Đối ngoại quốc phòng và đôi điều đúc rút trên chặng đường xây dựng, phát triển
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua kể từ khi Cục Liên lạc Đối ngoại (tiền thân của Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng) được thành lập (ngày 28-5-1964), công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) đã đi từ không đến có, từ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ ĐNQP với các quốc gia trên khắp năm châu, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn. Hoạt động hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực như khoa học, công nghiệp quốc phòng, tổ chức tuần tra, giao lưu với lực lượng biên phòng và hải quân các nước, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh... được triển khai tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực. Việt Nam cũng đã cùng các nước ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương đạt hiệu quả cao; tham gia các diễn đàn đa phương có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cứu hộ, cứu nạn quốc tế. Những kết quả ấy đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Quân đội ta trong mắt bạn bè quốc tế và đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.
Đoàn Tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: HIẾU MINH |
Thành công nói trên là nhờ đội ngũ làm công tác ĐNQP đã quán triệt sâu sắc các đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng qua các kỳ đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ toàn quân qua các thời kỳ, đồng thời nỗ lực hết sức mình trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu liên quan tới đối ngoại.
Tuy vậy, nếu đánh giá một cách thẳng thắn, 60 năm qua còn có những thời điểm chúng ta làm được chưa nhiều, chưa tốt. Điển hình như sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, có lúc, có lần ĐNQP tham mưu để tổ chức cho đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng đi thăm, đi công tác đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, đôi khi còn thiên về lễ tân mà quên đi nội dung hết sức quan trọng là cần tham mưu về đối sách như thế nào với “đối tác", "đối tượng”.
Việc hướng dẫn cho toàn quân trong triển khai công tác ĐNQP cũng có khi còn biểu hiện sơ sài, đơn giản, làm cho các cơ quan đối ngoại cấp cơ sở lúng túng trong quá trình xử lý những vấn đề cụ thể. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân trực tiếp và quan trọng hơn cả là có lúc chúng ta quán triệt chưa thật sâu sắc quan điểm của Đảng, từ đó biến thành nhận thức để nâng tầm nghiên cứu, tư duy chiến lược. Theo kinh nghiệm của thế hệ những người từng nhiều năm gắn bó với công tác ĐNQP như chúng tôi, sau khi quán triệt rồi thì phải đào sâu suy nghĩ, đọc rất nhiều về quan điểm, chính sách của “đối tác", "đối tượng” thì mới tham mưu, đề xuất đúng và trúng. Ngược lại, nếu không đọc, không suy nghĩ thì sẽ dẫn tới lối mòn, sáo rỗng, hoặc phân công, phân nhiệm không cụ thể dẫn tới thiên việc này, bỏ việc khác...
Cũng cần nhấn mạnh lại rằng, việc hướng dẫn phải tận tình, chu đáo hơn để các cơ quan ĐNQP cấp cơ sở không rơi vào trạng thái lúng túng khi triển khai nhiệm vụ. Nhớ lại một lần tàu bạn vào thăm cảng Tiên Sa của Đà Nẵng, hôm ấy bất ngờ thủy triều xuống thấp nên bạn không thể cho tàu lớn vào cảng. Rất may có sĩ quan của Cục Đối ngoại tham gia đón đoàn và kịp thời báo cáo. Sau đó, tôi chấp nhận chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cho phép Cục Đối ngoại thuê tàu du lịch để chở bạn vào thăm đúng kế hoạch. Nêu ví dụ đó để thấy, trong một số tình huống “ngoài kịch bản” rất cần sự hướng dẫn cụ thể, xử trí linh hoạt để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại được giao.
Về lễ tân cũng cần có bước chuyển mới sao cho phù hợp. Tôi nhớ lần tháp tùng Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Mỹ, Brazil và Bỉ, nghi thức của từng nước khác nhau. Chúng tôi bay từ Brazil về Paris (Pháp), rồi lại đi tàu hỏa sang Brussels (Bỉ). Bộ trưởng bạn cùng các sĩ quan tùy tùng với cờ hoa đón đoàn ta tại ga xe lửa rất chân tình. Nhưng bữa sáng hôm sau, bạn chỉ bố trí một lát bánh mì và một lát thịt lạnh để Bộ trưởng ta ăn sáng. Do đã nghiên cứu kỹ tập quán và lễ tân của phía bạn, anh em Cục Đối ngoại mang theo đồ ăn tối thiểu để có thể nấu nóng cho Bộ trưởng dùng. Nhưng Đại tướng Phạm Văn Trà nhắc tôi: “Chúng ta xác định đi công tác thì phải cố gắng để phù hợp với bạn. Tôi còn khỏe, các chú đừng quá lo!”. Lời dặn đó của Đại tướng Phạm Văn Trà tôi cứ nhớ mãi và nay nhắc lại cho thế hệ sau làm kinh nghiệm.
Trong điều kiện tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường như hiện nay, những người trực tiếp làm công tác ĐNQP càng cần phải quán triệt thật sâu sắc quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng và học tập bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 12-2021) để từ đó nâng tầm tư duy và chủ động tham mưu đúng, trúng. Chẳng hạn, cùng một khuôn khổ quan hệ nhưng với đối tác này và đối tác khác thì hàm lượng có thể khác nhau. Nếu không có tư duy tốt sẽ dẫn tới lúng túng trong tham mưu, đề xuất các nội dung và hoạt động hợp tác liên quan tới ĐNQP.
Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển tuy chưa dài nhưng cũng không hề ngắn đối với một đơn vị như Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Mỗi cán bộ, sĩ quan, nhân viên làm công tác ĐNQP cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tự đào tạo và hoàn thiện bản thân, tự nâng tầm tư duy để tham mưu kịp thời, chính xác và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ĐNQP ngày càng tốt hơn, xứng đáng với truyền thống của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trung tướng PHẠM THANH LÂN
Nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.