• Click để copy

Gánh nặng trọng trách của G7

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) lần thứ 50 diễn ra từ ngày 13 đến 15-6 tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia ở miền Nam Italy. Chương trình nghị sự bao gồm những vấn đề nóng như cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, cùng những thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI)...

Hội nghị thượng đỉnh G7 được đánh giá là cơ hội để các nước phát triển hàng đầu thế giới cùng các đối tác tìm kiếm giải pháp chung cho những thách thức toàn cầu.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni-nước Chủ tịch G7, cho biết: “G7 sẽ xác nhận sự ủng hộ của mình đối với Ukraine và tiếp tục nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Chúng ta sẽ giải quyết xung đột ở Trung Đông, nỗ lực ngăn chặn căng thẳng leo thang, khôi phục hòa bình, ổn định và an ninh trên toàn khu vực. Chúng ta sẽ giải quyết những thách thức lớn của thời đại, từ mối quan hệ giữa khí hậu-năng lượng cho đến an ninh lương thực. Cùng nhau, chúng ta sẽ đặt nền móng để xây dựng mối quan hệ bình đẳng mới và cùng có lợi với các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi”.

Chủ tịch G7 cam kết hành động hết sức mình vì một tương lai công bằng, bền vững và lành mạnh cho tất cả mọi người và ở tất cả mọi nơi.

Gánh nặng trọng trách của G7
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13-6 tại Italy. Ảnh: AP 

Trong khi đó, theo AP, chống lại tình trạng dư thừa năng suất của Trung Quốc, sử dụng tài sản đóng băng của Nga để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine đồng thời giải quyết các thách thức chung toàn cầu như cơ sở hạ tầng, di cư và AI... là những mục tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tham dự hội nghị.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người hai lần tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 liên tiếp, mong đợi "những quyết định quan trọng" được đưa ra tại diễn đàn này. Theo AFP, trên Telegram, ông Zelensky nhấn mạnh phần lớn hội nghị sẽ được dành để thảo luận vấn đề Ukraine, khả năng phục hồi quốc phòng và kinh tế của nước này.

Một trong những vấn đề sẽ được quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh G7 là việc dùng tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine, đã sớm cho thấy kết quả. Ngày 12-6, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD vào cuối năm nay, thỏa thuận đạt được trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7. Trong khi đó, Nga nhiều lần tuyên bố bất kỳ động thái nào chuyển hướng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của nước này đều là “hành vi chiếm đoạt tài sản”, vi phạm các quy tắc và chuẩn mực của hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế.

Diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu của G7 đang đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lấy lại vai trò và vị thế quan trọng của mình như trước đây đang đặt gánh nặng lên hội nghị thượng đỉnh lần này của nhóm. Không phải ngẫu nhiên mà chương trình nghị sự lại bao gồm các trọng tâm là châu Phi-lục địa đang đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng kèm theo đó là cơ hội toàn cầu, vấn đề Trung Đông, biến đổi khí hậu và AI...

Ngoài thành viên các nước G7, đại diện từ 10 quốc gia khác gồm Algeria, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Jordan, Kenya, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng được mời tham dự hội nghị. Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng những người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Phi và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng là những khách mời quan trọng. 

Dù không phải là diễn đàn đưa ra các quyết định, song Hội nghị thượng đỉnh G7 được coi là một diễn đàn chính sách toàn cầu quan trọng khi 7 quốc gia thành viên nằm trong số 9 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, 7 trong số 15 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, 7 trong số 10 nhà xuất khẩu hàng đầu và 7 trong số 10 nhà tài trợ hàng đầu của Liên hợp quốc.

Cho dù tập hợp được những quốc gia và thành phần tham dự quan trọng, nhưng với một chương trình nghị sự được cho là mở rộng hơn so với các lần hội nghị trước đây, triển vọng thúc đẩy các mục tiêu tham vọng mà hội nghị đặt ra trở nên không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, dù sao diễn đàn này cũng là nơi để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cùng nhau nỗ lực tìm kiếm tầm nhìn chung và giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp bách mà không một quốc gia nào có thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

XUÂN PHONG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.