Cách phòng, chống dịch bệnh cúm A (H5N1)
Theo thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay tại tỉnh Prey Veng, Campuchia ghi nhận 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1), trong đó một trường hợp bệnh nhi đã tử vong và một số trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Hiện nước ta chưa ghi nhận dịch bệnh trên gia cầm cũng như trên người, nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất cao do các hoạt động du lịch, giao thương giữa các quốc gia đang được tăng cường, đẩy mạnh. Để chủ động phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh cúm A/H5N1 vào Quân đội, Tổng cục Hậu cần cập nhật thông tin và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sau:
Mầm bệnh, đường lây, đặc điểm dịch tễ
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cúm A/H5N1 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Virus cúm A/H5N1 (Influenza A virus), có kháng nguyên Hemagglutinin (H) và kháng nguyên Neuraminidase (N) đều nằm trên vỏ bọc của virus. Virus có tỷ lệ đột biến cao và kháng nguyên bề mặt luôn có xu hướng biến đổi, tạo ra biến chủng cúm mới. Đây chính là nguyên nhân H5N1 có thể gây dịch cúm trên diện rộng, thường xảy ra vào mùa Đông và đầu Xuân.
Các chủng của virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người. Virus cúm có thể lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép...
Virus có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính. Virus có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virus...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm virus.
Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
Dịch cúm gia cầm liên quan tới hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông, là nơi có mật độ chăn nuôi vịt cao hơn các vùng khác. Trong các đợt dịch trước, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa Đông - Xuân (thời tiết lạnh, ẩm), tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm (phụ thuộc vào tình hình dịch trên đàn gia cầm tại địa phương).
Đa số các trường hợp nhiễm cúm ở người có liên quan tới cúm gia cầm. Bệnh xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, tập trung nhiều ở tuổi dưới 40, cao nhất ở nhóm 10-19 tuổi. Chưa thấy có sự khác biệt giữa nam, nữ về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Cúm A/H5N1 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Ảnh minh họa/Nguồn: timesofisrael |
Việc xuất hiện một số chùm bệnh gia đình gợi ý có thể yếu tố di truyền cũng đóng vai trò trong sự nhạy cảm với virus cúm gia cầm. Tuy nhiên, cho tới nay chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lan truyền giữa người với người.
Đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán, điều trị
Bệnh diễn biến cấp tính, có thời gian ủ bệnh 2-8 ngày, có thể kéo dài đến 17 ngày và có các triệu chứng sau: Sốt trên 380C, có thể rét run; ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên; khó thở, thở nhanh, tím tái. Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng. Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh. Chụp X-quang phổi có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh. Số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm.
Ca bệnh xác định phải có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1 bằng một trong các phương pháp: Kỹ thuật di truyền phân tử (RT-PCR); kỹ thuật xác định trình tự chuỗi nucleotid (sequencing); kỹ thuật ngăn ngưng kết hồng cầu (HI); kỹ thuật miễn dịch hấp phụ gắn men (ELISA); kỹ thuật phân lập virus và kỹ thuật trung hòa vi lượng.
Hiện có 2 loại thuốc kháng virus là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir (Relenza) đang được sử dụng để điều trị bệnh H5N1 ở người. Cần điều trị sớm trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Điều trị triệu chứng hạ sốt, chống viêm, kháng sinh; hồi sức hô hấp; bảo đảm chế độ dinh dưỡng, chăm sóc người bệnh...
Biện pháp phòng, chống dịch trong Quân đội
Các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ các thông tin cơ bản về bệnh cúm A/H5N1. Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Liên hệ chặt chẽ với ngành y tế, ngành nông nghiệp địa phương để nắm chắc tình hình dịch bệnh trên gia cầm, trên người trong cộng đồng, tại các khu vực chăn nuôi, các cơ sở y tế ở khu vực đóng quân. Khi có trường hợp nghi ngờ tại đơn vị hoặc trong cộng đồng, báo cáo ngay chỉ huy đơn vị, cơ quan hậu cần, quân y để phối hợp và có phương án xử lý kịp thời.
Tham mưu chỉ huy đơn vị chỉ đạo cơ quan hậu cần các cấp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm ở khu vực tăng gia của đơn vị, cũng như tình hình chăn nuôi trong cộng đồng tại địa bàn đóng quân. Việc xử lý các ổ dịch cúm trên gia cầm thực hiện theo quy định hiện hành của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, cửa sông... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Nam. Làm tốt công tác phòng, chống lây nhiễm cho lực lượng tuần tra, kiểm soát biên giới.
Quân y các cấp cần tập trung giám sát phát hiện trường hợp viêm phổi nặng do virus tại đơn vị, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở hoặc tiếp xúc với người có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu hoặc liên hệ Viện Y học dự phòng Quân đội và Viện Y học Dự phòng Quân đội phía Nam để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tác nhân gây bệnh.
Việc giám sát phát hiện ca bệnh phải được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ tuyến quân y đơn vị đến tuyến bệnh viện. Những trường hợp có biểu hiện sốt, nhức đầu, mệt mỏi, có triệu chứng viêm đường hô hấp, như: Ho, đau họng, hắt hơi, sổ mũi... phải được khám, theo dõi. Khi có nhiều trường hợp nghi cúm báo cáo ngay với quân y cấp trên để được chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp cử lực lượng thực hiện điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm.
Hướng dẫn bộ đội tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, tiếp xúc với gia cầm ốm/chết. Khi phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách. Tăng cường các biện pháp chống dịch không đặc hiệu, như: Súc họng bằng nước muối 0,9% 2 lần/ngày (sáng và tối trước khi đi ngủ), rửa tay bằng xà phòng; nhỏ mũi buổi tối bằng nước muối 0,9%; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải hoặc khăn giấy, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay; phơi quần áo, chăn màn khi trời nắng...
Các bệnh viện quân y tăng cường khám, chẩn đoán nhanh các hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm phát hiện sớm ngay ca bệnh đầu tiên, thông tin kịp thời cho các đơn vị để triển khai các biện pháp phòng, chống. Giám sát, lấy mẫu xét nghiệm những bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện. Chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc, phương tiện… để phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ quân y tuyến trước và tiếp nhận, điều trị các ca bệnh nhân nặng.
Biện pháp xử lý khi đơn vị xảy ra dịch
Khi xảy ra dịch, các đơn vị cần tổ chức cách ly và chuyển người bệnh về tuyến bệnh viện. Người chăm sóc, điều trị phải đeo khẩu trang y tế, kính mắt, găng tay, mũ, áo... trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh; rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
Tiến hành phun khử trùng bề mặt bằng dung dịch Chloramin B 0,5% tại khu vực nhà bệnh nhân, chuồng trại và nơi chăn thả gia cầm. Dùng bình bơm nén khí để phun sao cho ướt toàn bộ bề mặt cần khử trùng (trung bình 200-300ml/m2). Tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân; tạm ngừng các cuộc họp, học tập, tập trung không cần thiết; đeo khẩu trang nơi đông người. Thực hiện nghiêm quy định về thông tin, báo cáo.
CỤC QUÂN Y
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.