• Click để copy

Gỡ điểm nghẽn trên tuyến vận tải thủy tại cầu Đuống

Hành lang đường thủy qua sông Đuống được xác định là một trong 3 tuyến vận tải thủy nội địa chủ yếu của khu vực Bắc Bộ. Tuy nhiên, tuyến giao thông huyết mạch này lại đang ách tắc bởi cầu Đuống, do cây cầu này đã quá cũ, tĩnh không thấp, tạo thành "nút thắt cổ chai" cản trở tàu trọng tải lớn lưu thông. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, hai cây cầu mới sẽ được xây dựng qua sông Đuống.

Tàu trọng tải lớn tắc nghẽn vì tĩnh không cầu thấp

Hiện nay, tuyến hành lang đường thủy số 1 qua sông Đuống đã được đầu tư, nâng cấp luồng tàu, bảo đảm cho tàu đến 800 tấn có thể hoạt động. Tuyến đường thủy này đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa từ khu vực cảng biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng đến cảng Việt Trì (Phú Thọ) và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, năng lực vận tải của tuyến đang bị ách tắc khi đến đoạn sông có cầu Đuống bắc qua.

Gỡ điểm nghẽn trên tuyến vận tải thủy tại cầu Đuống
Cầu Đuống hiện tại bị hạn chế về tĩnh không, ảnh hưởng đến vận tải thủy qua sông Đuống. Ảnh: LÊ KHÁNH 

Cầu Đuống được đưa vào khai thác từ đầu thế kỷ 20, đến nay đã hơn 100 tuổi với công năng kết hợp cả đường bộ và đường sắt. Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), tĩnh không cầu Đuống chỉ đạt 2,8m vào lúc nước cao, bề rộng khoang thông thuyền khoảng 26m, không bảo đảm tiêu chuẩn phân cấp đường thủy nội địa.

Do tĩnh không thấp nên tàu có trọng tải đến 600 tấn hoặc sà lan chở container 24 TEU chỉ có thể lưu thông qua đoạn sông phía dưới cầu Đuống với điều kiện phải chờ nước xuống. Điều này gây ùn ứ, tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí, hạn chế khả năng vận tải container bằng đường thủy của các địa phương phía Bắc.

Với thực tế khai thác đường thủy hiện tại, cầu Đuống còn gây nguy cơ xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Cây cầu này từng phải sửa chữa quy mô lớn vào năm 2010, trong thời gian đó, cầu phao được bắc qua sông để bảo đảm giao thông đường bộ. "Qua nhiều năm khai thác, cầu Đuống hiện đã xuống cấp, việc đầu tư nâng tĩnh không cầu là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực khai thác của tuyến đường thủy số 1 và bảo đảm an toàn cho phương tiện", ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA đường sắt chia sẻ.

Xây dựng hai cầu mới để thay thế cầu Đuống

Để tháo gỡ điểm nghẽn cầu Đuống, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) với số vốn hơn 1.800 tỷ đồng. Theo đó, sẽ xây dựng cầu đường sắt và đường bộ để nâng cao tĩnh không hành lang đường thủy số 1 qua sông Đuống.

Cụ thể, cầu đường sắt dài 1.000m, cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5m, theo dạng đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tĩnh không thông thuyền của cầu đường sắt mới được nâng lên đạt 7m, cao hơn gấp đôi so với cầu hiện tại, giai đoạn hoàn thiện có thể đạt 9,5m. Bề rộng khoang thông thuyền đạt hơn 50m. Cầu còn bố trí đường cho người đi bộ ở phía bên phải tuyến.

Đối với cầu dành cho đường bộ, cầu mới sẽ nối từ nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên, TP Hà Nội) đến nút giao giữa đường Hà Huy Tập và đường Phan Đăng Lưu (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Chiều dài cầu khoảng 700m, nằm cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100m về phía hạ lưu.

Gói thầu xây dựng cầu đường bộ qua sông Đuống hiện đã lựa chọn được nhà thầu, đang bắt tay vào triển khai thi công. Với cầu đường sắt, dự kiến sẽ lựa chọn nhà thầu trong quý III-2023. Phấn đấu trong năm 2025 sẽ hoàn thành dự án.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, theo quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 8 cầu qua sông Đuống, trong đó cầu Đuống được tách thành cầu đường bộ và đường sắt.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống là công trình quan trọng trên địa bàn thành phố, được Bộ GTVT đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực cầu Đuống, cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô. "Việc triển khai xây dựng dự án rất cần thiết, cấp bách, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng nói riêng và kinh tế-xã hội của thành phố nói chung", ông Trần Hữu Bảo đánh giá.

Để triển khai dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống đáp ứng yêu cầu đề ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy yêu cầu Ban QLDA đường sắt với vai trò chủ đầu tư, chỉ đạo tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng và tuyệt đối an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại.

Bên cạnh đó, cần tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng đề nghị các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA đường sắt, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đáp ứng tiến độ, hiệu quả.

MẠNH HƯNG

Bài liên quan

Tin mới

Israel không kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon
Israel không kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon

Ngày 19-9, Israel triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu thực hiện các đợt không kích dữ dội nhằm vào các cứ điểm của lực lượng Hezbollah tại Lebanon.

Tàu 18 rời Australia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Kakadu 2024
Tàu 18 rời Australia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Kakadu 2024

Sáng 20-9, Tàu 18 thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân do Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân là Trưởng đoàn đã rời cảng Coonawarra, thành phố Darwin, Australia, bắt đầu hành trình về nước sau khi hoàn thành tốt tất cả các khoa mục tại Diễn tập Kakadu 2024 do Hải quân Hoàng gia Australia đăng cai tổ chức.

Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân
Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 19-9 trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có mưa vừa, mưa to đến rất to gây chia cắt các ngầm tràn trên các tuyến quốc lộ, đường liên xã, đường nội thôn ở một số địa phương. Đặc biệt, tại một số khu vực thuộc huyện Hướng Hóa có nguy cơ sạt lở núi gây ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống nhân dân.

Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4
Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4

Do ảnh hưởng của bão số 4, đến 5 giờ sáng 20-9, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức sơ tán 874 hộ với 3.059 người ra khỏi vùng có nguy cơ cao do sạt lở.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tháng 9 và quý IV/2024.