• Click để copy

Dấu ấn hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ở Tuần phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức

Xúc động thật sự! Nhiều bộ phim giàu tính nhân văn! Xem xong cả cả rạp không ai bảo ai tất cả đều vỗ tay đồng loạt!… Đó là những dòng cảm xúc của khán giả khi xem những bộ phim được trình chiếu tại Tuần phim kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2022), do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức.

Tuần phim đã kết thúc vào tối 21-12 nhưng dư âm của các tác phẩm điện ảnh được trình chiếu mãi để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem. Nhân dịp này, Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về sự kiện đặc biệt lần đầu tiên Điện ảnh Quân đội nhân dân chủ trì tổ chức.

Dấu ấn hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ở Tuần phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức

Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những điểm đặc sắc của Tuần phim kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2022) do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Tuần phim là sự kiện đặc biệt trong năm 2022 của Điện ảnh Quân đội nhân dân nhằm chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2022).

Đây là lần đầu tiên Điện ảnh Quân đội nhân dân chủ trì tổ chức hoạt động này nhưng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, động viên của các bộ, ban, ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Viện Phim Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Hà Nội, các cơ quan chức năng, đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các nghệ sĩ, phóng viên, cùng đông đảo khán giả trong và ngoài Quân đội.

Tuần phim tập hợp các bộ phim truyện được đầu tư quy mô, công phu, hoành tráng về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến trong khoảng gần 20 năm trở lại đây. 7 bộ phim: “Người trở về”, “Bình minh đỏ”, “Đừng đốt”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy”, “Lính chiến” của các đạo diễn, nghệ sĩ có tên tuổi trong giới điện ảnh, là các tác phẩm đã được khẳng định về chất lượng nội dung và nghệ thuật qua những giải thưởng cao quý của các kỳ liên hoan phim.

PV: Các tác phẩm được trình chiếu trong Tuần phim hướng tới đề tài trung tâm là chiến tranh cách mạng và hậu chiến, đồng chí có thể cho biết hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được khắc họa rõ nét, đẹp và sống động ra sao trong những thước phim này?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời chiến và thời bình luôn là đề tài gợi nên những xúc cảm mạnh mẽ đối với văn hóa, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điện ảnh nói riêng. Mặc dù cùng chung một đề tài thể hiện về hình tượng người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ nhưng 7 bộ phim là 7 câu chuyện, 7 màu sắc sinh động, hấp dẫn.

Ở “Lính chiến” là câu chuyện về những người lính bước ra từ chiến trường, dù ở vào những hoàn cảnh, cương vị khác nhau nhưng nhờ có phẩm chất chính trực, cao thượng, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao cả của người lính nên họ đã tìm được tiếng nói chung. Hay như câu chuyện về những người lính trẻ Hà Nội theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành để tham gia vào cuộc chiến đấu gay go, khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong “Mùi cỏ cháy”.

Câu chuyện bi tráng trong “Những người viết huyền thoại” xoay quanh việc lắp đặt đường ống dẫn dầu xuyên dãy Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1969), rất nhiều người con anh dũng đã ngã xuống, máu của họ hòa vào đất, vào nước để đường ống dẫn dầu được hoàn thành, đưa những đoàn quân ra trận.

“Truyền thuyết về Quán Tiên” lại thể hiện một góc nhìn khác về những cô gái thanh niên xung phong đẹp như hoa rừng, ngoài việc mở đường, lấp hố bom, bắc cầu cho xe ra tiền tuyến, họ cũng có khát vọng tình yêu đôi lứa với những giằng xé cảm xúc, khát khao được yêu thương.

“Đừng đốt” tái hiện lại tâm hồn, tình cảm trong sáng, cao đẹp của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm thông qua cuốn nhật ký, qua hồi ức của những người đồng đội và mẹ của cô. “Bình minh đỏ” kể về số phận và phần nào những gian nan, nguy hiểm mà các cô gái trẻ của tiểu đội lái xe chiến trường phải đối mặt, vượt qua.

“Người trở về” là câu chuyện cảm động về những bất hạnh mà người phụ nữ ở miền Bắc Việt Nam sau giải phóng năm 1975 phải chịu đựng. Chiến tranh đã không chỉ để lại những vết thương thể xác cho người lính, mà còn làm thay đổi số phận, gây ra những trái ngang, đau khổ cho rất nhiều người.

Dấu ấn hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ở Tuần phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức

 Đông đảo khán giả xem phim.

PV: Thông qua tuần phim, những nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân muốn lan truyền thông điệp gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Các bộ phim được công chiếu trong Tuần phim mang những thông điệp sâu sắc nhắn gửi đến thế hệ ngày hôm nay đang được sống, học tập, lao động trong một đất nước thống nhất, hòa bình và phát triển. Chúng ta hiểu rằng, hạnh phúc ngày nay có được nhờ sự cống hiến, hy sinh của bao thế hệ cha anh trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nguyện sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, đoàn kết xây dựng đất nước trong thời đại mới.

Cùng với những tác phẩm điện ảnh được đầu tư công phu, ngôn ngữ điện ảnh sinh động, đậm chất nghệ thuật, Điện ảnh Quân đội nhân dân mong muốn Tuần phim đem tới cho khán giả những cảm xúc đẹp về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc để giành độc lập, hòa bình, thống nhất cho đất nước. Qua đó, chúng ta cũng nhận thức rằng, việc đầu tư, xây dựng các tác phẩm điện ảnh có giá trị nội dung và nghệ thuật cao về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay luôn thực sự cần thiết và có giá trị lớn.

