“Đánh thức” di sản, lễ hội truyền thống
Từ ngày 1-12-2022, TP Hồ Chí Minh triển khai các chương trình, hoạt động đón chào năm mới với chủ đề "TP Hồ Chí Minh-Xuân an vui, Xuân thịnh vượng”.
Chuỗi chương trình văn hóa-nghệ thuật đậm sắc màu, thanh âm lễ hội diễn ra đến hết Tết Nguyên đán Quý Mão, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí của người dân, là hình thức, giải pháp kích cầu du lịch, xúc tiến đầu tư...
Rộn ràng sắc âm lễ hội
Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, chuỗi chương trình đón chào năm mới 2023 và đón Tết Nguyên đán Quý Mão bao gồm 19 sự kiện, hoạt động chính. Các hoạt động diễn ra trên không gian mở, tập trung ở khu vực trung tâm thành phố và các địa điểm văn hóa, du lịch ở các quận, huyện. Cùng với đó là hàng loạt sự kiện, hoạt động tương tác. Sắc màu, thanh âm chủ đạo là lễ hội, các hoạt động văn hóa-nghệ thuật truyền thống, liên hoan, hội chợ ẩm thực, tuần văn hóa, giao lưu nghệ thuật truyền thống các dân tộc, vùng, miền... Sự kiện thu hút sự quan tâm của người dân là đường hoa Nguyễn Huệ, năm nay được tổ chức quy mô, hiện đại, phong phú. Trải qua 20 năm, mô hình đường hoa đã trở thành một sản phẩm văn hóa không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về, là sản phẩm du lịch mang thương hiệu Thành phố mang tên Bác.
Biểu diễn trống trong Lễ hội nhạc kèn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. |
Có thể thấy, các sự kiện, hoạt động lễ hội ở TP Hồ Chí Minh diễn ra liên tục trong thời gian này đều được chuẩn bị, tổ chức chu đáo, với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Những lễ hội như: “TP Hồ Chí Minh-Ngôi nhà của chúng ta”, “Lễ hội nhạc kèn”, “Tuần văn hóa Lai Châu tại TP Hồ Chí Minh”, “Lễ hội âm nhạc quốc tế TP Hồ Chí Minh, chủ đề hò dô 2022”, “Lễ hội khinh khí cầu”, “Liên hoan hát bội”, “Lễ hội ẩm thực Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh xưa và nay”, “Tuần lễ du lịch bừng sắc lễ hội-Thỏa sức khám phá”... đã và đang diễn ra là những điểm nhấn đặc sắc. Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay: "Các lễ hội chào đón năm mới 2023 diễn ra mang tính liên tục, tiếp nối, như là lời chào đón du khách gần xa đến với TP Hồ Chí Minh để được khám phá, trải nghiệm sức sống của một đô thị hiện đại, năng động, đa sắc màu, thân thiện, hứng khởi, nghĩa tình... Không khí lễ hội rộn ràng ấy cũng là lời khẳng định, TP Hồ Chí Minh đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, là điểm đến, môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn của du khách và các doanh nghiệp".
Động lực từ di sản văn hóa và lễ hội truyền thống
Cảm nhận về không khí lễ hội, sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú, hấp dẫn của TP Hồ Chí Minh giai đoạn này, nhiều du khách bày tỏ sự thích thú, hào hứng. Chị Phan Thị Bích Hậu, đến từ quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội bày tỏ: “Miền Bắc bước vào mùa đông giá rét. Tôi vào TP Hồ Chí Minh tận hưởng không khí nắng ấm. Thật tuyệt vời khi được hòa mình vào không khí lễ hội với những sắc màu văn hóa phong phú, hiện đại, được thưởng thức ẩm thực đặc trưng hương vị Nam Bộ. Tôi rất thích các món nướng mang phong cách khẩn hoang”.
Sức hấp dẫn của không khí, không gian lễ hội đã trở thành động lực kích cầu du lịch mạnh mẽ. Báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 11 tháng của năm 2022, thành phố đã đón hơn 3,1 triệu lượt khách quốc tế, đạt hơn 90% kế hoạch năm 2022, dự kiến hết năm sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra. Lượng khách nội địa đến thành phố đạt gần 28 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 12%. Tổng thu du lịch 11 tháng năm 2022 gần 118 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với kế hoạch năm 2022. Đó là những con số rất lạc quan. Dự kiến trong dịp đón năm mới Quý Mão 2023, lượng du khách đến TP Hồ Chí Minh sẽ tăng vọt.
Theo một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, bầu không khí lễ hội của TP Hồ Chí Minh bên cạnh sắc thái hiện đại, cần quan tâm đầu tư phát triển hơn nữa về chiều sâu. Trong dịp đón xuân mới, cần sớm có phương án giới thiệu, quảng bá các lễ hội truyền thống đặc sắc. TP Hồ Chí Minh có nhiều lễ hội truyền thống, song đến thời điểm hiện tại, có 3 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội nghinh Ông ở huyện Cần Giờ (được công nhận năm 2013), Lễ hội Nguyên tiêu ở quận 5 (được công nhận năm 2019) và Lễ hội Khai hạ-Cầu an tại Lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt (được công nhận năm 1998). Những lễ hội này, về phần “lễ” đã được khôi phục, tổ chức rất bài bản. Nhưng phần “hội” thì chưa được quảng bá, khai thác xứng tầm. Đây là những vốn quý cần được đánh thức mạnh mẽ để trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Song song với đó, hệ thống di tích, là di sản văn hóa vật thể cũng cần được khai thác, quảng bá mạnh mẽ để tạo điểm nhấn, động lực cho lễ hội.
TP Hồ Chí Minh là đô thị năng động, sáng tạo bậc nhất cả nước, là đầu tàu về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ trước đến nay, lượng du khách đến thành phố đa số như là một “trạm dừng chân” trung chuyển. Khách đến lưu trú, tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng... chưa nhiều. Thành phố đang nỗ lực khai thác thế mạnh của lễ hội, ẩm thực, đầu tư cho các điểm tham quan, giải trí... để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch níu chân du khách lưu trú dài ngày, xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bền vững, ổn định.
Bài và ảnh: QUỲNH NGA - KIM SÁNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.