Để Hội An thực sự trở thành "Thành phố sáng tạo"
Tháng 10-2023, TP Hội An (Quảng Nam) chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây cơ hội để TP Hội An phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển.
Sáng tạo từ giá trị bản địa
Những năm qua, thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội; đồng thời cũng là lĩnh vực được chính quyền TP Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả. Hiện nay, TP Hội An có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công hoạt động sôi nổi, như: Nghề mộc, nghề gốm, làm đèn lồng, may mặc, làm đồ da... Trong đó, có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề đang làm hồ sơ đề nghị công nhận. Tại đô thị cổ Hội An hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian; ước tính khoảng 4.000 lao động trực tiếp có thu nhập trung bình từ 80 triệu đến 100 triệu đồng/năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.
Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình TP Hội An: Tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO là quá trình Hội An thể hiện cam kết phát triển bền vững trên nền tảng tài nguyên bản địa. Tất cả hoạt động liên quan đến thủ công và nghệ thuật dân gian đều phải có tính tương tác, nếu tách rời khỏi cộng đồng thì tài nguyên, di sản văn hóa ở Hội An sẽ bị đứt gãy... Đây chính là điều Hội An cho thấy mình vượt trội so với các vùng đất khác cũng như thể hiện được mối quan hệ tương hỗ, đa chiều với các giá trị di sản khác.
Các nghệ nhân TP Hội An trong nghề chế tác mộc. |
Trò chuyện với anh Lê Ngọc Thuận (trú tại phường Cẩm An, TP Hội An), chúng tôi được biết, gia đình anh phát triển nghề mộc, sáng tạo củi lũ (bè, thân gỗ, củi bị cuốn theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về xuôi) thành các sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Mỗi sản phẩm nghệ thuật được anh Thuận tạo ra mang theo những thông điệp, những câu chuyện ý nghĩa về việc giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng... Hiện tại, khu chế tác mộc mang tên Làng củi lũ tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An của anh Thuận là không gian trưng bày và trải nghiệm điêu khắc từ củi lũ thu hút sự quan tâm của du khách... Điều đáng nói, khu chế tác mộc của anh Thuận đến nay quy tụ hàng chục thợ lành nghề, tạo việc làm cho con em địa phương. Anh Lê Ngọc Thuận cho biết: “Việc TP Hội An được công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian là động lực để cộng đồng các nghệ sĩ, thợ thủ công, nhà điêu khắc và những người sáng tạo có thêm niềm tin, cảm hứng trong sáng tác. Nếu như trước đây chúng tôi hoạt động độc lập, tự tìm đến sự đồng cảm của người dân và du khách thì đây là cơ hội để chúng tôi có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền”.
Nhiều việc phải làm
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An: Chính quyền và nhân dân thành phố rất vinh dự, tự hào khi Hội An trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này nhằm thúc đẩy TP Hội An phát triển, vấn đề được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm nhất là làm thế nào phát huy được sức mạnh của toàn dân. Danh hiệu “Thành phố sáng tạo” đặt ra vấn đề phải tạo kế sinh nhai cho cộng đồng, nghĩa là bản thân văn hóa phải tham gia vào đời sống kinh tế nhiều hơn, đem lại nguồn thu nhập, mức sống cho người dân chứ không chỉ dừng lại ở việc phát huy giá trị di sản. Nếu như trước đây, người dân hiểu văn hóa của thành phố tập trung vào việc chắt lọc, giữ gìn và phát huy giá trị di sản thì bây giờ “Thành phố sáng tạo” sẽ tham dự vào đời sống của người dân, trở thành nguồn lực, động lực, mục tiêu... để họ hướng đến sự sáng tạo, khởi nghiệp và đổi mới, đặc biệt là trách nhiệm của mọi người, trách nhiệm của thế hệ đương đại ngày hôm nay.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lanh, đúng như tiêu chí Thành phố sáng tạo của UNESCO, việc sáng tạo không chỉ có các tầng lớp tinh hoa, nghệ sĩ, kỹ sư, nghệ nhân, thợ giỏi... phương châm của Hội An là ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, trong đó, phải ưu tiên những người yếu thế, những người không có cơ hội tiếp cận đa chiều về tiện ích của xã hội, những người khuyết tật... và sáng tạo sẽ trở thành phẩm chất, khát vọng, cảm hứng của mỗi người. Chính những tầng lớp tinh hoa có khả năng, trình độ chuyên môn, những thợ giỏi phải dẫn dắt, định hướng sáng tạo cho các lực lượng khác.
Ngoài công tác tuyên truyền, thời gian tới, Hội An sẽ làm tốt hơn nữa công tác thống kê, rà soát những giá trị sáng tạo của thành phố, đặc biệt là thống kê lại các nhóm sáng tạo, nguồn lực sáng tạo, giá trị sáng tạo, sản phẩm sáng tạo...; đồng thời, đưa ra chương trình kế hoạch và quy hoạch tổng thể cho “Thành phố sáng tạo”. Mặt khác, Hội An cũng sẽ triển khai những biện pháp nhằm hình thành nên mạng lưới sáng tạo và áp dụng chuyển đổi số trong các hoạt động văn hóa du lịch, làm cho người dân thay đổi nhận thức và phương pháp thực hành trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian; đặc biệt, tiếp tục làm tốt việc đưa nghề thủ công, văn nghệ dân gian vào trong học đường. Trước những dự định đề ra, trong năm nay, Hội An sẽ tổ chức Lễ hội lồng đèn quốc tế vào dịp Tết Nguyên đán và chuẩn bị công tác tổ chức Festival giao lưu các thành phố sáng tạo về lĩnh vực văn nghệ dân gian như đã cam kết; Hội An cũng sẽ triển khai 1 hoặc 3 dự án cấp thành phố và cấp quốc gia; 2-3 dự án cấp quốc tế trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian...
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc giữ gìn, phát huy tinh hoa, bản sắc văn hóa vốn có của Hội An đã trở thành ý thức và tâm huyết của người dân nơi đây. Tuy nhiên, giữ gìn được thương hiệu “Thành phố sáng tạo” và lan tỏa thông điệp này chính là nhờ sự chung tay, đoàn kết từ cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân Hội An trong hành động thực hiện ngôi nhà chung “mạng lưới sáng tạo”.
Bài và ảnh: KIM NGÂN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.