Với Tuần phim kỷ niệm này, Điện ảnh Quân đội nhân dân xin đóng góp một hoạt động nhỏ trong không khí chào mừng sự kiện kỷ niệm quan trọng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Dấu ấn hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ở Tuần phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức

Các đại biểu và Ban tổ chức tại buổi khai mạc Tuần phim. 

PV: Theo đồng chí, việc đầu tư, xây dựng các tác phẩm điện ảnh có giá trị nội dung và nghệ thuật cao về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, cần thiết và có giá trị lớn như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Trước tiên, phải khẳng định rằng, việc đầu tư thực hiện các tác phẩm điện ảnh có giá trị cao về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là luôn cần thiết trong các giai đoạn lịch sử. Qua các cuộc kháng chiến, các bộ phim điện ảnh đã hoàn thành sứ mệnh khắc họa hình tượng người lính đậm chất anh hùng cách mạng với khát vọng giành độc lập, hoà bình, thống nhất cho đất nước; góp phần cổ vũ ý chí chiến đấu của toàn dân tộc.

Thời kỳ xây dựng đất nước, nhiều tác phẩm điện ảnh về người lính đã góp phần phản ánh những trăn trở, khát vọng của người chiến sĩ, xã hội và nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Ngày nay, đất nước ta bước vào thế kỷ 21 với nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thử thách như vấn đề về chủ quyền biên giới, biển, đảo, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cứu hộ nhân dân, xây dựng kinh tế đất nước. Người lính hôm nay gánh vác sứ mệnh mới, đối mặt với những vấn đề mới, luôn chiến đấu và hy sinh vì nhân dân, trên nhiều mặt trận. Vì vậy rất cần những tác phẩm điện ảnh được đầu tư phản ánh hình tượng người lính trong những “cuộc chiến đấu” nói trên.

Dấu ấn hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ở Tuần phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức

Cảnh trong phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh tham dự Tuần phim

Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là một đề tài khó. Khó về kinh phí và khó cả về con người. Về kinh phí, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật cho phim về đề tài chiến tranh hầu như cần có sự đầu tư lớn, rất lớn. Về con người, thế hệ những nhà làm phim được kinh qua chiến tranh, có vốn sống, kiến thức lịch sử dần khuất bóng. Đội ngũ những nghệ sĩ trẻ có khả năng, có trình độ và sự đam mê với đề tài này còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, không phải thấy khó thì chúng ta không làm, ngại khó thì chúng ta sẽ không làm được. Điện ảnh Quân đội nhân dân luôn xác định, làm phim về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng nhằm thể hiện sự tri ân, tôn vinh lịch sử vẻ vang, truyền thống trung với Đảng, hiếu với dân, vì nhân dân quên mình của Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước qua các giai đoạn lịch sử và trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập. Qua đó, các bộ phim cũng nhằm hướng đến mục đích tuyên truyền. Tuyên truyền về vị thế của đất nước, giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.

Dấu ấn hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ở Tuần phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức

 Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân tặng hoa các đạo diễn có phim tham dự.

PV: Tuần phim đã thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài quân đội, cảm nhận của đồng chí ra sao về hoạt động ý nghĩa này?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Cá nhân tôi cũng như tập thể Điện ảnh Quân đội nhân dân xin được trân trọng cảm ơn sự ủng hộ, theo dõi của tất cả quý vị khán giả, khách quý đối với Tuần phim. Lượng khán giả xem phim qua 7 buổi chiếu cho thấy khán giả vẫn luôn dành sự quan tâm, ưu ái rất nhiều với đề tài người lính. Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực về các bộ phim của các khán giả. Đây là niềm vinh dự, là động lực để các nhà làm phim tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật điện ảnh công phu, có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Điện ảnh Quân đội nhân dân nói riêng và điện ảnh nước nhà nói chung sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, cổ vũ, động viên của tất cả quý vị khán giả. Chúng tôi cũng rất mong sẽ tiếp tục được tổ chức thêm nhiều Tuần phim kỷ niệm các sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhận được sự hưởng ứng của công chúng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Bài liên quan

Tin mới

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội 8 tháng đầu năm tăng hơn 13%
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội 8 tháng đầu năm tăng hơn 13%

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Lùi thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI
Lùi thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI

Trước tình hình mưa, lũ còn diễn biến rất phức tạp, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) thống nhất lùi thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận sang tháng 12/2024.

Đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ
Đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Công văn số 3064/UBND-KTN ngày 16/9/2024 về việc đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ.

Hàng không mở bán vé máy bay Tết sớm phục vụ người dân
Hàng không mở bán vé máy bay Tết sớm phục vụ người dân

Đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Ất Tỵ 2025, các hãng hàng không Việt Nam đồng loạt mở bán vé Tết; theo đó, Vietnam Airlines Group mở bán gần 1,5 triệu chỗ, Vietjet mở bán 2,6 triệu chỗ.

Kiểm soát giấy tờ đi tàu bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh.
Kiểm soát giấy tờ đi tàu bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh.

Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) tiếp tục có văn bản gửi các Hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam về kiểm soát giấy tờ đi tàu bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh.

Hà Nội: Còn 26 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp
Hà Nội: Còn 26 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hầu hết các trường trên địa bàn TP Hà Nội đã đón học sinh trở lại trường học tập bình thường.