Độc đáo Sơn “xẩm”
Dù mới 23 tuổi nhưng nghệ nhân Bùi Công Sơn (biệt danh Sơn “xẩm”) đã đạt nhiều thành tích đáng nể trong gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát xẩm. Gần nhất, Sơn đã xuất sắc giành giải A trong Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 với tiết mục vừa chơi đàn nhị vừa hát bài “Phạm Công-Cúc Hoa”.
Gặp Sơn ngoài đời, không ai nghĩ chàng trai trẻ sinh ra trên đất Quỳnh Phụ (Thái Bình) lại có hơn 10 năm gắn bó, đắm đuối với xẩm. Sơn kể, năm 12 tuổi, tình cờ trong một lần xem các cô chú ở Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam về diễn tại hội chùa làng, Sơn đã rất ấn tượng với bài xẩm về mẹ. Thêm nữa, một lần nghe trên đài giọng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu thể hiện hai bài “Thập ân” và “Theo Đảng trọn đời”, Sơn mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật hát xẩm. Sơn đã ngược xuôi khắp nơi học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu. Hễ ai có bài nào hay là Sơn cố gắng lắng nghe, học tập cho bằng được, vì thế, chẳng mấy chốc kỹ năng hát xẩm của anh được nâng cao. Các nghệ nhân không những truyền dạy tận tình mà còn tặng Sơn những “vật bất ly thân” là những cây đàn nhị mà họ vẫn thường chơi như một sự trao gửi niềm tin cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Bùi Công Sơn.Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong các điểm đến để “tầm sư học đạo”, Sơn chú tâm, gắn bó nhất là quê hương của nghệ nhân Hà Thị Cầu ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Như một sự trả ơn, năm 2018, Sơn cùng chị Lê Hải Chiến sáng lập và là Chủ nhiệm Nhóm xẩm chợ Lồng Yên Phong với 12 thành viên hầu hết là học sinh từ mẫu giáo đến THPT. Tuy mới thành lập nhưng nhóm đã giành nhiều thành tích như: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì tại Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019; 1 giải Nhất tại Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022... Luôn cố gắng làm những gì tốt nhất để hát xẩm phát triển, Sơn đã xây dựng nhà thờ tổ nghề hát xẩm tại chính phần đất của gia đình ở huyện Quỳnh Phụ. Điều này xuất phát từ trăn trở hát xẩm chưa có nhà thờ riêng, mà mỗi lần giỗ tổ đều phải mượn địa điểm là bãi đất, sân kho, sân đình, sân chùa...
Để xẩm sống được thì bản thân người nghệ nhân phải biết đặt lời mới cho phù hợp với đời sống hôm nay. Nghĩ vậy, Sơn đã sáng tạo thêm các làn điệu xẩm khác như: Xẩm an toàn giao thông, xẩm tiêu trừ tham nhũng, xẩm phòng, chống tệ nạn xã hội... Sơn cho biết, khó nhất với hát xẩm là hát tròn vành rõ chữ, đàn hát câu nào ra câu đó, biết tận dụng làn điệu, ứng biến linh hoạt chứ không được rập khuôn. Theo Sơn, muốn học xẩm, ngoài chất giọng khỏe phải luyện hát để biết được cái lỗi của mình rồi sửa dần. Ở lớp nghe thầy dạy 1, trò phải học 10, tự cảm âm, tập luyện mới dần giỏi lên được. Không dừng ở hát xẩm, hiện nay, Sơn còn tham gia hát chầu văn hầu đồng và phục dựng nghệ thuật chơi diều sáo thủ công.
Là giám khảo của Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, thành viên Nhóm xẩm Hà thành nhận xét: “Hiện nay chưa có ai thực hành thành công bài bản bài hát xẩm “Phạm Công-Cúc Hoa” với lối hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Tuy còn trẻ nhưng Sơn đã sử dụng đúng lề lối của điệu thập ân cổ mà nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh thời vẫn sử dụng và bảo đảm đủ các yếu tố cần thiết nhất của một người hát xẩm đúng nghĩa, đó là vừa đàn vừa hát. Sơn đã toát lên được yếu tố quan trọng nhất của người hát xẩm đó là “chơi xẩm”.
ĐĂNG KHOA
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.