• Click để copy

Giúp bộ đội xuất ngũ có thêm nhiều cơ hội việc làm

Những năm qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 4 đã nỗ lực, quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ trở về địa phương.

Các ưu đãi của Nhà nước đã đem đến nhiều cơ hội việc làm cho bộ đội xuất ngũ, góp phần củng cố niềm tin cho lực lượng thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Nhiều ưu đãi

Tại Nghệ An, từ năm 2020 đến năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã phối hợp cùng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) các huyện, thành phố, thị xã tổ chức nhiều chương trình, phiên giao dịch việc làm tuyên truyền, định hướng việc làm, học nghề cho bộ đội xuất ngũ. Toàn tỉnh đã tổ chức được 12 chương trình, phiên phối hợp tư vấn việc làm, với sự tham gia của 28 doanh nghiệp; có 4.475 lao động và quân nhân xuất ngũ tham gia các phiên tư vấn; 696 người được tư vấn giới thiệu học nghề; 1.150 người được tư vấn giới thiệu việc làm trong nước và 311 người được tư vấn việc làm nước ngoài.

Trường Cao đẳng Nghề số 4 (Bộ Quốc phòng) là địa chỉ tin cậy trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Năm 2023, nhà trường đã tổ chức nhập học và đào tạo nghề cho 1.116 bộ đội xuất ngũ, trong đó đăng ký ứng cử viên xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là 560 người. Học viên theo học tại Trường được tham gia học tập tại doanh nghiệp và ký kết hợp đồng lao động sau khi tốt nghiệp, 95% có việc làm ổn định.

Giúp bộ đội xuất ngũ có thêm nhiều cơ hội việc làm

Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng) là một địa chỉ tin cậy trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. 

Anh Phan Thanh Thịnh, quê ở thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 324 (Quân khu 4) và được cấp thẻ học nghề. Đầu năm nay, anh ra TP Vinh, tỉnh Nghệ An đăng ký học nghề sơ cấp ngành công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề số 4 và được miễn học phí, ưu tiên ở ký túc xá nhà trường. Anh Thịnh cho biết: “Tôi dự định sau khi hoàn thành khóa học sẽ trở về quê để xin việc làm tại một xưởng sửa chữa ô tô. Khi có đầy đủ kinh nghiệm, tích trữ vốn liếng làm ăn, tôi sẽ mở một xưởng riêng của mình”.

Tại Hà Tĩnh, ngoài việc liên kết với Phòng LĐ-TB-XH và các doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh còn tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có chính sách thu hút, bố trí những quân nhân xuất ngũ có đủ phẩm chất chính trị, điều kiện, tiêu chuẩn, nhất là những quân nhân đã được kết nạp Đảng vào các chức danh tại địa phương như nguồn chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng, thôn đội trưởng, bí thư đoàn, trung đội trưởng dân quân cơ động. Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là địa bàn có hơn 1.100 doanh nghiệp, công ty đăng ký hoạt động. Vì thế, Ban CHQS thị xã Kỳ Anh đã tham mưu cho UBND thị xã hằng năm tổ chức hội nghị gặp mặt quân nhân xuất ngũ và thanh niên lên đường nhập ngũ nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn hỗ trợ vay vốn làm ăn.

Anh Nguyễn Ngọc Long, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ Vùng 3 Hải quân trở về địa phương. Ngay sau đó, anh được các cấp, các ngành quan tâm giới thiệu việc làm và hỗ trợ vay vốn chính sách. Qua giới thiệu, tư vấn của Ban CHQS thị xã, anh đã vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Formosa với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Anh Long cho biết: “Sau khi xuất ngũ, tôi được quan tâm giới thiệu việc làm tại Khu công nghiệp Formosa, nhưng đây chỉ là việc làm tạm thời. Sắp tới, tôi dự định sẽ dùng thẻ học nghề để có một vị trí việc làm tốt hơn”.

Cần chính sách phù hợp

Những năm qua, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu 4 được quan tâm, song số lượng còn khá ít. Một số chính sách của Nhà nước về hỗ trợ bộ đội xuất ngũ còn có những bất cập, vướng mắc khiến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gặp khó khăn. Đơn cử như tại Nghệ An, hằng năm, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.000-1.500 bộ đội xuất ngũ trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 bộ đội xuất ngũ, vì thế con số được đào tạo, giới thiệu việc làm nói trên vẫn còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, các ngành nghề đào tạo vẫn chưa đa dạng, tập trung chủ yếu vào đào tạo lái xe ô tô, các ngành, nghề sơ cấp ngắn hạn. Số lượng bộ đội xuất ngũ tiếp cận các chính sách về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn thấp. Đó cũng là thực trạng chung tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, lực lượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp. Tại Hà Tĩnh, nhiều trường không đào tạo ngành nghề sơ cấp nên bộ đội xuất ngũ đa số phải đăng ký học lái xe.

