Dự báo xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục gặp khó
Thời gian tới, xuất khẩu cao su vẫn gặp khó khăn do ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và châu Âu đang chịu ảnh hưởng bởi lạm phát cao, sức cầu tiêu dùng suy yếu.
Xuất khẩu cao su tiếp tục gặp khó
Đây là thông tin mới nhất vừa được Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra trong Bản tin Nông-Lâm-Thủy sản số ra ngày 10/5 vừa qua.
Cụ thể, dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu được 87,75 nghìn tấn cao su, trị giá 121,79 triệu USD, giảm 24,3% về lượng và giảm 25,7% về trị giá so với tháng 3/2023. Với kết quả này, so với tháng 4/2022 vẫn tăng 12% về lượng, nhưng giảm 13,9% về trị giá.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 469,63 nghìn tấn, trị giá 653,22 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, do giá xuất khẩu cao su liên tục giảm mạnh trong những tháng vừa qua.
4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 469,63 nghìn tấn, trị giá 653,22 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ |
Cũng theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, tháng 4/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 73,16% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 64,2 nghìn tấn, trị giá 87,45 triệu USD, giảm 26% về lượng và giảm 27% về trị giá so với tháng 3/2023; nhưng tăng 40,6% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với tháng 4/2022.
Giá xuất khẩu cao su sang Trung Quốc bình quân ở mức 1.362 USD/tấn, giảm 1,3% so với tháng 3/2023 và giảm 21,2% so với tháng 4/2022.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 356,81 nghìn tấn cao su, trị giá 484,46 triệu USD, tăng 9,5% về lượng, nhưng giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, trong tháng 4/2023, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt tiếp tục tăng về lượng so với tháng 4/2022, trong đó đáng chú ý như: Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan, Băng-la-đét…
Tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường lớn vẫn giảm mạnh như: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Nga, Đức...
“Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm 2023, phần lớn xuất khẩu cao su sang các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước bởi vì sức mua của thị trường thế giới giảm, đặc biệt là các thị trường lớn như Ấn Độ, Hoa Kỳ, châu Âu. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một thị trường vẫn tăng trưởng tốt về lượng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý như: Nga, Hà Lan, Ma-lai-xi-a...”, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá và dự báo, thời gian tới, xuất khẩu cao su vẫn gặp khó khăn do ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và châu Âu đang chịu ảnh hưởng bởi lạm phát cao, sức cầu tiêu dùng suy yếu. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc đang dần hồi phục sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường.
Kỳ vọng phục hồi từ thị trường Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 2,09 triệu tấn cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 3,1 tỷ USD, tăng 9,5% về lượng, nhưng giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thái Lan, Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Bờ Biển Ngà và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng năm 2022.
Nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc đang dần hồi phục sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường |
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 416,52 nghìn tấn, trị giá 562,65 triệu USD, tăng 15,2% về lượng, nhưng giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 19,9% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2023, cao hơn so với mức 18,92% của 3 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, cũng trong Quý I/2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 46,2 nghìn tấn, trị giá 51,78 triệu USD, tăng 15,2% về lượng, nhưng giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,34% trong tổng lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 5,96% của 3 tháng đầu năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như: Bờ Biển Ngà, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, Gha-na, Phi-líp-pin, Ca-mơ-run, Xri Lan-ca, Căm-pu-chia… Trong khi đó, giảm nhập khẩu cao su tự nhiên từ một số thị trường như: Thái Lan, Lào, Ni-giê-ri-a...
Mặt khác, cũng trong Quý I, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 368,39 nghìn tấn, trị giá 507,56 triệu USD, tăng 15,5% về lượng, nhưng giảm 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Với những số liệu phân tích trên, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, thị trường Trung Quốc đang dần hồi phục, và đây sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng nông sản nói chung và mặt hàng cao su các loại nói riêng.
Song trước đó, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận. Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, do vậy, hàng hoá của Việt Nam cũng phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt.
Do vậy, để xuất khẩu thành công và bền vững vào thị trường tỷ dân này, lãnh đạo Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc...
Cùng với đó, tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.
THEO TẠP CHÍ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.