Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão
Miền Bắc đã vào mùa mưa bão, những diễn biến bất thường của thời tiết khiến tình hình giao thông đường thủy tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Theo các chuyên gia giao thông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy gia tăng chủ yếu là do chủ phương tiện và hành khách chưa tuân thủ đúng các quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa. Vì vậy, để phòng ngừa, hạn chế TNGT đường thủy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra phương tiện vận tải hàng hóa trên sông Luộc. |
Với hơn 100km đường sông, hệ thống giao thông đường thủy nội địa ở tỉnh Hưng Yên đóng vai trò quan trọng trong giao thương, vận chuyển hàng hóa. Thời gian qua, chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy là rất lớn, không thể chủ quan.
Bến đò ngang thuộc địa bàn xã Tống Trân, huyện Phù Cừ có khá đông hành khách, nhưng người qua đò thường không mặc áo phao, vi phạm quy tắc bảo đảm ATGT đường thủy nội địa. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bến đò ngang đang hoạt động. Trước thực trạng trên, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan đã chú trọng kiểm tra, yêu cầu chủ phương tiện thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách. Những trường hợp bến không bảo đảm quy định an toàn sẽ bị đình chỉ hoạt động nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất ATGT. Đặc biệt, khi có mưa bão, nước lũ dâng cao, trong điều kiện không an toàn, nghiêm cấm các phương tiện hoạt động.
Ông Trần Ngọc Thái, chủ đò tại bến đò xã Tống Trân cho biết: “Khi sắp có bão, lũ hoặc những sự cố thiên tai, trong điều kiện không an toàn, nhận được thông báo tạm dừng hoạt động của lực lượng chức năng, tôi chấp hành ngay. Tôi cũng luôn bảo đảm phương tiện vận chuyển phải còn hạn đăng kiểm, người điều khiển phải có chứng chỉ chuyên môn”.
Bến phà Giải nối xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà và xã Kim Đính, huyện Kim Thành (Hải Dương) có lưu lượng người và phương tiện lưu thông đông đúc. Tìm hiểu thực tế tại bến phà Giải những ngày đầu tháng 7, chúng tôi thấy rất ít người mặc áo phao khi qua phà, nhiều người chỉ mặc áo phao khi có mặt lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Văn Hiến, nhân viên bến phà Giải, là người đã có nhiều năm gắn bó với bến phà, nhận thức được nguy cơ mất an toàn khi không chấp hành các quy định, nhất là vào mùa mưa bão, ông thường xuyên nhắc nhở hành khách. Tuy nhiên, theo ông Hiến, nhiều hành khách chỉ mặc áo phao lấy lệ hoặc mặc áo phao để lên phà rồi bỏ ra, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ông Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, chảy xiết nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT đường thủy. Vì vậy, chúng tôi luôn chở đúng số người quy định, đúng trọng tải, nhắc nhở hành khách phải mặc áo phao. Khi bảo đảm an toàn mới cho phà rời bến”.
Đại úy Vũ Tùng Lâm, Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: “Tỉnh Hải Dương có khoảng 60 bến phà, đò ngang. Mỗi năm, khi đến mùa mưa bão, nỗi lo mất ATGT đường thủy lại hiện hữu. Thực tế cho thấy các vi phạm thường xuyên xảy ra là chủ phương tiện chở quá số người quy định, quá trọng tải và hành khách không mặc áo phao”.
Để chủ động bảo đảm ATGT đường thủy nội địa vào mùa mưa bão năm 2024, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hải Dương đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đã xử phạt hơn 200 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Luân, Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở tại các bến bãi, nhất là vào mùa mưa lũ, yêu cầu chủ đò và người dân không được vận chuyển hàng hóa quá tải trọng, phải bảo đảm an toàn trước khi rời bến, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm; liên hệ với cơ quan quản lý đường sông đặt hệ thống biển báo... Ðơn vị cũng đã chủ động cập nhật và nắm chắc số lượng tàu, thuyền, thuyền viên xuất bến, cập bến ở một số địa phương để kịp thời phối hợp, thông báo và hướng dẫn phòng tránh an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai xảy ra”.
Theo dự báo, tình hình thời tiết năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Vào mùa mưa bão, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có xoáy nước, phức tạp về luồng lạch. Bởi vậy, thời gian tới, lực lượng CSGT cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNGT đường thủy.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - THU THỦY
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.