Tiến sĩ Cao Thành Lê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt-Đức Hà Tĩnh nêu ý kiến: “Hiện nay, theo quy định, Nhà nước chỉ hỗ trợ học nghề sơ cấp cho bộ đội xuất ngũ, nếu muốn học nghề trung cấp, cao đẳng thì phải tự chủ 100% học phí. Việc thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ chỉ có giá trị học nghề sơ cấp dẫn đến việc đào tạo mang tính đại trà và không đáp ứng được tiêu chí hành nghề lao động chất lượng cao. Thiết nghĩ, Nhà nước cần sửa đổi chính sách cho phù hợp. Chẳng hạn như cùng một thẻ học nghề nhưng học viên có thể lựa chọn cấp học phù hợp với nhu cầu việc làm, còn giá trị học phí có thể khấu trừ chênh lệch theo từng cấp học”.

Những năm qua, các trường cao đẳng nghề trực thuộc Bộ Quốc phòng trên địa bàn Quân khu 4 như: Trường Cao đẳng nghề số 4, Trường Cao đẳng nghề số 23 là địa chỉ tin cậy đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Tuy nhiên, thủ tục chuyển đổi trường nghề từ Bộ Quốc phòng sang Bộ LĐ-TB-XH quản lý kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đến định hướng đầu tư, phát triển nói chung và công tác đào tạo, giới thiệu việc làm cho các đối tượng, đặc biệt là bộ đội xuất ngũ. Các trường mong muốn việc chuyển đổi quản lý được tiến hành nhanh chóng, dứt điểm để cán bộ, giáo viên an tâm tư tưởng giảng dạy và có kế hoạch đào tạo dài hạn, mở rộng ngành nghề, quy mô cũng như đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học.

Bộ đội xuất ngũ là nguồn nhân lực chất lượng, có ý thức tổ chức kỷ luật, độ tuổi, sức khỏe và trình độ có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong, ngoài nước. Nhà nước cần sửa đổi chính sách phù hợp giúp bộ đội xuất ngũ có thể thụ hưởng thẻ học nghề một cách hiệu quả hơn, được lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Bài liên quan

Tin mới

Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp các biện pháp phòng vệ thương mại, nguy cơ, rủi ro bị điều tra chống trợ cấp
Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp các biện pháp phòng vệ thương mại, nguy cơ, rủi ro bị điều tra chống trợ cấp

Ngày 17/12/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9281/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn về kiến nghị của Bộ Công Thương liên quan đến các chương trình trợ cấp bị điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Thái Nguyên: Phát hiện trên 7.000 bút các loại giả mạo nhãn hiệu Thiên Long
Thái Nguyên: Phát hiện trên 7.000 bút các loại giả mạo nhãn hiệu Thiên Long

Ngày 16/12/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với Hộ kinh doanh N.H.L do ông N.H.L làm chủ, có địa chỉ tại phường Trung Thành, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Quảng Trị: Đội QLTT số 3 vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua năm 2024
Quảng Trị: Đội QLTT số 3 vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua năm 2024

Đội Quản lý thị trường số 3 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị được giao quản lý địa bàn huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh.

Cục QLTT tỉnh Bắc Giang hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thi đua được Tổng cục QLTT giao trong năm 2024
Cục QLTT tỉnh Bắc Giang hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thi đua được Tổng cục QLTT giao trong năm 2024

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT về tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong tháng 12/2024, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn quản lý.

Thái Bình: Xử phạt vi phạm hành chính một hộ kinh doanh giầy dép trên địa bàn huyện Tiền Hải
Thái Bình: Xử phạt vi phạm hành chính một hộ kinh doanh giầy dép trên địa bàn huyện Tiền Hải

Ngày 14/12/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một hộ kinh doanh giầy dép trên địa bàn huyện Tiền Hải kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ số tiền 6 triệu đồng.

Hội nghị tổng kết Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2024
Hội nghị tổng kết Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2024

Ngày 12/12/2024, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2024. Tham dự có có đồng chí Nguyễn Hoàng Bắc - Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh; đồng chí Nguyễn Huy Hoàng-Phó Giám đốc Sở Công Thương; đồng chí Nguyễn Xuân Tốt- Phó Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp, Hợp tác xã, thương nhân trên địa bàn tỉnh.