Giúp dân nơi tâm lũ Mù Cang Chải
Sau đợt mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng tại một số xã vùng cao thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương đang nỗ lực cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. Trong bộn bề khó khăn ở vùng tâm lũ, sự giúp đỡ hết mình, không quản vất vả, hiểm nguy của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an và dân quân địa phương khiến người dân vững tâm...
Gác việc nhà để giúp dân
Chiều muộn ngày 10-8, khi nhiều gia đình ở các bản vùng cao đang chuẩn bị cho bữa tối thì cán bộ, chiến sĩ Trung đội Dân quân cơ động xã Khao Mang cùng một số cán bộ Ban CHQS huyện Mù Cang Chải vẫn tập trung tại nhà ông Hà Văn Miên ở bản Thái, xã Khao Mang hối hả hỗ trợ gia đình vận chuyển tài sản, tháo dỡ nhà di chuyển đến nơi an toàn. Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình giúp dân, tôi không khỏi rùng mình khi nhìn lên sườn taluy dương cao hàng chục mét ngay phía sau nhà ông Miên đang có nguy cơ sạt trượt xuống bất kỳ lúc nào.
Bộ đội và dân quân giúp các hộ dân ở vị trí có nguy cơ bị sạt lở tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải di chuyển nhà và tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: HỒNG SÁNG |
Đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái thăm hỏi, tặng quà gia đình có nhà bị cuốn trôi toàn bộ tài sản tại bản Xéo Mả Pán, xã Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái). Ảnh: HỒNG SÁNG |
Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Mù Cang Chải hỗ trợ người dân di dời nhà và tài sản ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở. |
- Biết là rất nguy hiểm nên chúng tôi càng phải khẩn trương hỗ trợ gia đình dỡ nhà, di chuyển đến nơi ở mới. Bởi chỉ cần một trận mưa lớn nữa, cả nghìn mét khối đất đá này có thể sẽ đổ ụp xuống, vùi lấp toàn bộ căn nhà-Thiếu tá QNCN Vàng A Nủ, Trợ lý quân khí, Ban CHQS huyện Mù Cang Chải nói với tôi trong hơi thở dốc vì mệt.
- Mấy ngày qua, các đồng chí hỗ trợ được nhiều gia đình không?-Tôi hỏi đồng chí Thào A Sang, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Khao Mang đang trực tiếp làm cùng anh em.
- Hơn một tuần nay, chưa ngày nào chúng tôi được nghỉ ngơi vì số hộ trong diện phải di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở còn nhiều. Thậm chí, không ít gia đình cán bộ, chiến sĩ dân quân cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ, nhưng khi được huy động giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, anh em đã gác lại việc nhà, tích cực tham gia giúp dân, góp phần cùng địa phương sớm ổn định đời sống nhân dân sau lũ.
Theo Thượng tá Đỗ Hồng Thành, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mù Cang Chải, nhằm giúp dân sớm ổn định cuộc sống sau lũ, Ban CHQS huyện đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ứng phó với thiên tai, đồng thời điều động tối đa quân số của đơn vị và gần 300 đồng chí dân quân ở 10 xã trên địa bàn huyện tham gia thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại 3 xã: Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn.
Dân còn gian nguy thì quân chưa nghỉ
Có mặt tại bản Xéo Mả Pán, xã Khao Mang (nơi có nhiều gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ) khi bóng tối đã trùm khắp các bản vùng cao, Đại tá Lê Trọng Thể, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Yên Bái và đoàn công tác vội đến thăm, động viên, tặng quà hỗ trợ gia đình anh Sùng A Lử, chủ ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn sau trận lũ lớn. Đại tá Lê Trọng Thể cho biết: “Khi xảy ra mưa lũ nghiêm trọng tại huyện Mù Cang Chải, LLVT tỉnh Yên Bái đang thực hiện nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023. Tuy hết sức bận rộn với nhiệm vụ diễn tập nhưng Bộ CHQS tỉnh vẫn kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo huyện Mù Cang Chải tập trung lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng tại chỗ khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, với tinh thần không để người dân bị đói, bị khát; không để hộ nào còn ở trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở...”.
Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái chỉ đạo Ban CHQS huyện Mù Cang Chải tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; huy động lực lượng tại chỗ gồm bộ đội, công an, dân quân, tự vệ và nhân dân địa phương di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất ra khỏi khu vực nguy hiểm; đưa các hộ có nhà bị sập, cuốn trôi đến nơi an toàn; hướng dẫn các xã khẩn trương xây dựng phương án bố trí nơi ở mới cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà cửa. Cùng với đó, LLVT huyện phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; phân công lực lượng dân quân cơ động hỗ trợ dọn dẹp đất đá sạt lở ở các tuyến đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu trợ người dân...
Tính đến 19 giờ ngày 10-8, tại xã Khao Mang, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện do Trung tá Giàng A Tính, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mù Cang Chải chỉ huy đã cơ bản khắc phục được sạt lở, thông xe 2 tuyến đường lên bản Xéo Mả Pán và Háng Bla Ha B; hỗ trợ di chuyển hơn 20 ngôi nhà về nơi an toàn. Cùng ngày, 120 cán bộ, chiến sĩ dân quân thuộc 3 xã: Chế Cu Nha, Mồ Dề, Dế Xu Phình cùng 6 đồng chí cán bộ Ban CHQS huyện đã tích cực hỗ trợ xã Hồ Bốn thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; dọn rửa bùn đất toàn bộ khuôn viên và một số phòng học của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn...
Đêm 10-8, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Mù Cang Chải vẫn đang túc trực tại các địa bàn, vị trí xung yếu, vừa hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, vừa sẵn sàng ứng phó khi có tình huống mưa lũ, sạt lở đất xảy ra.
Theo Đại tá Lê Trọng Thể, tính đến 22 giờ ngày 10-8, mưa lũ và sạt lở đất ở Mù Cang Chải đã làm 3 người chết (2 cháu nhỏ ở xã Khao Mang bị đá lăn vào nhà và 1 người ở xã Hồ Bốn bị lũ cuốn trôi đã được lực lượng dân quân tìm thấy tại bờ hồ thủy điện Huội Quảng thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu, cách nơi mất tích 20km). Thiệt hại về tài sản ảnh hưởng đến hơn 900 nhân khẩu, trong đó 248 ngôi nhà bị hư hại, 68 ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn, 36 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp... Bên cạnh đó, rất nhiều công trình công cộng, đường giao thông, đường điện cao thế bị hư hỏng; hàng nghìn con gia súc, gia cầm của người dân bị nước lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.