Gian nan cuộc chiến chống thuốc giả trên toàn cầu
Tình trạng buôn bán thuốc giả đang diễn ra tràn lan trên khắp thế giới, khiến hàng nghìn sinh mạng gặp nguy hiểm. Khi thủ đoạn đưa thuốc giả ra thị trường của các nhóm tội phạm ngày càng tinh vi thì cuộc chiến chống lại vấn nạn này gặp không ít khó khăn.
Theo trang mạng swissinfo.ch, nhìn bằng mắt thường, hai viên thuốc trị tiểu đường Janumet trông giống hệt nhau. Cả hai đều được in nổi số “577” với cùng phông chữ và kích thước. Chỉ khi nhà khoa học pháp y Stéphanie Beer của Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia MSD (Mỹ) đặt chúng dưới kính hiển vi 3D thì những khác biệt rất nhỏ mới xuất hiện. Trên một viên thuốc, số “577” được khắc ở độ sâu nông hơn một chút so với viên thuốc chính hãng được sản xuất tại nhà máy của MSD.
![]() |
Mua thuốc trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Getty Images |
Trò chuyện với các phóng viên đến thăm phòng thí nghiệm của MSD ở vùng Schachen, phía Tây Nam thành phố Zurich (Thụy Sĩ), ông Beer cho biết: “Đối với người dân, thuốc giả thường không thể phân biệt được với thuốc thật. Không đặt thuốc thật bên cạnh thì khó có thể nhận ra đó là hàng giả”. Các chuyên gia như ông Beer ở trong nhóm bảo đảm tính toàn vẹn của sản phẩm tại MSD được đào tạo để tìm kiếm những chi tiết như vậy. Họ có kiến thức nền tảng về hóa học pháp y và phát hiện thuốc giả. Một số người đã làm việc cho Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và các cơ quan chống tội phạm khác.
Buôn bán thuốc giả là một trong những hoạt động của tội phạm phát triển nhanh nhất thế giới. Các nhà phân tích ước tính, thị trường thuốc giả toàn cầu có giá trị từ 200 đến 432 tỷ USD hằng năm. Điều này khiến buôn bán dược phẩm giả trở thành hoạt động bất hợp pháp số một, vượt lên trên các hoạt động kinh tế ngầm khác như buôn người và buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Ấn Độ được cho là nguồn cung cấp thuốc giả lớn nhất nhưng không phải nơi duy nhất. Hầu hết trong số 278 mẫu được kiểm tra tại phòng thí nghiệm của MSD ở Schachen vào năm 2023 đều đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Ai Cập. Không có dữ liệu chính xác về tổng số thuốc giả lưu hành trên toàn cầu, nhưng Viện An ninh dược phẩm, một tổ chức gồm 40 công ty dược phẩm lớn nhất thế giới cho biết, số vụ buôn bán thuốc giả trên 137 quốc gia đã tăng 38% từ năm 2016 đến 2020. Chỉ riêng từ năm 2021 đến 2022, số vụ vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm được báo cáo đã tăng 10%, bao gồm cả thuốc giả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 10% sản phẩm y tế lưu hành ở các nước đang phát triển là hàng giả hoặc không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo Liên hợp quốc, thuốc giả cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người mỗi năm. Các nhà chức trách đã tìm ra phiên bản giả của nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc điều trị ung thư và thuốc giảm cân như Ozempic. Một số loại thuốc giả có chứa hóa chất độc hại; một số khác thiếu thành phần hoạt chất hoặc sử dụng sai liều lượng, có thể gây nguy hiểm, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân.
Nạn thuốc giả đang hoành hành trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển không có cơ sở hạ tầng hoặc kinh phí để thực hiện các hình thức kiểm tra thuốc. Ngay cả tại châu Âu, nơi triển khai các biện pháp quản lý dược phẩm nghiêm ngặt, vẫn có thuốc giả trên thị trường. Giá cao chót vót và tình trạng thiếu hụt ngày càng nhiều loại thuốc do hậu quả của đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine cùng sự bùng nổ của các hiệu thuốc trực tuyến đang khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Ông Mario Ottiglio, người phát ngôn của Fight the Fakes-một liên minh các tổ chức nâng cao nhận thức về thuốc giả-nhận định sự gia tăng của các hiệu thuốc trực tuyến khiến thuốc giả đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn.
Cho đến nay, nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm trấn áp nạn thuốc giả vẫn chưa đạt hiệu quả. WHO cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan quản lý cũng như đưa ra cảnh báo về những sản phẩm cụ thể. Nhưng cơ quan y tế có trụ sở tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ này thường dựa vào các báo cáo và bằng chứng từ chính quyền quốc gia. Họ không có nhiệm vụ điều tra và trừng phạt người phạm tội. Trong khi đó, các công ty dược chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ thương hiệu và sản phẩm của họ, đồng thời nói rằng họ không có thẩm quyền thu giữ thuốc giả và buộc những người làm giả phải chịu trách nhiệm. Ông Nicolas Florin, người đứng đầu Hiệp hội Xác minh sản phẩm thuốc của Thụy Sĩ cho biết: “Vấn nạn này sẽ không biến mất. Đó là một hoạt động kinh doanh mang lại nguồn thu lớn. Điều này hấp dẫn các nhóm tội phạm”.
LÂM ANH
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.