Cà Mau căng mình canh “giặc lửa” giữ rừng
Miền Tây Nam Bộ đang vào cao điểm mùa khô. Theo cảnh báo của ngành chức năng, năm nay, do mưa kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp nên các khu vực rừng đang báo động khả năng cháy ở cấp độ cao. Là địa phương có hơn 143.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó U Minh Hạ và các cụm đảo đang có nguy cơ cháy cao, tỉnh Cà Mau đã huy động nhiều lực lượng ngày đêm tuần tra, bảo vệ; các công nghệ và thiết bị hiện đại cũng được sử dụng để phòng, chống cháy rừng.
Hơn 29.000ha rừng cảnh báo nguy cơ cháy cao
Chúng tôi trở lại rừng U Minh Hạ (Cà Mau) trong những ngày giữa tháng 3, khi cái nắng vẫn như thiêu như đốt giội xuống đại ngàn. Hướng tầm mắt về phía các cánh rừng xa tắp, chúng tôi chỉ thấy mờ mịt những ngọn tràm đã không còn xanh. Thảm thực vật ở tầng thấp và lớp thực bì dày tích tụ trong nhiều năm dưới nền rừng cũng đã khô kiệt. Bao quanh những gốc tràm cổ thụ là lớp thực bì và các đám dương xỉ khô nỏ, giống như những bó mồi cho một ngọn đuốc khổng lồ. Chỉ cần một tàn thuốc lá hay một tia lửa xẹt qua thì lớp thực bì này sẽ bùng cháy ngay tức khắc.
Một buổi diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ. |
Đứng trên đài quan sát cao gần 30m, anh Ngô Văn Kháng, Phó trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ căng mắt qua kính viễn vọng hướng ra bốn phía. Anh Kháng trầm ngâm: “Chưa bao giờ nắng dữ dội như năm nay, dự báo hạn hán sẽ còn kéo dài. Mấy tháng nay căng thẳng quá, anh em chúng tôi chưa ngày nào được yên giấc”.
Khi anh Kháng dứt lời, cả không gian mênh mông giữa đại ngàn lại rơi vào sự tĩnh lặng vốn có. Một mùa khô kỳ lạ, chỉ có nắng mà không có gió, dù chúng tôi đang ở độ cao gần 30m.
Bước xuống đài quan sát, chúng tôi tiếp tục theo lực lượng tuần tra luồn sâu vào nơi đỉnh điểm khô hạn để đến các chốt đóng quân ở giữa rừng tràm nguyên sinh. Qua vài con kênh đã cạn khô, kíp tuần tra nhìn nhau ái ngại và quyết định đào để kiểm tra mực nước dưới chân rừng. Họ hì hục đào xuống quá nửa mét mà vẫn chưa thấy nước. Anh Nguyễn Tấn Giang, Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng T21-90 thuộc Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho biết: “U Minh Hạ vốn là rừng ngập nước. Bình thường, nước luôn mấp mé dưới chân rừng mà giờ đây đã cạn khô, không khác gì những cánh rừng ở miền Đông Nam Bộ”.
Dù vẫn trong tầm kiểm soát nhưng theo thống kê, hiện có hơn 29.000ha rừng hệ ngọt của tỉnh Cà Mau bị khô hạn, trong đó cảnh báo cháy cấp IV và cấp V đến hơn 11.000ha. So với khoảng nửa tháng trước, diện tích báo cháy cấp V đã tăng gần gấp 5 lần, tập trung chủ yếu tại lâm phần các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ...
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt (thứ nhất, từ trái sang), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra, chỉ đạo và tặng quà các lực lượng ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại vùng U Minh Hạ. |
Ra sức ngăn “giặc lửa”
Theo dự báo của ngành chức năng, mùa khô 2023-2024 sẽ còn kéo dài đến tháng 5, nắng hạn nhiều khả năng còn gay gắt thêm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng. Ý thức rõ các mối nguy đe dọa đến an toàn của hệ sinh thái rừng ngập ngọt tại Cà Mau, trước khi mùa mưa kết thúc, ngành chức năng tỉnh đã chủ động đắp 85 cống, đập, bảo đảm trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng sớm triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng mùa khô 2024 theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, các đơn vị còn bố trí 73 chòi quan sát kiên cố và tạm thời; trang bị 115 máy bơm nước (66 máy công suất lớn), hơn 57.000m vòi chữa cháy, hơn 70 máy ICOM cùng hơn 140 vỏ lãi, xe chuyên dụng... phục vụ phòng, chống cháy rừng. Trong tình huống nguy cấp, lực lượng chức năng có thể huy động ngay tức khắc từ 400 đến 500 người dập lửa, quyết không để cháy lan, cháy lớn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai cho biết, đến nay, toàn bộ 500ha rừng trên cụm đảo đã khô hạn, dự báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm). Chỉ cần bất cẩn để phát sinh lửa, rừng trên đảo Hòn Khoai sẽ có nguy cơ bị thiêu rụi hoàn toàn. Ngay từ trước Tết, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị và tiến hành tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho anh em. “Mùa khô là thời điểm người dân vào rừng săn ong lấy mật, vì thế, biện pháp phòng, chống cháy rừng của đơn vị hiện nay chủ yếu là ngăn chặn người dân lên rừng trong mùa khô và thu gom những thực bì, cỏ khô ở các vùng trọng điểm dễ cháy nhằm làm giảm nguyên liệu dẫn lửa”.
Lực lượng chức năng Vườn Quốc gia U Minh Hạ tuần tra bảo vệ rừng. |
Có tổng diện tích quản lý rừng 23.965ha; trong đó đất có rừng 15.807ha, thời điểm này, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó xác định “phòng cháy là chính”. Song song với đó, Công ty cũng phân công lực lượng trực chòi canh quan sát lửa rừng 24/24 giờ, tuần tra, kiểm soát, cập nhật diễn biến tình hình khô hạn có liên quan đến công tác phòng, chống cháy rừng trong ngày, kịp thời báo cáo về thường trực Ban chỉ đạo cấp huyện, tỉnh theo quy định.
Còn tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, ngay từ mùa khô, đơn vị đã bố trí 16/19 điểm đội, chốt trực phòng cháy rừng trên toàn khu vực lâm phần; bố trí tổ tuần tra gồm 10 lực lượng, hằng ngày thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tuần tra, luồn rừng trên toàn lâm phần Vườn quốc gia, đồng thời đưa 12 tổ máy bơm chữa cháy xuống các điểm đội, chốt, nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao.
“Nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng, vừa qua, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã kết hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam triển khai lắp đặt hệ thống poacher cam bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, thông qua cảnh báo của hệ thống camera chuyên dụng này, Ðội Quản lý bảo vệ rừng T21-90 đã bố trí lực lượng, bắt quả tang đối tượng vào rừng trái phép. Triển khai đồng bộ các giải pháp nên nhiều năm liên tục, Cà Mau rất ít khi để xảy ra cháy rừng vào những tháng khô hạn”, ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết.
Bài và ảnh: THÚY AN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.