• Click để copy

Cảnh giác hàng giả dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, kéo theo đó là nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đây là thời gian, người tiêu dùng cần cảnh giác trong mua sắm.

Phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sản xuất hàng giả

Cuối năm, hàng hóa ngày càng phong phú, và tình trạng các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái được trà trộn, nhập về các cửa hàng ngày càng nhiều.

Tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. Chỉ tính riêng tháng 10 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 934 vụ buôn lậu và hàng giả; đã xử lý 822 vụ, xử phạt hành chính 8,62 tỷ đồng.

Trước các hành vi vi phạm một cách tinh vi của các đối tượng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm chất lượng.

Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng đồ chơi, quần áo thời trang may sẵn, vải; thực phẩm bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát nhập lậu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,...

Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại địa bàn các quận, huyện: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên... và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam ra Hà Nội tiêu thụ và ngược lại.

Đặc biệt, các đơn vị phải tập trung kiểm tra hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng Việt Nam, như các nhóm hàng: Quần áo thời trang, mỹ phẩm... Để đấu tranh chống lại hàng giả, vừa qua, Công an TP. Hà Nội cũng mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2023.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng đã có kế hoạch phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mức phạt chưa tương xứng với lợi nhuận

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, lợi dụng tâm lý mua hàng tăng cao mỗi đợt cuối năm, hàng năm đây vẫn luôn là dịp để các đối tượng xấu trà trộn hàng giả vào thị trường.

Căn cứ Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Nghị định 17/2022/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa cao nhất là 50 triệu đồng tùy vào giá trị tương đương với số lượng cũng hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp. Phạt tiền gấp hai lần các mức phạt tiền đối với các trường hợp hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Bên cạnh đó, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả cũng nghiêm khắc hơn, người phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả tại Điều 192 Bộ luật này.

Hình thức xử lý đã có, thế nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả mỗi dịp cuối năm, cận Tết vẫn luôn tăng cao, diễn biến phức tạp và tinh vi. Các lực lượng chức năng mỗi đợt cuối năm cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; thế nhưng mức phạt hiện nay vẫn chưa tương xứng với lợi nhuận mỗi lô hàng mà các đối tượng trót lọt. Hàng giả khi nhập lậu vào nội địa, qua nhiều phương thức khác nhau, có thể dưới dạng nguyên liệu được các cơ sở chế biến, đóng gói đưa ra thị trường; hay nhập hàng chưa có nhãn về sang chiết và đóng gói dán nhãn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ.

Đặc biệt, các đối tượng vi phạm dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố, như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

“Chính vì vậy, ngoài việc các lực lượng chức năng siết chặt quản lý hoạt động giao thương mua bán, mỗi người tiêu dùng cũng nên thận trọng và cảnh giác với các sản phẩm, thương hiệu không đảm bảo chất lượng, làm giả, làm nhái nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đồng thời, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải tố giác với lực lượng chức năng để kịp thời xử lý” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Hải Minh (theo Kinhtedothi.vn)

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.