• Click để copy

Điểm nhấn cho quan hệ đối tác Italy - Nhật Bản

Các tàu hải quân Italy liên tiếp thăm Nhật Bản từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 năm nay được xem là điểm nhấn cho mối quan hệ đối tác đang phát triển nhanh chóng giữa Rome và Tokyo.

Theo tờ The Japan Times, tàu sân bay ITS Cavour thăm căn cứ Yokosuka thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) ở tỉnh Kanagawa từ ngày 22 đến 27-8, sau đó tham gia tập trận chung cùng MSDF, hải quân Mỹ, Đức và Pháp. Tàu huấn luyện Amerigo Vespucci cập cảng Tokyo từ ngày 25 đến 30-8, trong khi tàu chiến đa năng Montecuccoli thăm căn cứ hải quân White Beach của Mỹ ở tỉnh Okinawa từ ngày 30-8 đến 2-9.

Điểm nhấn cho quan hệ đối tác Italy - Nhật Bản
Tàu sân bay ITS Cavour của hải quân Italy thăm căn cứ Yokosuka ở tỉnh Kanagawa của Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times 

Các chuyến thăm nói trên diễn ra hơn một năm sau chuyến thăm của tàu tuần tra ITS Morosini-vốn đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Italy tới Nhật Bản trong hơn 20 năm. Đồng thời, Italy triển khai các tàu ITS Cavour, Amerigo Vespucci và Montecuccoli tới Nhật Bản chỉ vài tuần sau khi điều động một số máy bay vận tải và cảnh báo sớm cùng các máy bay F-35A, Eurofighter tham gia tập trận với Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản. “Những thành tựu này thực sự mang tính lịch sử bởi đây là lần đầu tiên các tàu hải quân Italy nói trên thăm Nhật Bản. Sự nối tiếp nhanh chóng các hoạt động quân sự song phương và đa phương nhằm gửi đi một thông điệp quan trọng tới khu vực. Italy muốn tăng cường quan hệ hợp tác với quân đội các quốc gia cùng chung chí hướng... Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực trọng điểm chiến lược với Italy. Cùng với Nhật Bản và các đối tác khác trong khu vực, chúng tôi muốn đóng góp cụ thể cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại một khu vực có tầm quan trọng chiến lược tuyệt đối với tình hình địa chính trị toàn cầu”, The Japan Times dẫn lời Đại sứ Italy tại Nhật Bản Gianluigi Benedetti.

Tờ DW nhấn mạnh quan hệ giữa Rome và Tokyo đã được tăng cường kể từ cuộc gặp giữa Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hồi giữa tháng 6-2024 tại Italy. Chuyên gia Jeff Kingston tại Đại học Temple (Mỹ) đánh giá các chuyến thăm của tàu hải quân Italy tới Nhật Bản mang tính biểu tượng cao về sự phát triển của quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng.

Theo chuyên gia Marco Zappa tại Đại học Ca' Foscari Venezia (Italy), trước kia, lợi ích chiến lược của Italy và Nhật Bản “tương đối khác nhau” khi Rome chú trọng vào khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Thế nhưng thời gian gần đây, việc Italy xác định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, “xích lại gần hơn” với Mỹ cùng các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhật Bản ngày càng tăng cường quan hệ với NATO đã dẫn đến “sự tương đồng về lợi ích” giữa Rome và Tokyo.

Điểm nhấn cho quan hệ đối tác Italy - Nhật Bản
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio tại Hội nghị thượng đỉnh G7, tháng 6-2024. Ảnh: japan.kantei.go.jp 

Chuyên gia Marco Zappa lưu ý tới việc Nhật Bản và Italy cùng Anh tham gia dự án hợp tác chung phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo thuộc Chương trình không quân chiến đấu toàn cầu (GCAP). Dự án là “bước ngoặt quan trọng” trong lịch sử mua sắm quốc phòng của Nhật Bản. Việc tăng cường quan hệ quốc phòng với các quốc gia châu Âu như Italy có thể giúp giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ. Trong khi đó, dư luận Italy có thiện cảm với Nhật Bản “là đất nước tươi đẹp và là đối tác toàn cầu tốt đẹp”. GCAP chính là cơ hội lớn để ngành công nghiệp quốc phòng Italy mở rộng thị trường.

Theo Đại sứ Gianluigi Benedetti, quan hệ Italy-Nhật Bản đã tăng tốc sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 1-2023, không chỉ riêng lĩnh vực quốc phòng. Hai bên đã đề ra chương trình hành động giai đoạn 2024-2027 với hàng loạt cam kết và bước đi cụ thể, bao trùm các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, thương mại, an ninh kinh tế, công nghiệp, văn hóa, giao lưu nhân dân, khoa học-công nghệ, nông nghiệp... nhằm đưa quan hệ song phương lên những tầm cao mới. “Mối quan hệ giữa Italy và Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển chưa từng có tiền lệ, một “kỷ nguyên mới” trong tất cả lĩnh vực hợp tác. Mặc dù Nhật Bản sắp có sự thay đổi về lãnh đạo nhưng tôi không thấy có thách thức nào có thể làm chậm đà phát triển, thay vào đó là những cơ hội tuyệt vời khi hai nước nỗ lực thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ trong mọi lĩnh vực cùng quan tâm”, Đại sứ Gianluigi Benedetti nêu rõ.

HOÀNG VŨ

Bài liên quan

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.