• Click để copy

Cấp bách sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước

Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước. Tuy nhiên vẫn còn hàng nghìn hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp.

Do đó, để bảo đảm an ninh nguồn nước thì việc làm cấp bách là tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp để các hồ chứa nước hiện đại, an toàn hơn, phục vụ đa mục tiêu.

Khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm, với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động hơn 70 tỷ m3. Nguồn nước ngầm có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam khoảng 1.940-1.960mm (tương đương 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước đang làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả. Ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao...

Cấp bách sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước
 Các đại biểu tham quan các thiết bị công nghệ tiên tiến trong thử nghiệm, giám sát chất lượng nước. Ảnh: DUY QUANG

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã bố trí gần 10.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cho hơn 800 hồ chứa. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần xử lý cấp bách. Nếu không có giải pháp đột phá thời gian tới, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước và mất an toàn đập, hồ chứa nước, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

PGS, TS Nguyễn Đăng Tính, Phó giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại vấn đề an toàn do các hồ chứa nước phần lớn được xây dựng từ các thập niên 1970, 1980, đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Trong khi đó, kinh phí bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, năng lực cán bộ quản lý, vận hành hồ, đập còn hạn chế.

Đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu

PGS, TS Nguyễn Đăng Tính đề nghị, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nâng cao khả năng chống thấm cho các công trình hồ chứa, đập; có các quy trình ứng phó với những tình huống khẩn cấp theo từng quy mô hồ chứa, đập khác nhau. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống tích hợp quan trắc, điều hành hồ chứa thông minh, hoàn thiện quy trình đánh giá an toàn đập, hồ chứa, kết hợp với chuyển đổi số hoàn thiện hệ thống thông tin công trình.

Cấp bách sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước
Hồ chứa nước Bò Lạc, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: NGUYỄN LƯỢNG 

Các chuyên gia đề xuất Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm liên kết, kết nối nguồn nước liên tỉnh, liên vùng; kết hợp lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án đầu tư công để đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, bảo đảm năng lực cấp nước, tiêu thoát nước, kết hợp phục hồi nguồn nước suy thoái, ô nhiễm. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước. Chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động từ việc xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ở các quốc gia có chung dòng sông với nước ta. Xây dựng kịch bản giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước. Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn nước trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, bảo đảm sự kết nối, chia sẻ hiệu quả giữa các cấp bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng thoát lũ theo thiết kế, trong đó ưu tiên các công trình có nguy cơ rủi ro cao, lưu vực tập trung dòng chảy nhanh; xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước.

Ứng dụng các công nghệ tiên tiến

Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án, công trình hồ chứa, đập thì các đơn vị, doanh nghiệp trong nước cũng cần nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ để bảo đảm an ninh nguồn nước. Hiện nay, nhiều công nghệ đang được ứng dụng trên cả nước như: Công nghệ khai thác, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng hệ thống giám sát và điều hành lũ; ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim để xây dựng công trình chắn sóng bảo vệ các đoạn đê biển; công nghệ đê trụ rỗng giảm sóng kết hợp gây bồi, tạo bãi; xây dựng bộ bản đồ rủi ro ngập lũ theo các kịch bản và các giải pháp nhằm giảm rủi ro thiên tai, lũ, ngập lụt ở các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi... Theo nghiên cứu từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực trên giúp tiết kiệm 20% lượng nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính.

Nhiều công nghệ mới cũng đang được các đơn vị, nhà khoa học nghiên cứu như: Công nghệ số trong điều tiết nguồn nước, giám sát bảo đảm an toàn hồ, đập, tăng tuổi thọ công trình, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý vận hành công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, vật liệu mới, thiết bị, xây dựng và quản lý an toàn hồ chứa, đập, đê sông, đê biển và công trình phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông thôn...

Các chuyên gia đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Đồng thời, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh nguồn nước và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước và công trình thủy lợi.

LA DUY

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.