Giáo dục nghề nghiệp đổi mới để thích ứng
Những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong cả nước nỗ lực đổi mới để đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó các cơ sở dạy nghề đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có 2.464 cơ sở dạy nghề, trong đó có 1.520 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (416 trường cao đẳng, 376 trường trung cấp, 728 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) và 944 cơ sở khác có đăng ký. Trong năm 2023, tỷ lệ học viên giáo dục nghề nghiệp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 90%, thu nhập dao động 10-15 triệu đồng/tháng...
Sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang trao đổi với giảng viên trong giờ học. |
Xác định đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, những năm qua, Trường Cao đẳng Kiên Giang liên tục cải tiến chương trình giảng dạy theo hướng bám sát nhu cầu của doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo được điều chỉnh hằng năm theo nhu cầu và góp ý của các doanh nghiệp, trong đó bảo đảm có ít nhất 20% thời gian học của sinh viên được tổ chức tại các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh. Nhà trường cũng xây dựng mạng lưới kết nối với doanh nghiệp để bảo đảm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Do đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt hơn 98%, trong đó tỷ lệ có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo đạt 90%.
Thầy giáo Nguyễn Minh Quân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang cho biết: “Những năm qua, nhà trường đã đa dạng hóa hình thức tuyển sinh và đẩy mạnh công tác truyền thông, nhờ đó mỗi năm đều hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh hơn 5.000 học sinh, sinh viên (chiếm 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh nghề nghiệp của tỉnh). Nhà trường hiện có quy mô đào tạo hơn 10.000 học sinh, sinh viên và học viên với nhiều loại hình: Hệ chính quy gần 4.000 sinh viên, đào tạo liên kết dài hạn hơn 1.600 học viên, đào tạo liên kết ngắn hạn hơn 2.000 học viên và đào tạo lái xe ô tô cho gần 3.000 học viên. Với quy mô trên, Trường Cao đẳng Kiên Giang đang trở thành một trong những cơ sở đào tạo nghề hàng đầu trong khu vực”.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Đắk Lắk luôn phấn đấu phát triển, trở thành cơ sở đào tạo uy tín và chất lượng tại khu vực Tây Nguyên. Nhà trường chú trọng trang bị các thiết bị giảng dạy đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Điều này bảo đảm cho sinh viên không chỉ được học lý thuyết mà còn thành thạo trong thực hành, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức và kỹ năng thực tiễn. TS Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đắk Lắk cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, việc kết nối với các doanh nghiệp là một phần không thể thiếu trong định hướng đào tạo của nhà trường. Chính vì vậy, nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có những đối tác uy tín như: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-Lilama, Tổng công ty Dầu khí Vũng Tàu, Tập đoàn Thaco... Các hình thức hợp tác đa dạng không chỉ mang lại cơ hội thực tập cho sinh viên mà còn mở rộng cơ hội việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp”.
Đứng trước làn sóng chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ, Trường Cao đẳng Đắk Lắk đã có những bước chuẩn bị toàn diện. Nhà trường không chỉ đầu tư vào các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giảng viên mà còn triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến, đẩy mạnh việc số hóa thông tin quản lý và dữ liệu sinh viên. Nhờ vậy, sinh viên tại trường có thể tiếp cận và làm chủ công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động số hóa.
Với phương châm “Lấy người học làm trung tâm, chủ thể-thầy cô giáo là động lực-nhà trường làm bệ đỡ-gia đình là điểm tựa”, thời gian qua, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội chú trọng hợp tác với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất, nhằm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Hợp tác với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc phát triển chương trình mà còn bao gồm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, xây dựng nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng và đưa các thiết bị, công nghệ tiên tiến vào nhà trường. Nhờ đó, sinh viên được tiếp xúc với công nghệ mới nhất ngay từ môi trường học tập để có một nền tảng vững chắc, sớm hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.
Thầy giáo Trần Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa phát triển mạnh mẽ, nhiều nghề nghiệp truyền thống đang dần bị thay thế bởi các kỹ năng mới, yêu cầu nhân lực đáp ứng được sự thay đổi liên tục của thị trường lao động. Để thích ứng với xu hướng này, nhà trường đã linh hoạt rà soát, điều chỉnh quy mô và mở rộng ngành nghề đào tạo, đồng thời cập nhật chương trình theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện. Trường cũng tích cực hợp tác quốc tế, cử nhiều giảng viên học tập tại các nước phát triển như Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc để tiếp thu những chương trình và kỹ năng tiên tiến. Sinh viên cũng được đưa đến các doanh nghiệp để thực tập và học tập thực tế, bảo đảm sản phẩm đào tạo của trường đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Có thể thấy, với những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ việc cập nhật công nghệ mới đến việc kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng thực tiễn và tư duy đổi mới, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên công nghệ số. Nơi mà mỗi sinh viên không chỉ được học nghề, mà còn được truyền cảm hứng để vươn xa, tự tin góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC
Tin mới
Tốc độ internet Việt Nam tăng 30% sau khi Viettel triển khai 5G
Tốc độ internet di động tại Việt Nam đạt hơn 71 Mbps, xếp thứ 43 toàn cầu sau khi Viettel triển khai thương mại hóa 5G.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng, sốt xuất huyết giảm mạnh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6-12 đến 13-12), số ca mắc sởi tăng, sốt xuất huyết giảm
Tinh gọn bộ máy: Giảm 5 bộ, 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ bản bỏ tổng cục và tương đương
Liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, sáng 17-12, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án hợp nhất, sáp nhập một số bộ, cơ quan, dự kiến, bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Tổng cục Hải quan: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp trên các tuyến, loại hình, địa bàn và trên không gian mạng
Theo Tổng cục Hải quan: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong năm 2024 diễn biến phức tạp, trên các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng. Hàng hóa vi phạm đa dạng không chỉ sản xuất trong nước, mà còn sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau như nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu ...
Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi tuyên truyền pháp luật bằng loa lưu động dịp Tết 2025
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật bằng loa lưu động. Việc tuyên truyền lưu động được thực hiện trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố trong vòng 12 ngày kể từ ngày 5/12/2024 đến ngày 20/12/2024.
Đội QLTT số 1 Quảng Trị: Xuất sắc dẫn đầu nhờ kiểm tra, kiểm soát hiệu quả
Năm 2024, bám sát chỉ đạo từ Tổng cục QLTT và UBND tỉnh, cùng sự hỗ trợ quyết liệt của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Quảng Trị, Đội QLTT số 1 đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.