Hà Tĩnh đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 223 sản phẩm còn trong thời hạn chứng nhận, nhiều sản phẩm mở rộng tiêu thụ ra nước ngoài như kẹo cu đơ, bánh ram, sứa ép, nước mắm...
Tỉnh Hà Tĩnh hiện đang tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này với số lượng lớn, ổn định trong thời gian tới.
Hương Sơn là quê hương của kẹo cu đơ, nhưng loại kẹo này hiện nay lại phát triển rầm rộ tại thành phố Hà Tĩnh. Tại đây có hàng trăm lò nấu kẹo dọc Quốc lộ 1, bến xe và mỗi nơi một vị, một số lò nấu kẹo không bảo đảm chất lượng làm ảnh hưởng đến hình ảnh, hương vị kẹo cu đơ truyền thống. Cuối tháng 4-2023, 50 thùng kẹo cu đơ với 24.000 chiếc của cơ sở sản xuất kẹo cu đơ bà Hường (thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn) đã được xuất khẩu sang New Zealand. Từ trước tới nay, cu đơ được “xách tay” ra nước ngoài rất nhiều nhưng đây là đơn hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch đầu tiên của Hà Tĩnh. Cu đơ bà Hường được xuất ngoại càng khẳng định uy tín của mảnh đất khai sinh ra loại kẹo này, khôi phục hương vị cu đơ truyền thống, nguyên bản.
Sản phẩm “Sứa ép Mai Dung”, OCOP 3 sao của huyện Thạch Hà đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: HOA LÊ |
Vùng biển bãi ngang huyện Thạch Hà cồn cát trắng, đặc lau sậy, người dân bao đời nghèo khó. Nơi đây từ tháng 12 âm lịch đến tháng 3 năm sau là vào vụ sứa. Ngư dân chỉ cần dong thuyền ra tầm 1-2 hải lý là có thể bắt sứa về, cắt lấy mình và chân sứa muối cùng với các loại lá cây. Sứa chín có màu vàng sánh và mang ra chợ bán ăn kèm với các loại rau thơm, chấm ruốc (mắm tôm). Có một thời gian, nhiều thương lái đến vùng biển Hà Tĩnh mua sứa để về làm nguyên liệu chế biến, xuất khẩu. Người dân cứ lầm lũi đánh bắt và làm sạch sứa rồi nhập cho thương lái.
Nghề làm sứa vất vả, mỗi ngày được 200-300.000 đồng. Ông Nguyễn Đình Dung (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà) thu mua sứa của ngư dân trong vùng và nhập cho thương lái. Mỗi ngày, ông và ngư dân làm việc quần quật, công sức bỏ ra nhiều nhưng chỉ hì hụi lấy công làm lãi. Ông Dung nghe ngóng được bên Trung Quốc họ thu mua sứa để về chế biến các món ăn sẵn, lợi nhuận vô cùng lớn. Từ đó, ông ngày đêm nghĩ cách để con sứa quê hương Hà Tĩnh mang lại giá trị hơn.
Qua năm lần bảy lượt học hỏi, cộng với kinh nghiệm muối sứa truyền thống, ông Dung cho “ra lò” mẻ sứa muối với công thức mới, ông Dung bán ngay tại nhà lấy tên là “Sứa ép Mai Dung”. Sản phẩm “Sứa ép Mai Dung” đã được chứng nhận thương hiệu OCOP 3 sao, được dân làng, khách thập phương mua ngày một đông bởi hương vị thơm ngon. Đơn hàng sứa xuất khẩu đầu tiên mà ông Nguyễn Đình Dung nhận được lên đến 20 tấn, giá trị hợp đồng 1,4 tỷ đồng. Để làm được 20 tấn sứa thành phẩm, ông Dung phải thu mua hơn 200 tấn sứa tươi của ngư dân vùng biển cả huyện từ xã Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Văn vào đến Thạch Lạc, Thạch Hội.
Hiện nay đang có một đối tác đề nghị tiếp một hợp đồng sứa ép lên đến 120 tấn để xuất khẩu nhưng ông Dung chưa dám nhận đơn hàng “khủng” đó. Ông Dung tiếc rẻ: “Con sứa to lớn nhưng chỉ lấy được 1/10 cơ thể của nó để chế biến. Tức là, 120 tấn sứa thành phẩm phải thu mua hơn 1.200 tấn sứa thô. Đơn hàng quy mô lớn quá mà cơ sở chúng tôi còn đơn sơ, muốn thuê đất để mở rộng nhà xưởng cũng rất khó khăn. Nhận đơn hàng mà làm không kịp tiến độ, không đáp ứng được với các tiêu chí khắt khe của nước ngoài thì bồi thường hợp đồng mệt luôn!”.
