EU tiếp tục bất đồng về mức trần giá khí đốt
Các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thất bại trong việc thống nhất mức giá trần khí đốt nhập khẩu từ Nga để giảm khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Thất bại này không gây ngạc nhiên bởi đa số các nước thành viên EU cho rằng đề xuất áp giá trần mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra như một “trò đùa”, không hiệu quả và không thực tế.
Tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng Năng lượng EU ở Brussels (Bỉ) ngày 24-11, giờ địa phương, một số đại biểu tham dự phàn nàn rằng, đề xuất áp giá trần mà EC công bố hai ngày trước đó rõ ràng được thiết kế để không bao giờ được sử dụng. “Ở mức này, đây không phải là giá trần. Giá nhiên liệu tăng đang đe dọa các hộ gia đình và doanh nghiệp. Chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian mà không đạt được kết quả”, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas bức xúc nói. Ông Skrekas cho rằng, giá trần chỉ nên dao động ở mức 150-200 euro/MWh là hợp lý.
![]() |
Trạm nén khí Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, người đồng cấp Ba Lan Anna Moskwa lên án đây là một trò đùa và kêu gọi đưa ra một đề xuất mới trong những ngày tới. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cũng có phản ứng tương tự khi gọi đề xuất trên là một “trò đùa dở khóc dở cười”. Đối với Bộ trưởng Chuyển giao Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher, đề xuất áp giá trần “không đủ mạnh để bảo vệ các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Pháp”.
Theo Bộ trưởng An ninh năng lượng và Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin, ít nhất 15 nước thành viên EU đã quyết định bác bỏ cơ chế giá trần khí đốt mà EC đề xuất. Chỉ có đại diện của Estonia cho rằng kế hoạch này là hợp lý và nó có thể được coi là một biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng tăng giá quá mức chứ không phải là một giải pháp lâu dài. Trong khi đó, Hà Lan và Đức chưa bày tỏ quan điểm ủng hộ hay phản đối việc áp giá trần. Tham gia trực tiếp cuộc họp, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson thừa nhận đang tồn tại sự chia rẽ về giá trần giữa các thành viên.
Trước đó, EC đưa ra đề xuất giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh. Đề xuất giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giới hạn 275 euro bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất hai tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng hơn 58 euro trong 10 ngày cùng thời gian đó. Kế hoạch giá trần khí đốt, nếu được thông qua, sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 1-2023, song song với một sáng kiến tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông.
Phát biểu sau hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Séc-nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU-Jozef Sikela cho biết, các bộ trưởng đã cố gắng áp dụng một số biện pháp quan trọng khác, bao gồm cả việc mua khí đốt chung để tránh cạnh tranh trong nội bộ EU làm tăng giá, đoàn kết cung cấp trong những thời điểm cần thiết và cấp phép nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc đạt được một thỏa thuận vào thời điểm hiện nay là rất khó. “Các cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi, có những quan điểm khác nhau. Việc áp dụng giá trần sẽ diễn ra cùng với thỏa thuận chính trị về cơ chế giới hạn này”, Bộ trưởng Sikela cho biết. Theo ông Sikela, các Bộ trưởng Năng lượng EU sẽ tiếp tục nhóm họp vào đầu tháng 12 tới để thu hẹp các bất đồng hiện nay.
Trong một phản ứng ngày 24-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga là hành động “trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu”.
BÌNH NGUYÊN
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
Sáng 20-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 67/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia
Sáng 19-5, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 / 2-9-2025). Cùng đi có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng cầu Tứ Liên, Hà Nội
Sáng 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa, TP Hà Nội.
Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Sáng 19-5, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu
Ngày 14/5/2025 Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm Buôn bán hàng hóa (mỹ phẩm) giả mạo nhãn hiệu, Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) nhập lậu, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 47 triệu đồng.