Đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghiệp văn hóa
Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.
Trong các nhóm giải pháp, đẩy mạnh nguồn nhân lực đang là đòi hỏi cấp thiết. Tháo gỡ điểm nghẽn này sẽ khai mở một nguồn lực quan trọng, tạo sức bật cho CNVH phát triển.
Đông nhưng không tinh
Do chậm chạp thực hiện công tác thống kê và 12 lĩnh vực CNVH lại do nhiều bộ quản lý nên khó có con số sát thực tế về nhân lực. Ước tính nhân lực các ngành CNVH phải lên tới hàng triệu người. Chẳng hạn, có khoảng 430.000 lập trình viên, hoàn toàn có thể gia nhập lĩnh vực phần mềm và các trò chơi giải trí; nhân lực ở nông thôn tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại hơn 2.000 làng nghề có thể hơn 1 triệu người...
Nhân lực CNVH cơ bản chia làm 3 nhóm: Nhân lực quản lý, nhân lực sáng tạo và nhân lực sản xuất, kinh doanh. Nhân lực quản lý là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ngành văn hóa và các ngành liên quan giúp tham mưu, tư vấn, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cho Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương xây dựng, ban hành và thực thi hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách. Ước tính có khoảng 12.000 người. Nguồn nhân lực sáng tạo là đội ngũ nòng cốt của các ngành CNVH, có thành phần rất phong phú, đa dạng từ nhiều tầng lớp, ngành nghề khác nhau, tuy nhiên tập trung nhất vẫn là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nghệ nhân dân gian. Chỉ tính riêng các hội viên hội văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương vào khoảng 42.000 người. Nguồn nhân lực sản xuất, kinh doanh chủ yếu là tầng lớp doanh nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, hợp tác xã... Có nhiều trường hợp vừa là văn nghệ sĩ, nghệ nhân đồng thời tham gia sản xuất, kinh doanh nên con số thực tế chưa thể thống kê đầy đủ, rõ ràng.
Sinh viên Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh thực hàng sáng tạo. Ảnh do nhà trường cung cấp. |
Tại Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, từ thực tiễn các địa phương cũng như từ kết quả nhiều nghiên cứu chuyên sâu, các đại biểu đều cho rằng: Nhân lực CNVH dồi dào về số lượng nhưng chất lượng chưa bảo đảm để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường và hội nhập quốc tế. Cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực, sự phân bố theo vùng, miền, địa phương chưa phù hợp với yêu cầu phát triển CNVH. Đơn cử như đội ngũ lãnh đạo, quản lý về CNVH đang thiếu trầm trọng, cá biệt nhận thức về CNVH còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Không ít địa phương gửi báo cáo tình hình phát triển CNVH “khoe” thành tích đoàn nghệ thuật ở địa phương năm qua giành được huy chương, trong khi nội dung liên quan đến CNVH như dàn dựng bao nhiêu sản phẩm mới, biểu diễn có được bao nhiêu doanh thu thì không hề đề cập.
Đáng lo ngại là cái gốc đào tạo văn hóa, nghệ thuật cho ra đời nhiều nghệ sĩ có chuyên môn nghề nghiệp vững chắc nhưng thiếu kỹ năng quản lý, kinh doanh cũng như năng lực thích ứng trong môi trường cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường. Năng lực sáng tạo những chương trình mới, có sức lan tỏa, biết huy động vốn xã hội hóa còn nhiều hạn chế; chưa thúc đẩy các ngành CNVH đi lên.
GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Suy cho cùng, con người là yếu tố quyết định trong phát triển CNVH, từ việc ban hành và thực hiện thể chế, chính sách, cũng như sáng tạo sản phẩm CNVH. Do vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được đẩy mạnh, sát với nhu cầu thực tế”.
Những tín hiệu khởi sắc
Hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (25 cơ sở đào tạo do địa phương quản lý), 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập, tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Bước đầu đã có sự đổi mới về tư duy, nhận thức đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển của CNVH. Trước đây, ở khối các trường văn hóa chỉ đào tạo quản lý văn hóa làm công tác văn hóa quần chúng. Một số cơ sở đào tạo đã đổi mới chương trình giảng dạy theo hướng liên ngành, tích hợp, mở thêm các chuyên ngành mới, như: Tổ chức sự kiện văn hóa và giải trí, chính sách văn hóa và quản lý nghệ thuật... ThS Nguyễn Khánh Ngọc, Phó trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: “Nội dung chương trình đào tạo giúp sinh viên bước đầu làm quen với việc xây dựng nội dung chương trình văn hóa, nghệ thuật, marketing và quảng cáo, gây quỹ tài trợ... Sinh viên sau khi tốt nghiệp nếu trở thành cán bộ, công chức làm văn hóa được trang bị trình độ lý luận và nắm bắt tốt thực tiễn, có năng lực để triển khai thực hiện công tác tham mưu chính sách, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Nếu chọn hướng đi kinh doanh văn hóa sẽ phát huy được năng lực tổ chức sự kiện, đào tạo hạt nhân văn hóa-văn nghệ”.
