Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo phát biểu tại cuộc họp ngày 3-3. Ảnh: Yonhap |
Cuộc tuần hành do Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), hội nghề nghiệp lớn nhất của các bác sĩ ở Hàn Quốc tổ chức. Kể từ ngày 20-2 vừa qua, hơn 9.500 bác sĩ trên khắp Hàn Quốc đã đồng loạt đình công để phản đối kế hoạch của chính phủ, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng cho hệ thống y tế tại xứ sở kim chi, nhất là tại một số bệnh viện đa khoa tuyến trên. Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành lệnh triệu tập các bác sĩ nói trên quay trở lại làm việc trước thời hạn chót là ngày 29-2, nếu không họ có thể bị truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi thời hạn chót đã qua, chỉ có khoảng 6% trong số hơn 9.500 bác sĩ đình công quay trở lại làm việc. Tới ngày 1-3, cảnh sát Hàn Quốc đã tiến hành khám xét trụ sở và nhà riêng của giới chức KMA với cáo buộc những người này xúi giục và tiếp tay cho hành động đình công tập thể của các bác sĩ.
Ngày 3-3, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo “mọi hành vi bất hợp pháp sẽ bị xử lý không khoan nhượng” sau khi xuất hiện các thông tin trên internet rằng một số bác sĩ tìm cách lôi kéo các trình dược viên tham gia cuộc tuần hành chiều 3-3. Phát biểu trên kênh truyền hình KBS cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min tiếp tục kêu gọi các bác sĩ tham gia đình công quay trở lại làm việc, khẳng định họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm nếu quay trở lại bệnh viện. Theo Yonhap, nếu không tuân thủ, các bác sĩ tham gia đình công có thể bị đình chỉ giấy phép hành nghề lên tới một năm, hoặc đối mặt với mức phạt 30 triệu won (hơn 22.400 USD), thậm chí là 3 năm tù giam.
Tờ The Korea Herald cho biết, kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 sinh viên/năm bắt đầu từ năm 2025, được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ so với quy mô dân số thấp nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Năm 2023, tỷ lệ bác sĩ/1.000 dân của Hàn Quốc là 2,2, thấp hơn mức trung bình của OECD là 3,7. Chính phủ Hàn Quốc dự báo nước này sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035-thời điểm người cao tuổi dự kiến chiếm 30% dân số cả nước.
Trái với quan điểm của chính phủ, các bác sĩ Hàn Quốc tham gia đình công cho rằng nước này không cần thêm bác sĩ. Lập luận được đưa ra là dân số Hàn Quốc đang giảm và người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Số liệu năm 2020 cho thấy, mỗi người dân Hàn Quốc điều trị ngoại trú trung bình 14,7 lần/năm, cao hơn mức trung bình của OECD là 5,9 lần/năm. Các bác sĩ kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc tìm giải pháp "phân bổ tốt hơn" nhân lực cho các khoa quan trọng tại bệnh viện nhưng "kém hấp dẫn" như nhi, sản phụ khoa. Nhiều bác sĩ không mặn mà với các khoa này bởi vì dịch vụ mà họ cung cấp thường có chi phí thấp hơn các khoa "hấp dẫn" như phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu-nơi mà viện phí do các bác sĩ đưa ra, thay vì được bảo hiểm y tế quy định. Các bác sĩ cho rằng kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y không giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ở các khoa quan trọng nhưng "kém hấp dẫn" mà chỉ làm gia tăng cạnh tranh tại các khoa "hấp dẫn".
HOÀNG VŨ