Châu Âu chưa thống nhất trước đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ
Trong một bài viết đăng tải ngày 12-1, tờ Business Insider cho biết châu Âu đang bị chia rẽ trước một đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Hồi tuần trước, phát biểu với báo giới, ông Trump đã kêu gọi các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)/năm thay vì mục tiêu chi ít nhất 2% GDP/năm như hiện nay. Theo ông Trump, các nước châu Âu đang chi ít hơn cho quốc phòng và trông chờ vào sự bảo vệ của Mỹ.
Tờ Business Insider dẫn lời chuyên gia Nan Tian tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) nhấn mạnh 5% GDP/năm là con số cao hơn mức chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu trong NATO vào thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trước ông Trump, hồi cuối năm ngoái, Tổng thư ký NATO Mark Rutte từng tuyên bố đã đến lúc "chuyển sang tư duy thời chiến" và đến năm 2030, chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên NATO cần đạt 3% GDP/năm.
![]() |
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump kêu gọi các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP/năm. Ảnh: Getty Images |
Đến nay, phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ đã gây ra những phản ứng trái chiều tại châu Âu. Ba Lan đã “đánh tiếng” ủng hộ đề xuất nói trên khi Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết nước này có thể là cầu nối xuyên Đại Tây Dương “giữa thách thức do Tổng thống đắc cử Mỹ đề ra và việc thực hiện tại châu Âu”. Thủ tướng Estonia Kristen Michal khẳng định đề xuất của ông Trump phát đi thông điệp mà nước này đã ủng hộ suốt nhiều năm qua. Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Malmer Stenergard “chia sẻ quan điểm” lâu nay của Mỹ về việc các nước châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Litva Gitanas Nausėda kêu gọi các nước châu Âu “thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn” đối với chương trình nghị sự toàn cầu của Mỹ bằng việc tăng cường chia sẻ gánh nặng quốc phòng.
Trong khi đó, nghị sĩ Ralf Stegner thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Đức đánh giá đề xuất của ông Trump không khả thi; nêu rõ nếu chi 5% GDP/năm cho quốc phòng thì lấy đâu ra nguồn lực để giải quyết các vấn đề thực tế như đói nghèo, hủy hoại môi trường, di cư. Ông Marcus Faber, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức nhấn mạnh mọi mục tiêu mới về chi tiêu quốc phòng của NATO sẽ được quyết định và thông qua bằng sự đồng thuận chung, chứ không phải bởi một quốc gia thành viên. Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho rằng chi 5% GDP/năm cho quốc phòng là bất khả thi với hầu hết các quốc gia trên thế giới vào thời điểm hiện nay.
Theo AFP, Tổng thống đắc cử Donald Trump từ lâu đã tỏ ra hoài nghi về NATO. Hồi cuối năm ngoái, ông Trump từng nhắc lại lời cảnh báo quen thuộc về việc đưa Mỹ rời khỏi NATO nếu các nước thành viên không tăng chi tiêu cho quốc phòng. Bloomberg dẫn đánh giá mới nhất của NATO cho biết trong năm 2024, có 23 trong tổng số 32 nước thành viên của khối dự kiến chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng-vốn là mục tiêu mà liên minh quân sự đề ra từ năm 2006-so với con số chỉ có 3 nước thành viên đạt được mục tiêu hồi năm 2014.
Theo tờ Business Insider, trong NATO, các quốc gia thành viên được xem là chi cho quốc phòng “tiệm cận” con số 5% GDP/năm như ông Trump đề xuất hiện nay chỉ có Ba Lan (hơn 4% GDP/năm), Estonia (3,43% GDP/năm), Mỹ (3,38% GDP/năm). “Chi 5% GDP/năm cho quốc phòng là con số mà không một nước thành viên NATO nào hiện có thể đạt được, kể cả Mỹ. Giới chức nhiều nước thành viên NATO nhất trí rằng cần tăng thêm chi tiêu quốc phòng nhưng không ủng hộ con số 5% GDP/năm, vốn được các nhà phân tích xem là không khả thi về mặt chính trị và kinh tế đối với hầu như tất cả các nước thành viên. Chi 5% GDP/năm cho quốc phòng sẽ đòi hỏi phải bổ sung thêm hàng trăm tỷ USD”, Reuters khẳng định.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.