Bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong cuộc đua vào không gian
Ngày 2-6, tàu Hằng Nga-6 (Chang'e-6) đã hạ cánh thành công xuống vùng tối của mặt trăng-khu vực không thể quan sát từ trái đất, đánh dấu một bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong cuộc chạy đua vào không gian.
Tờ China Daily đưa tin, tàu Hằng Nga-6 nặng 8,35 tấn, được phóng vào không gian ngày 3-5, đi vào quỹ đạo mặt trăng ngày 8-5 vừa qua. Tân Hoa xã dẫn thông báo của Cơ quan Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết tàu Hằng Nga-6 sẽ ở lại vùng tối của mặt trăng trong thời gian hai ngày, thực hiện nhiệm vụ thu thập mẫu vật để mang về trái đất. Đây là lần đầu tiên con người thực hiện nhiệm vụ này trong lịch sử khám phá mặt trăng.
Hình ảnh tàu Hằng Nga-6 của Trung Quốc hạ cánh thành công xuống vùng tối của mặt trăng ngày 2-6. Ảnh: Tân Hoa xã |
Theo CNN, tàu Hằng Nga-6 dự kiến thu thập tới 2kg mẫu vật. Đây là lần thứ 2 một tàu vũ trụ của Trung Quốc hạ cánh thành công xuống vùng tối của mặt trăng sau kỳ tích lịch sử với sứ mệnh Hằng Nga-4 vào năm 2019, vốn có nhiệm vụ quan sát thiên văn, khảo sát địa hình, thành phần khoáng chất, cấu trúc bề mặt của mặt trăng. Reuters nhấn mạnh, cho đến nay, ngoại trừ Trung Quốc, chưa có quốc gia nào khác "đến được" vùng tối của mặt trăng. China Daily cho biết, trước Hằng Nga-6, sứ mệnh Hằng Nga-5 vào năm 2020 đã mang về cho Trung Quốc 1.731 gram mẫu vật từ vùng sáng của mặt trăng. Theo Tân Hoa xã, cho đến nay, sau 10 sứ mệnh khám phá mặt trăng do Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc thực hiện, đã có hơn 300kg mẫu vật được thu thập và tất cả đều là từ vùng sáng của mặt trăng.
Nhà khoa học Wu Weiren, Trưởng nhóm thiết kế chương trình khám phá mặt trăng của Trung Quốc nêu rõ, hiện nay con người có rất ít hiểu biết về vùng tối của mặt trăng. Nếu tàu Hằng Nga-6 hoàn thành nhiệm vụ, các nhà khoa học sẽ có được những vật chứng trực tiếp đầu tiên để hiểu hơn về môi trường và cấu tạo vật chất vùng tối của mặt trăng-"những hiểu biết có vai trò cực kỳ quan trọng". Việc thu thập và mang về trái đất mẫu vật từ vùng tối của mặt trăng sẽ là "kỳ tích chưa từng có". BBC dẫn lời Giáo sư John Pernet-Fisher tại Đại học Manchester (Anh) bày tỏ hào hứng trước triển vọng được nghiên cứu các mẫu vật từ vùng tối của mặt trăng, giúp "giải đáp các câu hỏi lớn", như các hành tinh hình thành thế nào, nguồn gốc của nước trong hệ mặt trời...
Theo CNN, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sứ mệnh Hằng Nga-6, vốn được tính toán thực hiện trong 53 ngày kể từ ngày 3-5 vừa qua, sẽ là "cột mốc then chốt" trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành cường quốc không gian hàng đầu. Trung Quốc đang có kế hoạch đưa phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030 và xây dựng một cơ sở nghiên cứu trên hành tinh này.
Trung Quốc thực hiện sứ mệnh Hằng Nga-6 trong bối cảnh cuộc chạy đua lên mặt trăng ngày càng "náo nhiệt". Cho đến nay, có 5 quốc gia đã đưa thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, trong đó Mỹ là quốc gia duy nhất từng đưa con người lên mặt trăng. Theo Reuters, sứ mệnh Hằng Nga-6 đánh dấu cuộc đổ bộ thứ 3 lên mặt trăng từ đầu năm đến nay, sau sứ mệnh SLIM của Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) hồi tháng 1 và sứ mệnh Odysseus của hãng tư nhân Intuitive Machines (Mỹ) hồi tháng 2. Tờ Financial Times ước tính, trên thế giới hiện có hơn 400 sứ mệnh khám phá mặt trăng được chính phủ các nước và nhiều doanh nghiệp tư nhân lên kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2022-2032. "Ngoài niềm tự hào dân tộc, nhiều sứ mệnh khám phá mặt trăng hiện nay nhằm mục đích xác định những gì thực sự hữu ích ở nơi đó. Về công nghệ khám phá không gian, chi phí đã giảm nhiều và nó đã được thương mại hóa ở một số khía cạnh. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến không gian. Và khi họ quan tâm đến không gian, mặt trăng trở thành mục tiêu to lớn nhưng có khả năng đạt được... Một số người cho rằng sự hiện diện trên mặt trăng sẽ mang lại giá trị quân sự, chiến lược và kinh tế to lớn. Một số khác nghĩ rằng trên mặt trăng có các nguồn tài nguyên mà con người cần", Financial Times dẫn lời chuyên gia Brian Weeden tại Secure World Foundation-một cơ quan nghiên cứu của Mỹ tập trung vào việc sử dụng bền vững không gian.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.