quyết định mở Mặt trận Đường số 9 - Bắc Quảng Trị để thu hút và giam chân một lực lượng quân cơ động Mỹ trên chiến trường rừng núi; đồng thời, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, giáng đòn bất ngờ vào các cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở đô thị, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cùng với việc tập trung tấn công quân sự trên các chiến trường, Đảng đã mở mặt trận tiến công ngoại giao (từ năm 1967), thực hiện thành công nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự - chính trị - ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Tiếp đó, Đảng tổ chức chỉ đạo thành công cuộc Tiến công chiến lược 1972, giành thắng lợi quyết định làm thay đổi cục diện chiến tranh, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh ngoại giao kiên quyết và khôn khéo, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973). Cuối cùng, Đảng đã kịp thời phát hiện thời cơ chiến lược, kiên quyết chỉ đạo, tổ chức thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trải qua 21 năm chiến đấu dũng cảm (1954-1975), với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ và sáng tạo, với một phương pháp cách mạng đúng đắn; với phương châm toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, “mỗi người dân là một dũng sĩ diệt Mỹ”; với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới..., quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc; kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm giải phóng, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta; mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) khẳng định: “Mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, kiên định với mục tiêu đã chọn, vững vàng trước những biến động của thời cuộc, nhất là khi mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, đặc biệt trong năm 2022, nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ còn 1 chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là không đạt được). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Việt Nam là điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm và gặp nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu ngân sách Nhà nước tăng 14,12% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,5% so với năm trước; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 13,5%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 10% so với năm 2021 (Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại); tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức 3,15% so với cùng kỳ; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét; các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực hơn đối với vấn đề phát triển văn hoá, xã hội. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu quả; chủ quyền quốc gia, môi trường hoà bình, ổn định tiếp tục được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng. Cho đến nay, chúng ta đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với công cuộc đổi mới của nhân dân ta.
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...”. Có thể khẳng định, thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của hơn 35 năm đổi mới chứng tỏ nhận thức, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn; quá trình đổi mới là sản phẩm sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo dúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định nhất đối với những thành tựu của đất nước ta, nhân dân ta trên mỗi chặng đường cách mạng.
Hình ảnh phiên Bế mạc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sáng ngày 1-2-2021 |
Những giá trị mãi trường tồn
Với những thắng lợi vĩ đại giành được trong 93 năm qua, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, có đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có uy tín, vị thế quốc tế ngày càng cao. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn nữa và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại chặng đường 93 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, ôn lại những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào, chiến sĩ ta cùng những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả của cách mạng, càng thấm thía và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu; càng thấu hiểu, tin yêu và tự hào thêm về dân tộc ta - Một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Kỷ niệm 93 ngày thành lập Đảng, chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao của các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ… đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tưởng nhớ và tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc, của Đảng và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả; vì sự phát triển và trường tồn của dân tộc ta dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn lại và ngẫm suy thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 93 năm qua đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đồng thời chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Và cũng chính trong quá trình đó, Đảng ta đã thể hiện mạnh mẽ bản lĩnh, tầm vóc trí tuệ lớn lao của mình, tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên truyền thống vẻ vang của Đảng quang vinh mà chúng ta phải ra sức giữ gìn và phát huy trong điều kiện mới, đặc biệt là cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 1-2023.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.