Ảnh minh họa. |
Tìm hiểu các cơ sở đào tạo như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội... đã có sự thay đổi lớn ở đội ngũ giảng viên. Đa phần các giảng viên đều là những người được đào tạo ở nước ngoài, nắm bắt xu thế phát triển tiên tiến của CNVH. Quan trọng nhất, họ đều là những người có khả năng sáng tạo văn nghệ, không đơn thuần giảng dạy lý thuyết “chay”. Khi người thầy đã có kinh nghiệm đưa sản phẩm văn hóa ra thị trường thành công, mới có trải nghiệm thực tế truyền đạt cho sinh viên. Dự án “Sợi kết nối” (năm 2022) của sinh viên Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chúng tôi được biết sinh viên không dừng lại ở việc sáng tạo những bức tranh, gom góp lại gửi đến triển lãm. Sinh viên phải tự lên phương án tổ chức triển lãm, giao lưu tọa đàm, liên kết tác phẩm của mình với nghề làm lụa truyền thống thành một chủ đề... Vì thế, tuy chỉ là triển lãm tốt nghiệp của sinh viên nhưng rất chuyên nghiệp và có chiều sâu. Những sinh viên này sau khi ra trường trở thành họa sĩ, đồng thời có thể rẽ sang con đường làm giám tuyển, kinh doanh các sản phẩm mỹ thuật.
Tín hiệu khởi sắc khác đó là mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ngày càng gắn kết chặt chẽ; sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết sinh viên theo học ngành quản lý, biểu diễn, tổ chức sự kiện văn hóa-văn nghệ hiện nay đều được gửi đi thực tế, thực tập tham quan, tìm hiểu ở các doanh nghiệp văn hóa. Điều này giúp sinh viên hiểu được cần trang bị kiến thức, kỹ năng nào thực sự cần thiết. Bản thân doanh nghiệp cũng không mất thời gian, công sức tái đào tạo nhân lực được tuyển dụng.
Xu hướng trong đào tạo các lĩnh vực CNVH mũi nhọn trên thế giới là cần có sự chuyên môn hóa cao. Như lĩnh vực điện ảnh, đào tạo diễn viên chỉ chú trọng diễn xuất thật thăng hoa; ít khi chuyên sâu diễn viên biết cả quản lý dự án phim. Theo TS Trần Thị Thủy, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Với các lĩnh vực CNVH không phải là mũi nhọn, có thể đào tạo người sáng tạo có năng lực kinh doanh theo mô hình kinh doanh cá nhân nhỏ và vừa. Kinh nghiệm ở các quốc gia đi đầu về CNVH, đào tạo theo triết lý chuyên môn hóa mới có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để CNVH mang về siêu lợi nhuận. Một số ngành chuyên môn hóa cao mà trong nước chưa mở chuyên ngành đào tạo hoặc chất lượng chưa đáp ứng thì cần sớm có chính sách linh hoạt hỗ trợ tài năng sáng tạo, kinh doanh cử đi du học theo phương châm “đi tắt đón đầu”.
Việc đào tạo nhân lực CNVH cần kết hợp dài hạn với ngắn hạn. Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu: Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ văn hóa cơ sở; truyền đạt kinh nghiệm để người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo có thể phát triển du lịch văn hóa...
CNVH là lĩnh vực mới mẻ, mới bước đầu phát triển ở nước ta. Kinh nghiệm, công nghệ, nguồn vốn có thể học tập, huy động, tìm kiếm hỗ trợ từ nước ngoài, song để sáng tạo sản phẩm CNVH mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, phù hợp với con người Việt Nam thì cần đội ngũ nhân lực lành nghề, chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực CNVH một cách đa dạng, linh hoạt là điều cần kiên quyết, kiên trì thực hiện trong thời gian tới.
TRẦN HOÀNG HOÀNG
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.