Bộ Công an cảnh báo tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Thông tin từ Bộ Công an, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang có diễn biến phức tạp. Mặc dù các lực lượng chức năng đã có những cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, nhưng tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn đang có xu hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và toàn xã hội để ngăn chặn loại tội phạm này.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện 1.670 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 30,67% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hình thành 4 nhóm đối tượng như: Nhóm các đối tượng sử dụng tổng đài ảo (VoIP) giả danh Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát... để dọa nạn nhân sau đó cung cấp tài khoản để nạn nhân chuyển tiền kiểm tra rồi chiếm đoạt. Nhóm các đối tượng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) giả danh nhân viên hải quan, sân bay lừa đóng thủ tục hải quan, thuế để nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản chúng chỉ định rồi chiếm đoạt. Nhóm các đối tượng lợi dụng kẻ hở trong thương mại điện tử, giả mạo giấy tờ, tài liệu rồi làm giả thẻ ngân hàng hoặc vay ngân hàng, hoặc mua sắm trên các trang thương mại điện tử, giao dịch mua bán thông qua các tài khoản mạng xã hội... rỗi chiếm đoạt tải sản. Nhóm các đối tượng chiếm đoạt quyền sử dụng mạng xã hội, sau đó cung cấp thông tin giả, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Các nhóm lừa đảo này nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng… Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi.
Trong những tháng đầu năm, Công an các địa phương đã điều tra, khởi tố nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng như: Tháng 1/2023, Công an TP Thái Bình phát hiện đường dây lừa đảo hoạt động phạm tội có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô lớn, với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng. Tháng 3/2023, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an Đà Nẵng, Quảng Trị tích cực điều tra, bắt giữ nhóm 6 đối tượng đều ở tỉnh Quảng Trị đã thực hiện hành vi chiếm quyền quản trị Facebook, Zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 5/2023, Công an TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 07 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và đưa hối lộ. Với thủ đoạn lừa đảo giới thiệu chương trình “tặng” thực phẩm chức năng cho bệnh nhân, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 3.000 người dân trên địa bàn toàn quốc, với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 25 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an, thông qua công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng các địa chỉ truy cập ảo, sử dụng giao thức VoIP cũng như kết nối, giao tiếp với bị hại qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber...; Thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú...; Liên kết của đối tượng trong nước và đối tượng người nước ngoài, hoạt động phạm tội được thực hiện cả trong nước và trên lãnh thổ nước khác. Hành lang pháp lý quy định về tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số và các hình thức giao dịch liên quan tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số chưa được ban hành...
Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Phối hợp kịp thời trong công tác điều tra, truy tố, xét xử công khai đối với các vụ án đã được phát hiện để răn đe, giáo dục và tuyên truyền; Chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm trên không gian mạng...
Phan Anh
Tin mới
Tổng cục Hậu cần tiếp đón Đoàn cán bộ hậu cần các lực lượng vũ trang Belarus
Sáng 27-11, tại Hà Nội, Tổng cục Hậu cần tiếp đón Đoàn cán bộ hậu cần các lực lượng vũ trang Belarus do Thiếu tướng Mosolop Alexander Vyacheslavovich, Phó cục trưởng thứ nhất Cục Hậu cần, Tham mưu trưởng Hậu cần các lực lượng vũ trang Belarus thăm và làm việc tại Việt Nam. Thiếu tướng Phạm Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chủ trì tiếp đón và làm việc.
Trang trọng lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Ngày 27-11, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Cao Lãnh).
Đến năm 2030, ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn không ma túy
Chiều 27-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ gia đình bị sạt lở đất khắc phục hậu quả
Ngày 27-11, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Đoàn kinh tế Quốc phòng 92 và chính quyền địa phương xã Lâm Đớt, huyện A Lưới hỗ trợ gia đình ông Trần Văn Khưa khắc phục hậu quả sạt lở đất.
Nền công nghiệp hóa chất chuyển đổi mạnh mẽ
Ngày 27-11, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Hóa chất lần thứ 19-VINACHEM EXPO 2024.
Người trẻ mùa chạy việc cuối năm: Đa nhiệm, áp lực nhưng vẫn tận hưởng cuộc sống
Đảm nhiệm nhiều công việc một lúc kèm theo áp lực dồn dập trong 2 tháng cuối năm khiến nhiều người trẻ căng thẳng, mệt mỏi. Làm gì khi vừa chạy deadline mà vẫn giải nhiệt cuộc sống để tận hưởng không khí sôi động những ngày cuối năm là điều nhiều người trẻ quan tâm.