Về thành phố Hà Tĩnh, rất dễ bắt gặp những cánh đồng dựng phên nứa phơi bánh ram, loại vỏ bánh để làm chả ram mà nhiều nơi gọi là chả cuốn, nem cuốn. Bánh ram Hà Tĩnh được sản xuất dựa trên bí quyết lâu đời, tạo sự khác biệt hoàn toàn với các loại bánh đa khác với vỏ bánh mềm, dễ gói, không cần nhúng nước, ít thấm dầu để mang lại những món ăn thơm ngon giòn rụm, khi rán lên màu vàng cánh gián tự nhiên. Một trong những cơ sở sản xuất bánh ram ngon, chất lượng và được đối tác ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đó là bánh ram Anh Thu (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà).
Bánh ram cơ sở này được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2023, nhiều lần đón các đoàn trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Vừa qua, đại diện của Trường Quốc tế Adelaide và đại diện của Trường Albert Einstein đã đến thăm và làm việc tại xưởng. Qua chuyến thăm, các vị khách quốc tế rất hứng thú với quy trình sản xuất cũng như hương vị của bánh ram Hà Tĩnh. Đây cũng là một kênh truyền thông đến thị trường quốc tế và trong nước để nhiều người biết đến sản vật của Hà Tĩnh. Chị Lê Anh Thu, chủ cơ sở tâm sự: “Bánh ram sẽ được các công ty trung gian chuyên xuất, nhập khẩu hàng hóa đảm nhận mọi quy trình từ đàm phán tìm nguồn tiêu thụ, giấy tờ, thủ tục, vận chuyển hàng hóa... Cơ sở của mình chỉ phải đảm nhận khâu hoàn thành sản phẩm bảo đảm chất lượng, các giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận. So với việc phải qua đơn vị trung gian, việc xuất, nhập khẩu trực tiếp sẽ đạt được lợi nhuận tối đa nhưng hiện nay cơ sở chúng tôi chưa có năng lực để đảm nhận toàn bộ các khâu”.
Những sản vật địa phương được nâng tầm lên thương hiệu OCOP và đã có những đơn hàng xuất khẩu chính ngạch, tuy số lượng chưa nhiều lại phải trải qua các công ty trung gian nhưng cũng được xem là những bước tiến nhảy vọt. Sở dĩ việc xuất khẩu các mặt hàng này còn hạn chế là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu ổn định, truy xuất được nguồn gốc chưa được rõ ràng, công tác quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, các sản phẩm chưa xây dựng câu chuyện hấp dẫn; khâu nhận diện thương hiệu còn chưa được quan tâm.
Bà con Hà Tĩnh làm kẹo cu đơ. Ảnh: ĐẬU HÀ |
Hiện nay, Hà Tĩnh đang tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm OCOP có tiềm năng, thế mạnh. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Thời gian tới, các ban, ngành chuyên môn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức cho các chủ thể OCOP, nhất là kiến thức về quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Để hỗ trợ các cơ sở OCOP có tiềm năng xuất khẩu, các địa phương ưu tiên bố trí đất đai để các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất; hình thành các vùng nguyên liệu ổn định để phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, giữa các cơ sở OCOP có sản phẩm cùng loại cũng cần tổ chức liên kết sản xuất để dần hình thành và xây dựng thương hiệu lớn, thương hiệu tập thể”.
Các sản phẩm OCOP thường là những sản vật tiêu biểu, đặc sắc của địa phương, lưu giữ hồn cốt, mang trầm tích văn hóa mảnh đất, con người nơi đó. Nếu thực hiện tròn khâu từ chế biến đến xuất khẩu, truyền thông mạnh mẽ về những câu chuyện đẹp, chắc chắn rằng, sản phẩm OCOP sẽ có mặt trên bàn ăn của nhiều gia đình trên thế giới; viết nên hành trình mang hương vị, nét đẹp văn hóa Hà Tĩnh đến với bạn bè năm châu.
HOÀNG HOA LÊ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.