Cuộc đua tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát
Thế giới đang chứng kiến cuộc đua tăng lãi suất giữa các nền kinh tế lớn trong bối cảnh nhiều nhà hoạch định chính sách coi chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu, bất chấp những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo AFP, ngày 23-3, ngân hàng trung ương các nước Thụy Sĩ, Na Uy đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất của nước này lên 1,5%. Giới chức kinh tế Thụy Sĩ nhận định SNB đang thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất của quốc gia châu Âu này lên 3% sau khi các nhà hoạch định chính sách Na Uy kết luận rằng mức lãi suất cao là cần thiết để kiềm chế lạm phát.
Quyết định của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và Na Uy được đưa ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%). Theo đó, lãi suất tại Mỹ hiện vào khoảng 4,75-5%. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 9-2007. Theo CNN, trong buổi họp báo sau quyết định nâng lãi suất, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng cơ quan này đã cân nhắc việc tạm dừng tăng lãi suất, nhưng nhận thấy cần phải tăng thêm khi dữ liệu cho thấy lạm phát nóng hơn dự kiến. “Chúng tôi phải đưa lạm phát về 2%. Quá trình này sẽ phải trả giá. Nhưng nếu không ghìm được lạm phát, cái giá đó sẽ đắt đỏ hơn nhiều”, ông Powell nhấn mạnh. Sau các đợt tăng lãi suất cơ bản liên tiếp, lạm phát ở Mỹ đã giảm. Tuy nhiên, lạm phát hiện vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của FED là 2%, bất chấp chiến dịch thắt chặt tiền tệ được triển khai quyết liệt với việc đưa lãi suất lên đến mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại Mỹ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE)-thước đo lạm phát ưa thích của FED đã tăng 5,4% trong tháng 1-2023 so với cùng kỳ một năm trước đó. Theo CNN, nhiệm vụ của FED trong cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn nhiều trong thời gian gần đây sau sự sụp đổ của một số ngân hàng.
![]() |
Người tiêu dùng châu Âu đang đối mặt với tình trạng giá cả thực phẩm tăng cao. Ảnh: Bloomberg |
Giới chuyên gia dự báo, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng sẽ tăng lãi suất trong bối cảnh nước này phải đối mặt với lạm phát cao dai dẳng. Lãi suất của BoE hiện đã ở mức cao 4%. Theo Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại City Index, mức lạm phát nêu trên dẫn tới nhiều khả năng BoE sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp của BoE kể từ cuối năm 2021.
Sau các vụ sụp đổ của hai ngân hàng ở Mỹ là Silicon Valley (SVB) và Signature (SB), tiếp đến là vụ cổ phiếu ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ trượt giá thê thảm buộc SNB phải vào cuộc để giải cứu, giới quan sát đều tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ có thể tạm dừng chính sách tăng lãi suất. Bởi lẽ, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ trong thời gian qua có một phần nguyên nhân từ các đợt tăng lãi suất dồn dập của FED. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn chưa giảm là vấn đề chính buộc các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất.
Trước những lo ngại về việc lãi suất tăng ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức) Joachim Nagel nhận định hệ thống tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã phục hồi sau một tuần biến động vừa qua. Trong khi đó, FED khẳng định hệ thống ngân hàng Mỹ hoạt động tốt và kiên cường.
Trong bối cảnh Mỹ và các nền kinh tế lớn thắt chặt tiền tệ, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cảnh báo về nguy cơ thêm nhiều bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu tại cuộc họp khẩn về tình hình kinh tế vĩ mô. Theo Yonhap, ông Choo Kyung-ho lưu ý, Chính phủ Hàn Quốc và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) sẽ duy trì hệ thống giám sát thị trường 24/24 giờ với các dữ liệu thời gian thực và sẽ kiểm tra chặt chẽ “sức khỏe” của hệ thống tài chính nước này cùng các công ty liên quan, đồng thời cam kết nhanh chóng bình ổn thị trường bằng mọi biện pháp nếu cần thiết.
LÂM ANH
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.